Đam mê thôi chưa đủ
Đó là khẳng định của nhiều bạn trẻ tại buổi tọa đàm “Câu chuyện khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp” do Sở KH-CN tổ chức vào cuối tuần qua tại Công viên Binon Cacao (huyện Châu Đức). Tại đây, nhiều đại biểu cũng chia sẻ những cơ duyên khi đến với nghề.
Anh Lâm Ngọc Nhâm chia sẻ bí quyết xây dựng thương hiệu tiêu Bầu Mây với các bạn trẻ và DN khởi nghiệp. |
Anh Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) cho biết: Hiện nay, giống tiêu Bầu Mây đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tiêu Bầu Mây tại Cục Sở hữu trí tuệ, chất lượng hạt tiêu vượt trội được đối tác Mỹ, Nhật Bản, EU… đánh giá cao với năng suất từ 10-12 tấn/ha (cao gấp 1,5-2 lần so với các giống tiêu thông thường). Hàng năm, Bầu Mây đều chủ động vùng nguyên liệu, nhân giống và xây dựng quy trình kiểm soát chặt chẽ cách trồng và chăm sóc riêng theo hướng hữu cơ chuẩn GlobalGAP. Với mong muốn nâng cao giá trị cây tiêu, Bầu Mây đã xây dựng thành công mô hình liên kết sản xuất – kinh doanh gắn với xây dựng chuỗi giá trị thương hiệu Bầu Mây từ trồng trọt, gắn liền với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, kết hợp với các hoạt động du lịch nông nghiệp. Ngoài tiêu hạt, Bầu Mây còn cung cấp ra thị trường bộ sản phẩm thương hiệu Bầu Mây gồm: nước chấm, tiêu xanh muối, tiêu không hạt, tiêu đỏ, tiêu đen, tiêu xanh, củ hoài sơn…
Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, anh Lâm Ngọc Nhâm nhấn mạnh: Khởi nghiệp trong nông nghiệp khó nhất là thời gian để kiên trì nghiên cứu thử nghiệm, thử nhiều lần cho đến khi thành công. Ngoài ra, nông nghiệp đòi hỏi thời gian rất dài theo mùa vụ và loại cây trồng mới tạo ra được sản phẩm và người khởi nghiệp phải theo đuổi trong suốt thời gian này. Tiếp đến là phải chuẩn bị vốn đầu tư đủ để yên tâm nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm cho đến khi hoàn thiện và đưa ra thị trường.
Nhiều bạn trẻ thường nghĩ rằng, làm nông nghiệp hẳn là đơn giản nên thường chọn nông nghiệp để khởi nghiệp. Tuy nhiên, theo các doanh nhân thì khởi nghiệp với nghề nông, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xuất khẩu là cả một chặng đường gian nan. Nhiều bạn trẻ đã bày tỏ những băn khoăn như: Yếu tố nào quyết định thành công khi khởi nghiệp bằng nghề nông; rất nhiều người khởi nghiệp bằng nông nghiệp rồi, làm sao để mình có lối đi riêng, có thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản; để khởi nghiệp thì huy động vốn bằng cách nào; nếu thất bại trong lần đầu khởi nghiệp thì phải làm sao có động lực để khởi nghiệp tiếp…
Theo anh Lưu Sơn Tùng, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp sạch Sao Mai, muốn khởi nghiệp nông nghiệp thành công là đừng sợ thất bại, hãy luôn kiên trì hướng tới mục tiêu. Và để đạt được mục tiêu thì trước tiên dự án khởi nghiệp nông nghiệp của mình phải khác biệt. “Người khởi nghiệp có đam mê thôi chưa đủ mà còn phải có vốn; có kiến thức về nông nghiệp; biết ứng dụng khoa học để tạo ra sản phẩm chất lượng và tìm kiếm thị trường cho mình”, anh Tùng nói.
Nếu có các dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp tại BR-VT, Quỹ sẽ hỗ trợ về đào tạo kỹ năng cơ bản trong quá trình khởi nghiệp (xây dựng kế hoạch, tìm kiếm thị trường, kỹ năng điều hành, lãnh đạo…). Sau khi dự án khởi nghiệp nông nghiệp cho ra sản phẩm, Quỹ khởi nghiệp DN KH-CN sẽ bắt đầu vai trò kết nối chủ các dự án khởi nghiệp nông nghiệp với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để các sản phẩm nông nghiệp tìm được thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa.
(Ông Lê Minh Nhựt, Giám đốc vận hành
Quỹ khởi nghiệp DN KH-CN Việt Nam)
|
Theo Sở KH-CN, khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã là phong trào lan tỏa khắp cả nước. Tại BR-VT đã có nhiều mô hình khởi nghiệp nông nghiệp thành công như mô hình nông trại ViFarm, Binon Cacao, nuôi hào Thái Bình Dương, trồng rau trong nhà màng ở Đất Đỏ, trồng thanh long ruột đỏ, các mô hình chăn nuôi bằng công nghệ sinh học – vi sinh… Trong đó, các mô hình này chủ yếu là áp dụng KH-CN vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị sản phẩm hàng hóa… Để khởi nghiệp trong nông nghiệp, ngoài ý tưởng khởi nghiệp, ứng dụng khoa học, hầu hết các bạn trẻ đều quan tâm đến vấn đề tài chính như vay vốn ở đâu, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ bằng cách nào. Anh Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty CP Binon Cacao cho rằng, để thành công thì ngay khi bắt đầu dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp, người khởi nghiệp cần được đào tạo và huấn luyện để mở rộng kết nối với những lĩnh vực liên quan. Từ đó người khởi nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi để đầu tư vào sản xuất tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng và sức cạnh tranh cao. “Do vậy, vai trò của cộng đồng startup và việc kết nối hỗ trợ của các tổ chức nhà nước là rất quan trọng, giúp thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp nhanh hơn, tạo được sự yên tâm cho người khởi nghiệp tập trung vào mục tiêu của mình”, anh Thành nói.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm ương tạo DN nông nghiệp công nghệ cao, BR-VT có nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. BR-VT có vị trí thuận lợi gần TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ, do đó, các sản phẩm nông nghiệp của BR-VT sẽ không lo về thị trường chỉ gắn với địa phương mà còn có thể phục vụ cho các tỉnh lân cận. Đặc biệt, BR-VT là một tỉnh gắn với phát triển du lịch nên đầu tư cho nông nghiệp cũng chính là đầu tư để thu hút khách du lịch. Vì vậy, đối với các DN, cá nhân muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cần nắm bắt được yếu tố này. Theo đó, có rất nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao có thể áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho BR-VT như những khu du lịch sinh thái, vườn sinh thái (trồng cây ăn trái, rau củ quả, chăn nuôi công nghệ cao…) kết hợp với tham quan du lịch. Hay những sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh như tiêu, nhãn, mãng cầu ta, bưởi da xanh… cần phát triển bài bản, sau đó nhân rộng và tạo thành những điểm đến hấp dẫn du khách.
Bài, ảnh: QUANG VŨ