Ứng phó cháy rừng mùa khô
Hiện đang là cao điểm mùa khô, BR-VT được cảnh báo cấp cháy rừng ở mức cao nhất, cấp V- cấp cực kỳ nguy hiểm. Do vậy, các lực lượng chức năng đã xây dựng phương án chủ động ứng phó, nhằm hạn chế ở mức thấp nhất về thiệt hại do các vụ cháy rừng có thể xảy ra.
Các lực lượng kiểm lâm, cảnh sát PCCC-CNCH, quân sự kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn Núi Lớn (TP. Vũng Tàu). Ảnh: THÀNH HUY |
CẢNH BÁO CẤP ĐỘ CỰC KỲ NGUY HIỂM
Ông Phạm Việt Toàn, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên - Chi cục Kiểm lâm tỉnh (Sở NN-PTNT) cho biết, toàn tỉnh có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 33.632ha, chiếm 16,9% diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó diện tích đất có rừng hơn 28.203ha, phân bố rải rác trên tất cả các địa phương toàn tỉnh. So với mọi năm, mùa khô năm nay đến sớm, mực nước ngầm thấp, khiến cho cây rừng khô toàn bộ, khác các năm trước cây chỉ khô phần ngọn. Dự báo tình trạng thời tiết khô hanh sẽ còn kéo dài đến cuối tháng 4 đầu tháng 5. Nhiều địa phương có rừng đang đứng trước “báo động đỏ” về cháy rừng. Tỉnh BR-VT được cảnh báo cao nhất về cháy rừng đang ở cấp độ V - cấp cực kỳ nguy hiểm.
Thực tế cho thấy cảnh báo trên đúng với diễn biến khi những ngày gần đây trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng. Mới đây nhất, ngày 19/2, một vụ cháy rừng đã xảy ra tại khu vực rừng trồng thuộc xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ trên diện tích cháy 1.000m2. Ngay khi phát hiện đám cháy, lực lượng kiểm lâm, công an phối hợp cùng các đơn vị liên quan đã tham gia dập tắt đám cháy kịp thời. Nhờ vậy, lửa chưa xâm hại đến cây rừng mà chỉ làm cháy lá khô, dây leo, bụi rậm.
Trong thời điểm mùa khô, nhằm PCCC rừng, các chủ rừng, chính quyền địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân không tự ý đốt thực bì trong thời tiết nắng nóng hiện nay, có biện pháp quản lý những người lạ vào rừng sử dụng nguồn lửa gây cháy. Lực lượng Cảnh sát PCCC tiếp tục phối hợp với các lực lượng, đơn vị liên quan xây dựng và thực hiện tốt phương án PCCC rừng; thường xuyên tổ chức tuyên truyền nhằm góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong công tác PCCC rừng; kiểm tra, hướng dẫn chủ rừng và nhân dân địa phương về công tác PCCC rừng; kiểm tra hệ thống giao thông, nguồn nước, lực lượng, phương tiện tại chỗ cũng như việc theo dõi dự báo cháy rừng.
(Thượng tá Nguyễn Ngọc Phi, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC (PC07) - Công an tỉnh)
|
Ngày 17/2, một vụ cháy rừng khá lớn xảy ra tại khu vực núi Minh Đạm thuộc địa phận của huyện Đất Đỏ và Long Điền. Từ khi phát hiện đám cháy, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) - Công an tỉnh đã phải điều động nhiều đợt xe chữa cháy cùng hơn 300 người là lực lượng PCCC, kiểm lâm, bộ đội, dân quân cùng người dân huyện Đất Đỏ và Long Điền để dập lửa, cứu rừng. Sau hơn 3 ngày tích cực chữa cháy, tiếp tục theo dõi, kiểm tra chống bùng phát trở lại, đám cháy mới được khống chế hoàn toàn. Vụ cháy này đã làm thiệt hại hơn 17 ha rừng khu vực núi Minh Đạm.
Trước đó, ngày 11/2, một vụ cháy rừng cũng đã xảy ra tại địa bàn xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ với diện tích cháy gần 4ha làm thiệt hại nhiều cây gỗ lớn. Vụ cháy này đã phải huy động 130 người gồm lực lượng Hạt Kiểm lâm Vũng Tàu – Phú Mỹ cùng Công an TX.Phú Mỹ, Đội PCCC và CNCH TX.Phú Mỹ, lực lượng quân sự xã Tóc Tiên và người dân tham gia chữa cháy.
Mùa khô năm 2018-2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy rừng với tổng diện tích cháy hơn 14ha trên địa bàn xã Tân Hòa, phường Phú Mỹ (TX.Phú Mỹ); các xã Phước Thuận, Bông Trang, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc); TT.Long Hải (huyện Long Điền). |
Theo ông Nguyễn Duy Bắc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vũng Tàu–Phú Mỹ, mùa khô năm nay đến sớm hơn so với mọi năm 1 tháng. Tình trạng nắng nóng, khô hanh xảy ra trên diện rộng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng. Ngoài ra, việc người dân bất cẩn, chủ quan trong việc đốt, dọn thực bì chống cháy hay đốt lửa khi đi dã ngoại, ném tàn thuốc tại khu vực rừng, tiến hành các hoạt động dọn rẫy cho sản xuất nông nghiệp, các cuộc du lịch trong rừng nếu bất cẩn trong việc sử dụng lửa… cũng dễ dẫn đến nguy cơ gây cháy rừng.
THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và PCCC rừng mùa khô năm nay, giảm thiểu tối đa số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra trên địa bàn tỉnh, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu Hạt Kiểm lâm các địa phương kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ; xác định rõ các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn theo mức độ kiểm soát của chủ rừng, thôn, xã, huyện và tỉnh. Tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ, canh phòng và kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, PCCC rừng đến mọi tầng lớp nhân dân. Thường xuyên kiểm tra các dụng cụ, thiết bị chữa cháy đã được trang bị, tập kết tại các trạm chuẩn bị sẵn sàng để kịp thời chữa cháy rừng khi cần thiết.
Ông Nguyễn Duy Bắc cho hay, đơn vị đã bố trí lực lượng kiểm lâm trực PCCC rừng 24 giờ/ngày, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị PCCC để xử lý tình huống kịp thời, tại chỗ không để xảy ra cháy lớn, gây nhiều thiệt hại đến rừng trên địa bàn quản lý; tổ chức lực lượng chuyên ngành, lực lượng hợp đồng thường xuyên tuần tra, canh gác lửa rừng tại các khu vực có nguy cơ cháy cao, bố trí người trực chòi canh, bố trí lực lượng chốt kiểm soát người ra vào rừng; kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị kinh doanh du lịch, hộ nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng làm đường băng cản lửa, dọn vệ sinh trong diện tích quản lý, thực hiện các quy định về phòng cháy không để xảy ra cháy lan vào rừng.
Theo ông Ngô Thanh Trung, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Long Điền - Đất Đỏ, qua nhiều năm theo dõi, thống kê cho thấy, thời gian dễ xảy ra cháy rừng trên địa bàn đơn vị quản lý tập trung từ tháng 2 đến tháng 5, thời gian dễ xảy ra cháy từ 10 giờ đến 21 giờ. “Nếu như công tác phòng cháy là chính thì công tác chữa cháy phải kịp thời, khẩn trương và triệt để. Có như thế mới hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi xảy ra cháy rừng”, ông Ngô Thanh Trung nhấn mạnh.
Lực lượng kiểm lâm xử lý đám cháy trong Khu Bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu. |
Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (BTTN BC-PB) ở huyện Xuyên Mộc có diện tích rừng lớn nhất tỉnh với tổng diện tích hơn 10.876ha nằm trên địa bàn các xã: Phước Thuận, Bông Trang, Bưng Riềng, Bình Châu và TT.Phước Bửu. Trong đó, đất có rừng là 9.309ha, đất chưa có rừng hơn 1.574ha. Địa hình khu vực Khu BTTN BC – PB có nhiều đồi núi, nên khi xảy ra cháy rừng rất khó tiếp cận hiện trường để dập lửa, việc vận chuyển nước lên vị trí đám cháy để chữa cháy cũng gặp rất nhiều trở ngại.
Một đường băng cản lửa trong Khu Bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu. |
Ông Bùi Quốc Vương, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN BC - PB cho biết, các khu vực rừng trọng điểm trong Khu BTTN BC-PB do đơn vị quản lý có nguy cơ cháy và cháy cao khoảng 684ha. Vì vậy, để hạn chế thấp nhấp các vụ cháy rừng xảy ra, hàng tháng, đơn vị đều tổ chức 4 lần tuyên truyền về công tác PCCC rừng trên Đài phát thanh huyện, hệ thống truyền thanh các xã, thị trấn ven rừng. Tuyên truyền các quy định về PCCC rừng cho du khách, HS, sinh viên đến tham quan, học tập tại khu rừng đặc dụng. Treo băng rôn tuyên truyền PCCC rừng ven các tuyến đường dân sinh, cửa ngõ ra vào rừng và khu dân cư.
Lực lượng các trạm, tổ quản lý bảo vệ rừng kết hợp tuyên truyền các quy định về PCCC rừng trong quá trình tuần tra rừng, cho các hộ dân ven rừng ký cam kết thực hiện tốt các quy định về bảo vệ rừng. “Ngoài ra, chúng tôi còn triển khai các giải pháp làm giảm nguồn vật liệu cháy ở Khu BTTN BC-PB và biện pháp chữa cháy rừng như tổ chức đốt trước cục bộ có điều khiển các trảng cỏ tranh; làm các công trình đường băng cản lửa; xây dựng bản đồ báo cháy, trang bị ống nhòm quan sát lửa rừng…”, ông Bùi Quốc Vương cho hay.
Bài, ảnh: THÀNH HUY – PHÚC MINH