Vì một bờ biển "khỏe mạnh"
BR-VT là 1 trong 6 tỉnh, thành ven biển đã và đang triển khai dự án “Thiết lập nền tảng cho quản lý tổng hợp vùng bờ tại một số tỉnh ven biển của Việt Nam”. Theo đó, nhiệm vụ của đề án là nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong việc sử dụng đa mục đích vùng bờ, duy trì đa dạng sinh học, giảm xung đột lợi ích cũng như thúc đẩy sự liên kết và cân đối giữa các ngành, các hoạt động liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường vùng bờ.
Diễn tập xử lý sự cố tràn dầu, một trong những nhiệm vụ của quản lý tổng hợp vùng bờ. |
Quản lý tổng hợp vùng bờ (QLTHVB) là phương thức quản lý bao gồm việc đánh giá toàn diện và đặt ra các mục tiêu quy hoạch, quản lý hệ thống tài nguyên tại vùng bờ. Mục tiêu chung của QLTHVB là phát triển bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất xung đột giữa bảo vệ, bảo tồn với khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế; tạo lập sinh kế bền vững cho các cộng đồng ven biển, tăng cường năng lực và khả năng ứng phó với sự cố môi trường, thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thời gian qua, nhiều hoạt động QLTHVB của các khu vực, quốc gia, địa phương trên thế giới đã được triển khai. QLTHVB đã đạt được những thành công giúp tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường và phát triển xã hội như ở Hà Lan, Trung Quốc, Singapore, miền Tây Australia, vịnh Batangas của Philippines… Tại Việt Nam, QLTHVB bắt đầu được quan tâm từ giữa những năm 90 của thế kỷ XX. Bên cạnh sự đầu tư của Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế cũng sẵn sàng hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật để giúp Việt Nam thực hiện QLTHVB. Với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Hà Lan, Việt Nam đã tiến hành dự án “Quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam – Hà Lan” (VNICZM) từ năm 2000 – 2003 (Pha 1) và từ 2003 – 2004 (Pha cầu nối). Một trong những kết quả đáng ghi nhận của dự án là đã xây dựng được dự thảo Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ cho Việt Nam đến năm 2020 – định hướng đến năm 2030 và dự thảo hướng dẫn xây dựng Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ cho Việt Nam.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1457/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Thiết lập nền tảng cho quản lý tổng hợp vùng bờ tại một số tỉnh ven biển của Việt Nam”. Cùng với Thừa Thiên Huế, Quảng Nam Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, BR-VT là địa phương đã được chọn để thí điểm quản lý tổng hợp vùng bờ trên địa bàn. Dự án có hạn mức vốn 3,85 triệu USD. Trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Hàn Quốc thông qua tổ chức KOICA 3,5 triệu USD (tương đương 80,5 tỷ đồng). Vốn đối ứng là 8,05 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 4,323 tỷ đồng do Bộ TN-MT bố trí vốn; nâng sách địa phương 3.726 tỷ đồng dưới hình thức tiền mặt do UBND tỉnh BR-VT bố trí vốn.
Thực hiện các quyết định này, 6 tỉnh ven biển kể trên đang triển khai thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ QLTHVB gồm: xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp vùng bờ; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học vùng bờ; phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, giảm thiểu tổn thất do thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đào tạo, tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về quản lý tổng hợp vùng bờ; xây dựng và triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ tại các địa phương ven biển.
Ngoài ra, BR-VT đã thiết lập nền tảng cơ bản về QLTHVB; chuẩn bị xây dựng và vận hành 2 trạm quan trắc tự động nước biển ven bờ; tăng cường năng lực về ngăn ngừa và ứng phó với sự cố tràn dầu… Theo Sở TN-MT, qua thực tế triển khai, các hoạt động QLTHVB đã góp phần tạo ra hành lang pháp lý để triển khai một cách tiếp cận mới về quản lý tài nguyên biển là QLTHVB, đồng thời thúc đẩy xây dựng một hệ thống quản lý tổng hợp cả về cơ sở vật chất, kỹ thuật và tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, phục vụ phát triển bền vững vùng bờ tại BR-VT. Hoạt động này cũng góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của các địa phương có biển về QLTHVB, khắc phục những mặt còn hạn chế của phương pháp quản lý truyền thống theo ngành và theo lãnh thổ, giải quyết những bất hợp lý trong sử dụng không gian tài nguyên vùng bờ giữa các ngành và cộng đồng.
Vùng bờ (hay còn gọi là đới bờ) là nơi tập trung sôi động các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội nên rất dễ bị tổn thương và phải đối mặt với nhiều vấn đề như tình trạng cạn kiệt tài nguyên, suy thoái hệ sinh thái biển, xói lở bờ biển, nhất là khi việc sử dụng các nguồn tài nguyên được quản lý theo cách tiếp cận đơn ngành. |
Bài, ảnh: QUANG VŨ