Ngày 7/1, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh BR-VT về các dự án điện khí hóa lỏng LNG trên địa bàn. Từ phân tích và ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, việc phát triển các dự án điện khí hóa lỏng LNG tại BR-VT là thuận lợi và cần thiết cho tương lai năng lượng quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng (giữa) khảo sát các địa điểm dự kiến đầu tư dự án điện khí tại BR-VT. |
Tại buổi làm việc, bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Hiện nay, có 5 dự án điện khí LNG công suất lớn đề xuất đầu tư tại BR-VT. Có thể kể đến: Dự án Tổ hợp điện khí hóa lỏng LNG - Cái Mép Hạ do Công ty Gen X Energy thuộc Quỹ đầu tư Blackstone - Hoa Kỳ và Công ty CP Tập đoàn T&T đề xuất. Dự án có vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD, công suất nhà máy phát điện lên đến 6.000MW. Dự án Tổ hợp điện khí hóa lỏng LNG- Cái Mép Hạ đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương. Hay như dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) do Tổng Công ty Phát điện 3 đề xuất. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, với tổng mức đầu tư hơn 4,42 tỷ USD. Tổng công suất điện 4.500MW, sử dụng khí hóa lỏng LNG.
Tuy nhiên, điểm vướng mắc là các dự án đều chưa được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2010-2020 nên chưa có cơ sở pháp lý để triển khai. Bà Bùi Thị Dung kiến nghị Bộ Công thương xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung dự án đã hoàn thiện các thủ tục như dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn 3.600MW- 4.500MW vào Quy hoạch điện giai đoạn 2010-2020 (Quy hoạch điện VII). Đồng thời xem xét thẩm định bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đối với các dự án đã trình hồ sơ thẩm định như: Dự án Nhà máy nhiệt điện Bà Rịa 2, Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 3.1 và có hướng dẫn đối với các dự án đang đề xuất chủ trương bổ sung quy hoạch như: Tổ hợp điện khí hóa lỏng LNG - Cái Mép Hạ, Nhà máy điện khí LNG Long Sơn.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cung cấp thêm thông tin: Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với nhà đầu tư các dự án điện khí một cách kỹ lưỡng. Qua làm việc, cho thấy, các nhà đầu tư đều có năng lực tài chính và mong muốn đầu tư. “Triển khai xây dựng một nhà máy điện khí thường phải mất đến 10 năm (riêng các thủ tục mất đến 7-8 năm). Chúng tôi mong rằng, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ xem xét, trình Chính phủ đưa các dự án điện khí ở BR-VT vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (quy hoạch Điện VII và VIII) để các nhà đầu tư có cơ sở triển khai”, ông Lê Tuấn Quốc nói.
Trước các kiến nghị của BR-VT, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, BR-VT có điều kiện thuận lợi phát triển điện khí LNG công suất lớn. Cho rằng, việc phát triển các dự án điện khí tại BR-VT sẽ góp phần rất lớn vào bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của địa phương để có định hướng quy hoạch phát triển phù hợp. Trước mắt, Bộ sẽ xem xét bổ sung dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2010-2020, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU