Giúp nông dân sản xuất hiệu quả
100 máy tính bảng Xelex với phần mềm “made in Việt Nam” phục vụ sản xuất nông nghiệp do Công ty TNHH Tập đoàn Hành trình Thành công mới trao tặng vào đầu năm 2020 đang được các hộ nông dân, HTX trên địa bàn tỉnh áp dụng hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp.
Đại diện đơn vị sản xuất máy tính bảng Xelex (bìa trái) đang hướng dẫn nông dân sử dụng các tính năng trên máy. |
TIỆN LỢI CHO NÔNG DÂN
Nếu như mùa vụ trước, sau khi thu hoạch ổi Ruby, ông Nguyễn Kim Trinh, ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc chỉ bán lẻ cho khách hàng tại địa phương thì vụ thu hoạch năm nay, ông đã bắt đầu giới thiệu sản phẩm lên trang “chợ nông sản” trên phần mềm quản lý nông nghiệp của máy tính bảng Xelex. Ông Trinh cho hay, thay vì phải gọi điện chào bán sản phẩm như trước đây, hiện nay ông chỉ cần chụp hình, đưa thông tin lên “chợ nông sản”. Từ khi sản phẩm có mặt tại “chợ nông sản”, sản phẩm ổi Ruby đã được nhiều khách hàng ở các tỉnh miền Tây, TP. Hồ Chí Minh liên hệ, đặt mua.
Đầu năm 2020, ông Trinh và nhiều nông dân khác tại huyện Xuyên Mộc được tiếp cận với phần mềm Worldsoft trên máy tính bảng Xelex. Mới đầu khá lạ lẫm nhưng khi tìm hiểu ông nhận thấy phần mềm khá bổ ích cho nông dân. “Chỉ cần máy tính bảng được kết nối internet, dù ở bất cứ đâu cũng đều có thể kiểm tra, theo dõi được sản lượng mình bán ra, còn bao nhiêu, mức đầu tư và lợi nhuận ra sao, từ đó có sự điều chỉnh vốn trong những vụ tiếp theo. Ngoài ra, quy trình sản xuất, bón phân gì, sử dụng loại thuốc nào, đều được cập nhật và kết nối với mạng xã hội như Facebook, zalo, vừa giúp tôi quản lý tốt đồng thời cung cấp tới người tiêu dùng về nguồn gốc sản phẩm mình đang sử dụng được sản xuất như thế nào”, ông Trinh cho biết thêm.
Còn ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình (xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) cho rằng, phần mềm phục vụ sản xuất nông nghiệp là công cụ cần thiết để hỗ trợ nông dân tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất, bắt kịp xu hướng hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp. Khi được tiếp cận với phần Worldsoft trên máy tính bảng Xelex, ông Mỹ khá hào hứng. Ông bắt đầu bằng việc lập kế hoạch đầu vụ cho toàn HTX, trong đó có bao nhiêu thành viên, diện tích, sản lượng ước tính ra sao. Từ đó vào đầu mỗi mùa vụ, HTX sẽ nắm được tình hình sản xuất, mức tăng trưởng ra sao để có kế hoạch điều chỉnh sản xuất phù hợp. Ngoài ra, khi xảy ra các vấn đề như sâu bệnh, thị trường tiêu thụ hay nguồn vốn, các thành viên trong HTX thông báo lên phần mềm, từ đó HTX sẽ nắm bắt được tình hình, đồng thời đưa ra cách phòng tránh phù hợp.
Cũng theo ông Mỹ, điểm ưu việt nữa mà phần mềm này mang lại cho nông dân đó là có sự kết nối sẵn với ngân hàng, giúp tư vấn và hỗ trợ trực tuyến tới nông dân có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất. Công cụ ViViet trên phần mềm là một phương thức thanh toán thuận tiện cho bà con khi sử dụng giao dịch, mua bán trên chợ nông sản. Nông dân sẽ tự quản lý được tài chính, chi phí đầu tư và nguồn lợi nhuận thu vào để có sự điều chỉnh đầu tư đầu vào phù hợp.
PHẦN MỀM “MADE IN” VIỆT NAM
Do Worldsoft là phần mềm của DN Việt Nam thiết kế, do đó từ ngôn ngữ, tới cách hướng dẫn đều dễ hiểu, gần gũi với nông dân. Đặc biệt, phần mềm khá thuận tiện trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Thông qua phần mềm này, sản phẩm nông nghiệp của địa phương không chỉ được bán trong tỉnh mà còn có cơ hội để giới thiệu tới các thị trường khác trên cả nước. Bên cạnh đó, các tính năng trên phần mềm cũng gần như bám sát vào tình hình thực tiễn tại từng vùng, từng địa phương trong nước. Từ đó, sẽ đưa ra các nhận định, đánh giá chính xác về điều kiện khí hậu, đất, nhiệt độ khi sử dụng. Máy tính bảng Xelex còn là phương tiện để dễ dàng kết nối với các chuyên gia hay các hộ nông dân có nhiều kinh nghiệm, nhằm chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi hay trồng trọt.
Ông Lê Song Nam, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Tập đoàn Hành trình Thành công mới, đơn vị sản xuất máy tính bảng phục vụ sản xuất nông nghiệp cho biết: Phần mềm Worldsoft trên máy tính bảng Xelex là sản phẩm 100% “made in” Việt Nam sản xuất, nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nông dân trong nước. Sản phẩm được nghiên cứu dựa trên những nhu cầu và định hướng nông nghiệp trong thời gian tới của Việt Nam. Do vậy sản phẩm khá gần gũi và mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân. Khi được áp dụng rộng rãi, đây sẽ là bước tiến mới, mở ra thời kỳ công nghệ 4.0 vào trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
BR-VT và Vĩnh Long là 2 tỉnh đầu tiên trong cả nước được DN triển khai đưa vào sử dụng thực tiễn. “Chúng tôi hy vọng, máy tính bảng sẽ hỗ trợ đắc lực cho nông dân trong quá trình sản xuất canh tác, giúp nông dân làm chủ trong sản xuất, kinh doanh, làm giàu trên mảnh đất quê hương, góp phần để ngành nông nghiệp tỉnh BR-VT không ngừng phát triển”, ông Nam khẳng định.
Bài ảnh: PHÚC HIẾU