Tìm cách gỡ nhanh "thẻ vàng"
Sau chuyến khảo sát tại một số địa phương ven biển của Việt Nam vào những ngày đầu tháng 11 vừa qua, Đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) nhận định, công tác chống đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không được quản lý (IUU) ở Việt Nam nhìn chung đã có nhiều tiến triển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục, trong đó có BR-VT. Do đó, trong thời gian tới, ngành thủy sản tỉnh sẽ quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp nhằm nhanh chóng gỡ “thẻ vàng”.
Đoàn kiểm tra của Sở NN-PTNT kiểm tra công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản tại cảng Bến Đá, TP.Vũng Tàu. Ảnh: QUANG VINH |
Đang đi đúng hướng
Theo đánh giá của các thành viên trong Đoàn sau chuyến công tác mới đây (từ ngày 5 đến 14/11), họ rất ấn tượng với những kết quả Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời đánh giá cao sự cam kết, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị trong công tác phòng chống IUU. Đoàn công tác EC cũng nhận định, Việt Nam đã cơ bản thực hiện các khuyến nghị của EC, có nhiều tiến bộ so với lần kiểm tra đầu tiên (tháng 5/2018) và đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, về khung pháp lý, Đoàn đề nghị Việt Nam cần có những quy định chặt chẽ hơn để quản lý tàu cá ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế; đồng thời, bổ sung quy định buộc phương tiện đánh bắt bật thiết bị giám sát hành trình 24/24 giờ kể cả khi neo đậu tại cảng hoặc nằm bờ. Về truy xuất nguồn gốc thủy sản, EC đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng cảng cá, nguồn nhân lực, vật lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu để kiểm soát đội tàu đánh bắt xa bờ (dài trên 15m). Đối với các DN chế biến, mới chỉ có nguyên liệu xuất sang châu Âu được kiểm soát về nguồn gốc, đối với các sản phẩm tiêu thụ trong nước và thị trường khác chưa làm rõ được xuất xứ.
Còn theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, một trong những hạn chế lớn nhất để gỡ “thẻ vàng” được EC chỉ ra, đó là vẫn còn tình trạng tàu cá xâm phạm trái phép vùng biển nước ngoài. Nguyên nhân của tình trạng này là việc quản lý, kiểm soát tàu cá chưa chặt chẽ, công tác xử phạt cũng chưa thống nhất, đồng bộ. Ông Cường cho biết: Đoàn công tác của EC cũng nhận định, việc xử lý các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn chưa thống nhất, đồng bộ và đủ sức răn đe. Các thành viên trong đoàn đều khẳng định, nếu tình trạng này vẫn còn xảy ra, EC sẽ không gỡ cảnh báo “thẻ vàng” đồng thời nguy cơ áp dụng “thẻ đỏ” đối với Việt Nam sẽ tăng lên”.
Ngư dân bốc dỡ, sắp xếp, phân loại cá tại cảng Bến Lội, Bình Châu, huyện Xuyên Mộc. |
“Mỗi tàu cá vi phạm có thể ảnh hưởng đến toàn ngành thủy sản Việt Nam”
Trước thực trạng trên, ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản khẳng định, tới đây, mỗi vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài có thể ảnh hưởng đến ngành thủy sản cả nước chứ không chỉ riêng BR-VT. Do đó, tỉnh sẽ quyết liệt triển khai một số giải pháp để phòng, chống đánh bắt IUU. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành tuyên truyền bằng nhiều hình thức, qua các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc trực tiếp tới ngư dân, để họ không chỉ biết mà còn nắm rõ về IUU và đặc biệt là các quy định của Luật Thủy sản 2017. Cùng với đó, ngành thủy sản sẽ phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh thống kê danh sách tàu cá vi phạm nước ngoài trong thời gian qua để tiến hành xử lý nghiêm theo quy định. Đối với các tàu cá 24m trở lên chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định sẽ không được xuất bến; đồng thời, các tàu đã lắp nhưng thường xuyên mất kết nối, cố tình ngắt kết nối và bị phát hiện xâm phạm vùng biển nước ngoài cũng sẽ bị xử lý dù chưa bị bắt. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ khảo sát và lên danh sách để theo dõi đặc biệt các chủ tàu từng vi phạm vùng biển nước ngoài, các nghề khai thác thường vi phạm như lưới kéo hoặc các tàu thường ngắt thiết bị giám sát hành trình. Chi cục Thủy sản cũng sẽ không cấp lại giấy phép đối với tàu cá nằm trong danh sách vi phạm IUU; xóa đăng ký tàu cá, thu hồi giấy phép khai thác đối với tàu vi phạm vùng biển nước ngoài”, ông Lê Tòng Văn khẳng định.
Đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN-PTNT cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu rời cảng, cập cảng; kiên quyết không giải quyết tàu cá xuất bến đối với các trường hợp như: Tàu dài 24m trở lên chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, không bảo đảm thiết bị hoạt động 24/24 giờ; tàu không có giấy phép khai thác thủy sản, không có đầy đủ đăng ký, đăng kiểm theo quy định, tàu cá không ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác theo quy định, chưa thực hiện đánh dấu tàu cá hoặc đánh dấu sai quy định…
Theo ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để công tác phòng chống IUU mang lại hiệu quả cao, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, ngoài các đợt tuần tra, kiểm soát trên biển, cần tổ chức các đợt kiểm tra tại các DN chế biến, các cảng cá về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thủy, hải sản để phát hiện, điều chỉnh và xử lý các sai sót có thể xảy ra. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh, nếu cần thiết, có thể thành lập Ban Chuyên án để điều tra, xử lý các nhóm đối tượng móc nối các tàu cá đánh bắt trái phép tại vùng biển nước ngoài.
|
Còn theo ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Cảng cá Cát Lở (TP. Vũng Tàu), một trong những biện pháp quản lý quan trọng nhất trong chống khai thác, đánh bắt IUU là quản lý tàu qua thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, hiện nay, công tác này vẫn chưa thống nhất, đồng bộ, việc chia sẻ thông tin giữa ngành thủy sản, Bộ đội Biên phòng, các cảng cá vẫn chưa được thực hiện hiệu quả. Do đó, ông Hưng kiến nghị, cần thành lập một tổ công tác chuyên trách giám sát các tàu cá qua hệ thống hiển thị giám sát hành trình, trong đó có đầy đủ các lực lượng và thẩm quyền xử phạt để nhanh chóng phát hiện, chia sẻ thông tin và xử lý các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Bài, ảnh: QUANG VINH