Cùng nông dân bảo vệ môi trường

Thứ Ba, 17/12/2019, 20:28 [GMT+7]
In bài này
.

Sau hơn 7 năm thực hiện, đến nay chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” đã không còn xa lạ gì với người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là ở địa bàn nông thôn. Sức lan tỏa của chương trình đã nâng cao ý thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường vùng nông thôn.  

Hơn 3 tấn bao bì thuốc BVTV đã được thu gom trong thời gian qua.  Trong ảnh: Thu gom bao bì thuốc BVTV tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc.
Hơn 3 tấn bao bì thuốc BVTV đã được thu gom trong thời gian qua. Trong ảnh: Thu gom bao bì thuốc BVTV tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc.

Hàng năm, BR-VT sản xuất 146.239ha diện tích nông nghiệp, kéo theo đó lượng thuốc BVTV sử dụng trên địa bàn tỉnh tương đối lớn, ước tính khoảng 100 tấn/năm. Với nhu cầu sử dụng hóa chất BVTV như hiện nay, mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 5 tấn bao bì thuốc BVTV phát thải ra môi trường (tương đương với 5% lượng thuốc BVTV tiêu thụ). Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và BVTV, bao bì thuốc BVTV là loại chất thải rắn nguy hại, mỗi bao bì thuốc có khoảng 1,8% lượng hóa chất dính vào, khi bị thải bỏ, lượng hóa chất này sẽ lan truyền ra môi trường và xâm nhập trở lại cơ thể sinh vật thông qua thức ăn, chính vì vậy đòi hỏi công tác thu gom và xử lý phải đảm bảo theo đúng quy trình.

Nhằm hạn chế tình trạng rác thải từ việc sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng, thời gian qua Sở NN-PTNT đã chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, khuyến cáo người dân sử dụng hợp lý thuốc BVTV trên cây trồng, bảo đảm nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng cách). Việc sử dụng hợp lý thuốc BVTV không chỉ tiết kiệm được chi phí, giữ cân bằng sinh học trên đồng ruộng, mà còn giảm được lượng bao bì không cần thiết phát sinh. Bên cạnh đó, thời gian qua, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai nhiều mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, trong đó chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” với hoạt động chính là xây bể thu gom bao bì thuốc BVTV đã lan tỏa mạnh mẽ tới nhiều địa phương trong tỉnh, từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người nông dân trong việc xử lý nguồn rác thải từ vỏ thuốc BVTV.

Năm 2019, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc đã triển khai lắp đặt 5 bể chứa với kinh phí xây dựng hơn 1,5 triệu đồng/bể. Các bể đều được xây đúng quy định về kích thước, có nắp đậy tránh mưa, nắng; dễ đưa vào và lấy ra, gần xứ đồng và nguồn nước, giúp bà con sử dụng thuận tiện. Đã có 937kg bao bì thuốc BVTV qua sử dụng được thu gom và tiêu hủy đúng theo quy định. Ông Vũ Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc cho biết: Cùng với việc xây dựng các bể thu gom, xã Hòa Hiệp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Theo đó, xã đã tổ chức 50 lớp tập huấn với hơn 1.760 lượt nông dân tham gia, dán 100 poster các nơi công cộng và hơn 1.760 tờ rơi về tuyên truyền, vận động bảo vệ môi trường cho các hộ nông dân trên địa bàn. Thông qua các buổi tập huấn, nhận thức của người dân trong xã có những chuyển biến tích cực, phần lớn nông dân đã có ý thức bỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vào đúng nơi quy định. “Hiện địa phương đang có kế hoạch phát triển chương trình bằng hình thức vận động các nguồn xã hội hóa để xây dựng thêm các bể thu gom nhằm hạn chế tối đa tình trạng bao bì thuốc vứt bừa bãi ra kênh mương, đồng ruộng”, ông Huân cho hay.

Xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ cũng là một trong những địa phương có lượng tiêu thụ thuốc BVTV hàng năm tương đối lớn phục vụ cho nông nghiệp. Để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải thuốc BVTV, trên địa bàn xã đã xây dựng 25 bể chứa bao bì thuốc BVTV (trong đó 20 bể từ nguồn xã hội hóa), mỗi bể có kích thước cao 1m, đường kính rộng 1,2m được đặt rải rác ở các cánh đồng, nhờ đó đến nay công tác thu gom bao bì thuốc BVTV trong xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bà Bùi Thị Thu, ấp Phước Trung xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ chia sẻ: Trước đây, bà con nông dân phun thuốc xong là vứt luôn vỏ bao bì ở đầu kênh mương hay bờ ruộng, giờ nhận thức được tác hại của loại rác thải nguy hiểm nên bà con đã biết tự giác bảo nhau bỏ vào đúng các bể chứa để đưa đi xử lý, tránh gây ô nhiễm môi trường sản xuất. Được sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình bà đã ủng hộ 1 triệu đồng để xây dựng bể thu gom tại địa phương.

Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết: Sau 7 năm thực hiện, chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” đã xây dựng 61 bể thu gom, trong đó có 31 bể được xây dựng từ các nguồn xã hội hóa. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng thuốc và thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV và những tác hại mà loại vật tư này mang lại. “Để xử lý triệt để việc thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV hiện nay, các địa phương cũng cần tăng cường huy động các nguồn xã hội hóa để xây dựng bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng bảo đảm đủ số lượng theo quy định; khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nguồn kinh phí để thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh”, ông Đức nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Kim Hồng

;
.