.

Hỗ trợ nông dân "vượt khó"

Cập nhật: 21:59, 08/05/2020 (GMT+7)

Nông nghiệp là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID 19. Nhiều mặt hàng nông sản rớt giá, không tiêu thụ được đã khiến người nông dân lao đao. Thời điểm này, khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, cuộc sống dần trở lại bình thường, chính quyền cần có chính sách hỗ trợ để bà con nông dân khôi phục sản xuất. 

Dịch COVID 19 đã làm nhiều người nuôi tôm lao đao.  Trong ảnh: Ông Trần Đức Thành (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ), chuẩn bị thức ăn cho tôm.
Dịch COVID 19 đã làm nhiều người nuôi tôm lao đao. Trong ảnh: Ông Trần Đức Thành (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ), chuẩn bị thức ăn cho tôm.

TRỒNG TRỌT, CHĂN NUÔI ĐỀU GẶP KHÓ

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, những người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đức Toàn (ấp An Bình, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) đang nuôi gần 2ha tôm sú. Từ sau Tết đến nay, do nhu cầu giảm mạnh nên việc tiêu thụ rất khó khăn. Hiện nay, giá tôm giảm đột biến so với vài tuần trước. Cụ thể, giá tôm sú loại 20 con/kg giá 170-200 ngàn đồng/kg (giảm 60 ngàn đồng/kg); tôm sú loại 30 con/kg giá 150-180 ngàn đồng/kg (giảm khoảng 70 ngàn đồng/kg); tôm sú loại 40 con/kg có giá khoảng 90-130 ngàn đồng/kg (giảm 40 ngàn đồng/kg). Ông Toàn cho biết: “Với giá này người nuôi đã không có lời. Khó khăn hơn nữa là, dù giá thấp nhưng việc tiêu thụ vẫn rất chậm. Trước đây, vụ thu hoạch tôm sú kéo dài khoảng 1 tháng thì vừa rồi, thương lái chỉ mua lai rai vào cuối tuần nên thời gian thu hoạch lên đến hơn 3 tháng. Thời gian kéo dài làm tôm chết, tỷ lệ hao hụt tăng mạnh. 2ha tôm của tôi thông thường thu được khoảng 15 tấn/ vụ thì vừa qua chỉ được gần 6 tấn. Tôi thua lỗ khoảng 800 triệu đồng trong vụ tôm mùa dịch COVID-19”.

Còn theo ông Nguyễn Thành Loan (thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức), thời gian qua, người chăn nuôi gà cũng lao đao vì dịch COVID-19. Do các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học... ngưng tiêu thụ do giãn cách xã hội, cộng với thông tin dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại, khiến giá gà rớt thảm hại. “Giá gà công nghiệp chỉ giữ ở mức 16-20 ngàn đồng/kg, thậm chí, có những thời điểm chỉ còn 10-12 ngàn đồng/kg khiến tôi cùng nhiều chủ trang trại khác thua lỗ nặng nề. Nguồn vốn vay ngân hàng vẫn đang “treo lơ lửng” khiến tôi khá lo lắng”. 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ngoài thịt heo, các loại sản phẩm của ngành chăn nuôi khác đều có xu hướng giảm giá mạnh do việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với ngành trồng trọt, giá các loại trái cây cũng đều giảm mạnh do việc xuất khẩu gặp khó khăn, nhất là sang thị trường Trung Quốc. Như giá một số loại xoài, trước đây lên đến 30-40 ngàn đồng/kg, thì nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có khi giá chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg. Với giá này, chưa tính công lao động, nông dân cũng đã thua lỗ hàng chục triệu đồng/ha.

Không riêng gì xoài, hàng loạt loại trái cây đặc sản khác cũng rớt giá kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra. Giá thanh long ruột đỏ hái tại vườn có thời điểm giảm xuống chỉ còn 6.000 - 8.000 đồng/kg, dưa hấu ở thời điểm thấp nhất, giá chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg; mít Thái giảm, chỉ còn 10.000 - 15.000 đồng/kg. Đặc biệt, giai đoạn các cửa khẩu biên giới bị đóng do dịch bệnh COVID-19, giá các loại trái cây này đều “chạm đáy” nhưng cũng không có người thu mua.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tiếp tục các giải pháp để quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường cho nông sản BR-VT, nhất là những sản phẩm đã được công nhận chỉ dẫn địa lý. Trong ảnh: Thu hoạch muối tại ruộng của ông Phạm Văn Hiếu (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu).
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tiếp tục các giải pháp để quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường cho nông sản BR-VT, nhất là những sản phẩm đã được công nhận chỉ dẫn địa lý. Trong ảnh: Thu hoạch muối tại ruộng của ông Phạm Văn Hiếu (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu).

HỖ TRỢ NÔNG DÂN KHÔI PHỤC SẢN XUẤT

Hiện nay, khi việc giãn cách xã hội đang dần được nới lỏng, sức tiêu thụ và giá cả nhiều loại nông sản cũng đang dần hồi phục. Bà con nông dân cũng đang khôi phục lại việc sản xuất, canh tác. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang còn gặp khó khăn. Ông Nguyễn Đức Toàn cho biết: “Sau vụ tôm thua lỗ nặng vừa qua, tôi đang bắt tay vào thả nuôi vụ mới. Tuy nhiên, số tiền vay ngân hàng đang gần đến hạn trả.  Nguồn vốn để nuôi vụ mới cũng đang khó khăn. Do đó, tôi hy vọng Nhà nước có chính sách hỗ trợ để người nông dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 có thể giãn nợ, tiếp cận các nguồn vốn để có thể khôi phục lại sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Khảo sát thiệt hại do dịch COVID-19 để có chính sách hỗ trợ
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, hiện nay, Sở đang chỉ đạo các Chi cục, đơn vị chuyên môn tiến hành khảo sát các DN, nông dân chịu thiệt hại do dịch COVID-19. Tới đây, Sở sẽ báo cáo với UBND tỉnh để xem xét, kịp thời đưa ra những giải pháp hỗ trợ để người dân, DN phục hồi sản xuất.
 


Theo bà Nguyễn Lê Yến Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tỉnh, để hỗ trợ cho bà con nông dân, trong thời gian qua, đơn vị đã tiến hành nhiều biện pháp để quảng bá hình ảnh nông sản BR-VT; đồng thời, tích cực tìm kiếm, kết nối với các thị trường mới để việc tiêu thụ nông sản của nông dân trên địa bàn tỉnh thuận lợi hơn, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 khiến nhiều nông dân không bán được hàng. Bà Hà cho biết: “Về lâu dài, chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, vùng nuôi trồng và nhà vườn quy trình sản xuất nông sản sạch; đồng thời, hỗ trợ người dân, DN thực hiện việc truy xuất nguồn gốc để tăng cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khó tính, không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khiến giá nông sản bấp bênh như hiện nay”.

Bài, ảnh: PHÚ XUÂN

 
.
.
.