.

Ngành thép tìm cách vượt khó

Cập nhật: 21:36, 24/02/2020 (GMT+7)

Dư thừa công suất ngày càng lớn, thị trường bị thu hẹp, xu hướng bảo hộ vẫn gia tăng… khiến các DN sản xuất thép trên địa bàn tỉnh phải xem xét việc cơ cấu lại sản xuất, tăng tính cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng thị trường tiêu thụ.  

Sản xuất thép tại Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ.
Sản xuất thép tại Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ.

GIẢM CÔNG SUẤT SẢN XUẤT

Sau 1 năm chính thức gia nhập thị trường thép với  2 sản phẩm thép thanh và thép cuộn, theo kế hoạch, mỗi năm Công ty TNHH thép Tung Ho Việt Nam (KCN Phú Mỹ II, TX. Phú Mỹ) sẽ đưa ra phục vụ thị trường 1 triệu tấn phôi thép và 600 ngàn tấn thép cán nóng. Tuy nhiên, kết thúc năm 2019, sản lượng thép sản xuất của DN chỉ đạt 30% công suất và tại thời điểm này giảm chỉ còn 15% công suất hoạt động với sản lượng 15 ngàn tấn thép các loại/tháng. 

Trao đổi về những khó khăn về việc tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH thép Tung Ho Việt Nam cho biết: Sản lượng thép tiêu thụ trong nước thời gian qua rất chậm, trong khi giá thép liên tục giảm, hiện chỉ còn 11.350 đồng/kg, giảm khoảng 15% so với trước và rất khó để mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo ông Tuấn, kể từ sau đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ với 15.000 tấn thép vào tháng 3/2019, đến nay công ty vẫn chưa kiếm được đơn hàng thứ 2. Kế hoạch của công ty sẽ mở rộng các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng hiện nay chỉ có 1-2 đơn hàng nhỏ không đáng kể. Do đó, hiện nay thép Tung Ho chủ yếu tiêu thụ trong nước chiếm 75% sản lượng và khoảng 25% xuất sang thị trường Campuchia.

Không chỉ có Công ty TNHH thép Tung Ho Việt Nam mà các DN thép cho biết, hầu hết các nhà máy thép thời gian qua đều chưa hoạt động hết công suất, thậm chí phải sang nhượng xưởng sản xuất vì thua lỗ. Ông Eom Gi Chen, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Posco SS Vina (KCN Phú Mỹ II, TX. Phú Mỹ) cho biết: “Từ 2015 đến nay DN liên tục lỗ, đặc biệt là xưởng sản xuất thép thanh. Năm 2019 lỗ 30 triệu USD. Vì vậy, từ cuối năm 2019, DN buộc phải chuyển nhượng dây chuyền thép thanh cho 1 DN khác và chỉ tập trung vào sản xuất thép hình”.

Trong khi đó, ông Lee Jiunn Yann, Tổng Giám đốc Công ty CP China Steel & Nippon Steel Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2, TX. Phú Mỹ) cũng thông tin, hiện giá thép giảm từ 10- 15% so với thời điểm đầu năm 2019. Nguyên nhân là do thời gian qua, DN gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với thép nhập khẩu từ nhiều nước như: Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Giá các mặt hàng thép nhập khẩu rẻ hơn từ 20-30% so với trong nước đã  ảnh hưởng lớn đến các DN sản xuất thép.

TĂNG SỨC CẠNH TRANH

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện sản lượng từ các nhà máy sản xuất thép trong nước đạt khoảng 30 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa chỉ đạt 9-10 triệu tấn/năm. Chưa kể, năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu từ Trung Quốc 5 triệu tấn; các nước Ấn Độ, Nhật Bản hơn 2 triệu tấn. Trong khi đó, thời gian qua ngân hàng siết chặt tín dụng cho vay đối với bất động sản, các công trình xây dựng giãn tiến độ chậm lại, đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tiêu thụ thép. Cùng đó, Mỹ và EU là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ 2, thứ 3 của Việt Nam đã giảm mạnh về sản lượng (44%). Các chuyên gia cũng dự báo, năm 2020 sẽ là một năm đầy khó khăn, thách thức với ngành thép do xu hướng bảo hộ trên thế giới vẫn gia tăng, nhu cầu thép trong nước chưa có dấu hiệu tích cực. Hơn nữa, giá một số loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư đầu vào… vẫn còn ở mức cao, tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN, làm giá đầu ra bị hạn chế vì nguồn cung dư thừa.

Trước những khó khăn trên của ngành thép, theo ông Huỳnh Trung Sơn, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương cho biết, để có thể bảo đảm tăng trưởng và giữ vững thị phần trong nước, các DN sản xuất thép cần phải cơ cấu lại sản xuất, tăng tính cạnh tranh thông qua việc tiết kiệm chi phí, cải tiến năng lực quản trị DN để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm cách đa dạng thị trường xuất khẩu. Mặt khác, để hạn chế rủi ro, các DN cần chú ý đến những diễn biến thị trường, làm tốt công tác dự báo để có những chính sách bán hàng phù hợp nhằm ứng phó linh hoạt với những diễn biến khó lường của thị trường trong nước cũng như thế giới.

Bên cạnh đó, để ổn định sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, theo Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện nay DN ngành thép rất cần nguồn tài chính đầu vào cũng như cần sự hỗ trợ từ các ngân hàng như giảm lãi suất cho vay. Song song đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần có các rào cản thương mại đủ mạnh nhằm ngăn chặn sản phẩm sắt thép nhập khẩu kém chất lượng tràn vào, đang làm xáo trộn thị trường giá cả trong nước.  

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
.
.
.