Đòn bẩy cho nông dân làm giàu
Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020”, nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển mình tích cực với sự hỗ trợ từ các cấp hội nông dân địa phương.
Nhiều mô hình kinh tế phát triển mạnh mẽ từ sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp. Trong ảnh: Tham quan mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình anh Nguyễn Văn Bảy (ấp Bình Trung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức). |
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
Thời gian qua, nhiều hộ nông dân ở huyện Châu Đức đã vươn lên khá giả nhờ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hay những mô hình nông nghiệp gắn liền phát triển du lịch ngày càng hình thành và phát triển. Qua đó, làm đổi thay bộ mặt kinh tế của toàn huyện.
Anh Nguyễn Quang Thuận (thôn 3, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) đang đầu tư nuôi đàn dê hơn 250 con (bao gồm dê sinh sản và dê thịt) với diện tích chuồng trại hơn 600m2. Từ sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, năm 2016 anh vay 30 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân, đồng thời tham gia các lớp học, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, anh đã nuôi dê không chăn thả theo hình thức gối đầu. Nhờ nắm chắc kỹ thuật, phòng tránh dịch bệnh tốt, hàng năm anh cho xuất chuồng từ 8-10 đợt, với giá dê ở mức từ 90-150 ngàn đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm anh Thuận thu về số tiền khoảng 500 triệu đồng.
Cũng từ nguồn vốn hỗ trợ, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã thực hiện liên kết, phối hợp xây dựng nhiều dự án, mô hình sản xuất chất lượng cao, an toàn, hỗ trợ hội viên nông dân thêm vốn để sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo điều kiện cho hội viên phát triển sản xuất. Đây cũng là cơ sở hình thành các tổ hợp tác sản xuất, tổ liên kết sản xuất và HTX góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh như: Dự án sản xuất hồ tiêu bền vững 2018-2019 (huyện Châu Đức); sản xuất nông sản theo hướng an toàn gắn với phát triển du lịch, mô hình trồng bưởi da xanh, nuôi nai lấy nhung (huyện Xuyên Mộc); mô hình hoa lan, cây cảnh, đan lát lục bình (Long Điền)… Các mô hình kinh tế đã góp phần xây dựng vùng sản xuất theo hướng bền vững, tăng giá trị sản phẩm, thương hiệu, kết nối với DN trong khâu tiêu thụ sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Hướng tới liên kết sản xuất
Trong những năm qua, Hội Nông dân đã phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, qua đó giúp cho các HTX, chủ trang trại, nông dân sản xuất kinh doanh có điều kiện tham gia, trưng bày, giới thiệu, quảng bá những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Nhiều DN đã tìm được đầu ra ổn định từ các hoạt động kết nối giao thương, tìm kiếm thị trường thông qua sự giới thiệu, kết nối của Hội nông dân.
Anh Nguyễn Văn Bảy (ấp Bình Trung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức), đã nuôi ong lấy mật được 10 năm nay cho biết: Gia đình anh hiện đang nuôi hơn 150 thùng ong lấy mật, trước đây sau khi thu hoạch mật, anh chủ yếu bán cho một số cá nhân trong tỉnh, việc tiêu thụ sản phẩm cũng bấp bênh khi nhu cầu mua lẻ của người dân không cao. Năm 2017, được sự hỗ trợ liên kết từ Hội Nông dân huyện, sản phẩm mật ong của gia đình anh được DN bao tiêu toàn bộ. “Có đầu ra ổn định, tôi không còn lo tình trạng ế ẩm hay “được mùa mất giá” như trước kia, tập trung chăm sóc và phát triển để có hiệu quả cao nhất. Hiện gia đình tôi thu hoạch 8-10 tấn mật/năm, thu lãi từ 100-150 triệu đồng/năm”, anh Bảy chia sẻ thêm.
Trong 10 năm qua, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đã hỗ trợ cho hơn 2.400 hội viên nông dân vay theo 215 dự án với tổng số tiền hơn 74 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2019 phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững” đã có 680 hộ vươn lên thoát nghèo, 369 hộ khá giàu đã giúp 581 hội viên nghèo vươn lên khó khăn trong sản xuất như: cây con, phân bón, ngày công, vật tư… với tổng số tiền gần 2,8 tỷ đồng. |
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Trung ương Hội Nông dân vào cuối tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hai, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Từ Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các phong trào của hội đã được thúc đẩy mạnh mẽ, người nông dân khó khăn đã được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn. Bên cạnh đó, nhờ vào sự kết nối linh hoạt, hiệu quả từ các cấp Hội Nông dân theo tinh thần Kết luận 61, phong trào thi đua xây dựng NTM đã lan tỏa và đạt được nhiều kết quả khởi sắc. Các hội viên nông dân tự nguyện hiến gần 16.900m2 đất, gần 1.730 ngày công, làm mới và sửa chữa 92,8km đường giao thông nông thôn, 27 phòng học, đóng góp hơn 1,1 tỷ đồng... Ngoài ra, các phong trào như: Chăm lo sự nghiệp giáo dục; Đảng viên tình nguyện tham gia xây dựng NTM; phong trào thi đua dân vận khéo; vận động xử lý rác thải nông nghiệp… cũng được Hội khởi xướng và thực hiện có hiệu quả. “Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, hỗ trợ nông dân để nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và xây dựng giai cấp nông dân” ông Hai nhấn mạnh.
Bài, ảnh: KIM HỒNG