.

Biểu giá bán lẻ điện 5 bậc: Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm

Cập nhật: 21:03, 09/03/2020 (GMT+7)

Bộ Công thương vừa đề xuất điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 5 bậc thang thay vì 6 bậc thang như hiện hành. Theo tính toán, đây được coi là phương án tối ưu, qua đó khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm.

Phương án biểu giá điện 5 bậc, kịch bản 1 đang được Bộ Công thương đề xuất được coi là phương án tối ưu, khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm. Trong ảnh: Nhân viên Điện lực Xuyên Mộc lắp điện tại xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc).
Phương án biểu giá điện 5 bậc, kịch bản 1 đang được Bộ Công thương đề xuất được coi là phương án tối ưu, khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm. Trong ảnh: Nhân viên Điện lực Xuyên Mộc lắp điện tại xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc).

THU HẸP BIỂU GIÁ BÁN LẺ ĐIỆN CHO SINH HOẠT 

Theo Bộ Công thương, việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được thực hiện trên cơ sở chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về xem xét đổi mới cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng dùng vào mục đích sinh hoạt. Cụ thể, Bộ Công thương đề xuất 5 phương án bao gồm: 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc; trong đó phương án 5 bậc có 2 kịch bản.

Trên cơ sở các phương án đề xuất, Bộ Công thương kiến nghị lựa chọn phương án 5 bậc, kịch bản 1 để áp dụng. Cụ thể, theo phương án này, giá điện bậc 1 (cho 0-100kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành, bậc 2 từ 101-200kWh, bậc 3 từ 201-400kWh, bậc 4 từ 401-700kWh, bậc 5 từ 701kWh trở lên. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết: Để xem xét các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Công thương đã thống kê thực tế sản lượng điện của các khách hàng trong thời gian vừa qua. Theo đó, cả nước có hơn 1,2 triệu khách hàng dùng dưới 50kWh/tháng; trên 18 triệu hộ, chiếm 72% khách hàng dùng từ 50-300kWh/tháng, tương ứng khoảng 60% tổng sản lượng. Số khách hàng trên 700kWh/tháng so với lần khảo sát năm 2015 đã tăng lên đáng kể, chiếm khoảng 1,7% với sản lượng tiêu thụ khoảng 13%. Việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt chỉ thay đổi kết cấu sử dụng điện của từng bậc và giá điện cho từng bậc với mục tiêu đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN, thuận lợi cho hộ sử dụng điện cũng như thuận lợi cho quản trị DN; đảm bảo nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và công bằng xã hội; giảm bớt số bậc, thu hẹp biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt với số bậc phù hợp với chênh lệch hợp lý giá điện cho các bậc nhằm hạn chế một phần tình trạng tiền điện phải trả của các hộ dân tăng đột biến trong những tháng chuyển mùa.

Phương án biểu giá điện 5 bậc, kịch bản 1 đang được Bộ Công thương đề xuất là phương án tối ưu, khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm. Trong ảnh: Nhân viên Điện lực Vũng Tàu sửa chữa điện trên địa bàn thành phố.
Phương án biểu giá điện 5 bậc, kịch bản 1 đang được Bộ Công thương đề xuất là phương án tối ưu, khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm. Trong ảnh: Nhân viên Điện lực Vũng Tàu sửa chữa điện trên địa bàn thành phố.

KHUYẾN KHÍCH SỬ DỤNG ĐIỆN TIẾT KIỆM

Tại BR-VT, theo thống kê của Công ty Điện lực BR-VT, tính đến hết tháng 1/2020, tổng số hộ đang sử dụng điện sinh hoạt trên địa bàn tỉnh 326.332 hộ. Trong đó, tỷ lệ hộ sử dụng theo biểu giá điện mới (5 bậc) gồm: từ 0-100kWh/tháng (bậc 1) là 65.729 hộ (chiếm 20%); số hộ sử dụng từ 101-200kWh/tháng (bậc 2) là 136.136 (chiếm 42%); số hộ sử dụng từ 201-400kWh/tháng (bậc 3) là 91.832 (chiếm 28%); số hộ sử dụng từ 401-700kWh/tháng (bậc 4) là 23.074 (chiếm 7%); số hộ sử dụng trên 700kWh/tháng (bậc 5) là 9.561 (chiếm 3%).

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực BR-VT cho biết, so với cách tính 6 bậc, cách tính theo 5 bậc đơn giản, dễ hiểu hơn. Việc ghép các bậc lại với nhau tăng và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện hiện tại và khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn. Đồng thời hạn chế được một phần tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa. Bên cạnh đó, số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội không thay đổi so với hiện hành. Vì vậy khi triển khai biểu giá trên, giá bán lẻ điện bình quân cho các hộ sinh hoạt trên địa bàn tỉnh gần như không đổi. Cụ thể, số hộ sử dụng điện từ 700kWh trở xuống (chiếm 97%) có mức tiền điện phải trả sẽ bằng hoặc giảm đi khi áp dụng biểu giá điện mới. Riêng các hộ sử dụng trên 700kWh/tháng (khoảng 3%) thì giá điện sẽ chênh lệch tăng (kể từ kWh thứ 701 trở lên) nhưng không quá cao, khoảng 404 đồng/kWh. Do đó, tác động chung là không đáng kể.

Theo các chuyên gia ngành điện, phương án mà Bộ Công thương đề xuất đã tính toán kỹ nhằm mục tiêu cải tiến biểu giá bán lẻ điện. Bộ đã phân tích ưu nhược điểm từng phương án để chọn phương án khả thi nhất, hợp lý nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, rất khó kỳ vọng một biểu giá mà 100% người dân chấp nhận. Vì vậy, cần phân tích, xem xét kỹ càng để chấp nhận biểu giá nào mang lại lợi ích lớn, hài hòa nhất cho người tiêu dùng, ngành sản xuất điện và quản lý Nhà nước. Bộ Công thương hướng tới lựa chọn phương án 5 bậc thang được coi là phương án khả thi.

Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, với mỗi phương án đưa ra, Bộ Công thương đều có tính toán, so sánh về số tiền khách hàng ở mỗi bậc thang phải chi trả so với phương án 6 bậc đang được áp dụng. Tất cả các phương án được đưa ra đều có ưu điểm là giảm số bậc thang so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, băn khoăn hiện nay là làm sao tính toán được bước nhảy giữa các bậc thang, để làm thế nào đảm bảo lợi ích không chỉ cho người sử dụng điện mà còn cả cho đơn vị điện lực trong sự phát triển ngành điện. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá cho rằng, phương án của Bộ Công thương đưa ra không tăng giá bình quân, các bậc thang cũng hợp lý khi 98% số hộ dùng điện được giảm. Tuy nhiên, khoảng cách giá giữa các bậc thang là phải xem xét lại. Khoảng cách giữa 2 bậc đầu tiên, bước nhảy còn cao, bước 2 so với 1 tăng 19,95%, bước 3 so với bước 2 tăng 25,94%. Chính con số này khiến việc điều chỉnh giá điện năm trước tạo ra sự nhảy vọt về tiêu thụ điện của đa số người dân. “Bộ Công thương, ngành điện cần rà soát chính xác tỷ trọng tiêu dùng điện từng bậc, những vấn đề về giá các bậc làm sao xây dựng bước nhảy hợp lý hơn”, ông Thỏa nói.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.