UBND Tỉnh họp thường kỳ tháng 2: Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Sáng 5/3, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 2, thảo luận về các giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh vẫn phải phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần bám sát từng nội dung công việc để triển khai hiệu quả; rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tăng đối thoại, lắng nghe ý kiến, có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy DN phát triển; kiểm soát chặt người về từ các vùng có dịch…
Công nhân Công ty TNHH Twinkle Việt Nam (KCN Mỹ Xuân 1 - Conac, TX. Phú Mỹ) sản xuất phụ kiện vali, túi xách. |
KINH TẾ TĂNG TRƯỞNG CHẬM VÌ DỊCH BỆNH COVID 19
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Đặng, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: Khởi đầu tháng 2 cũng là thời điểm Chính phủ công bố dịch COVID-19. Việt Nam đang kiểm soát tốt việc phòng dịch nhưng diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống dân cư và sản xuất kinh doanh; gây ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của ngành du lịch, vận tải; làm gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa, đình trệ sản xuất kinh doanh, suy giảm nhu cầu tiêu dùng đối với nhiều loại hàng hóa. BR-VT cũng không nằm ngoài ảnh hưởng chung đó.
Ngay từ thời điểm dịch bùng phát, công tác phòng dịch được triển khai đồng bộ, chặt chẽ. Đến thời điểm này, toàn tỉnh chưa ghi nhận bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm COVID-19. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành, các cấp nỗ lực ổn định đời sống nhân dân, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến đời sống dân cư và các ngành sản xuất kinh doanh, làm tăng trưởng kinh tế bị chậm lại. Trong đó ảnh hưởng nặng nhất là ngành du lịch. Tổng lượng khách lưu trú tháng 2 đạt 200.000 lượt, giảm 32,3%; doanh thu lưu trú đạt 431 tỷ đồng, giảm 8,7%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 5,13% nhưng giảm 0,03% so với tháng 1.
Về công tác phòng, chống dịch COVID - 19, ông Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế thông tin: Đến ngày 5/3, trên địa bàn tỉnh có 17 trường hợp cách ly tại khu cách ly tập trung nằm trong trụ sở Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh (cũ) tại TP. Bà Rịa. Tất cả đều đi từ vùng có dịch về và sẽ được cách ly 14 ngày theo quy định, trong đó có 4 trường hợp dưới 5 tuổi và trên 50 tuổi. Ngoài ra, có 17 trường hợp đang được cách ly tại nhà, đến nay ghi nhận sức khỏe đều bình thường. |
Một số chỉ tiêu kinh tế khác dù có tăng trưởng, nhưng mức tăng không bằng cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí) tháng 2 tăng 11,2%, lũy kế 2 tháng tăng 6,59% (trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 7,6%), giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,61%, lũy kế 2 tháng tăng 3,63% (cùng kỳ năm ngoái tăng 4,49%)....
Đối với công tác đầu tư xây dựng cơ bản, trong 2 tháng đầu năm chưa có dự án khởi công mới. Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh thấp, hơn 527 tỷ đồng, đạt 7,24%. Một số địa phương không đạt kế hoạch đề ra. Đơn cử như huyện Long Điền, ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho biết, đến nay, nguồn vốn giải ngân cho công tác xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện mới chỉ đạt 6%.
ĐỀ RA NHIỀU GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DN
Để bảo đảm ổn định và thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, UBND tỉnh yêu cầu các ngành liên quan nắm tình hình thực tế và đề xuất các giải pháp phù hợp hỗ trợ DN khắc phục khó khăn. Cụ thể là tập trung rà soát, tập hợp danh sách các DN đang bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh COVID-19 để kiến nghị ngân hàng, tổ chức tín dụng xem xét cho giãn nợ, giảm lãi suất... Cục Thuế tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành liên quan khẩn trương triển khai các chương trình miễn giảm phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuế... đối với các DN, hộ kinh doanh.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các ngành công nghiệp, thương mại đều tăng trưởng chậm. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu. Ảnh: MỸ LƯƠNG |
Trong lĩnh vực nông nghiệp, chính quyền, các đoàn thể tại các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê các mặt hàng nông sản gặp khó về thị trường. Trong ngắn hạn có thể phối hợp phát động một số phong trào “giải cứu” đối với một số loại nông sản. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần triển khai đến bà con nông dân các giải pháp, chính sách phát triển nông nghiệp bền vững như: Nâng cao chất lượng sản phẩm; xuất khẩu chính ngạch, giảm dần phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc; sản xuất gắn với nhu cầu thị trường...
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh: Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, để hoàn thành kế hoạch đề ra của năm nay, các sở, ngành, địa phương cần bám sát từng nội dung công việc theo chỉ đạo của UBND tỉnh, rà soát lại các danh mục, nhiệm vụ trọng tâm, xem xét các vướng mắc khó khăn cần tháo gỡ để đưa ra các đề xuất với UBND tỉnh. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương phải phối kết hợp tập trung công tác giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tăng đối thoại, lắng nghe ý kiến, có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy DN phát triển.
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, tính đến nay, dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh đã giảm, hiện toàn tỉnh chỉ còn 5 ổ dịch. Tuy nhiên, các ổ dịch này chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học. Do đó, để công tác chống dịch đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương phối hợp với ngành nông nghiệp tuyên truyền cho người dân biết khai báo để ngành chức năng kịp thời có các giải pháp hỗ trợ, ngăn ngừa. Liên quan đến việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, tổng số heo trên địa bàn tỉnh đã tiêu hủy 41.017 con. Tỉnh đã phê duyệt số tiền hỗ trợ 58 tỷ đồng, đã chi hỗ trợ 44 tỷ đồng cho các hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy, đạt tỷ lệ 75%. Về công tác phòng, chống dịch cúm trên đàn gia cầm, đến nay có 64/68 xã trong 30 ngày qua không phát thêm dịch. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các ngành liên quan trong việc phòng, chống dịch. |
Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Thọ yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát chặt người về từ các vùng có dịch. Lực lượng công an phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai lệch trên mạng, đưa kết quả xử lý công khai trên các phương tiện thông tin để răn đe, làm gương. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở TT-TT quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai Chính phủ điện tử, nhanh chóng ra mắt Trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh.
Bài, ảnh: PHAN HÀ - MỸ LƯƠNG