.

Giải pháp phát hành trái phiếu gọi vốn cho dự án BOT giao thông

Cập nhật: 20:33, 12/11/2019 (GMT+7)

Theo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đang cân đối rót vốn cho vay các dự án BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) vì hiện nay các ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, trong khi vốn cho vay các dự án BOT giao thông là trung và dài hạn phải từ 15 - 20 năm. Bên cạnh đó, vốn cho vay dự án BOT giao thông thường lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nên một số rủi ro tiềm ẩn từ BOT có thể đe dọa đến an toàn của hoạt động ngân hàng. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng: Nên phát hành trái phiếu để kêu gọi vốn vào lĩnh vực này và giảm nguồn vốn từ ngân hàng.

“Những dự án BOT không như những dự án vay thương mại. Khi cho các doanh nghiệp vay, để thẩm định điều kiện cho vay, ngân hàng có thể dựa vào tiền sử vay, quá khứ vay của doanh nghiệp để có thể dự đoán tương lai phát triển của doanh nghiệp. Với khách hàng cá nhân, các ngân hàng có thể dựa vào thu nhập tương lai của khách hàng để quyết định. Còn BOT là một loại hình cho vay theo món, cho một dự án không có tiền sử vay. Tất cả dựa vào dự báo tương lai, còn tương lai của các dự án BOT thì khó đoán định”, TS, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nói. 

Không chỉ vậy, việc cho vay vốn các dự án BOT còn bị ảnh hưởng, tác động bởi nhiều yếu tố nội tại của dự án như: Kỹ thuật, xây dựng, kinh tế vĩ mô, biến động thế giới, giá nguyên vật liệu đầu vào đầu ra… tất cả các yếu tố này đều khó kiểm soát và có thể dẫn đến tính bất ổn của các dự án BOT khá cao.

Đề cập tới việc nên giảm phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng thông qua việc Trung ương cũng như địa phương có thể phát hành trái phiếu để đáp ứng nhu cầu tài trợ cho các dự án BOT, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng bày tỏ lo ngại: Thị trường trái phiếu của Việt Nam còn nhiều giới hạn. Khi Chính phủ phát hành trái phiếu, phần lớn là các tổ chức kinh tế, trong đó có các ngân hàng mua chứ chưa trải rộng ra cho người dân và các thành phần kinh tế khác. Vì vậy, cần có chiến dịch, phong trào giúp người dân hiểu được trái phiếu của Chính phủ để có thể thu hút nguồn vốn xã hội vào các dự án BOT thay cho nguồn vốn của ngân hàng.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã nêu những con số cảnh báo dư nợ với các dự án BOT, BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) giao thông đang tăng, trong khi có nhiều dự án doanh thu lại không đạt như dự tính và có nguy cơ phát sinh thành nợ xấu cho các NHTM.

Trong báo cáo vừa gửi đến Quốc hội, đại diện NHNN cho biết: Đến ngày 30/9/2019, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Theo báo cáo của NHNN, trên cơ sở mức tăng trưởng 13,89% của tín dụng cuối năm 2018, mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2019, NHNN định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 là 14%, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay: Với dự án BOT giao thông, trách nhiệm của hệ thống ngân hàng vẫn sẽ quan tâm và cố gắng trong điều kiện, khả năng cho phép, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho các tổ chức tín dụng. 

Ngoài vấn đề nguồn vốn thì các bộ, ngành cũng phải làm rõ các chính sách liên quan đến BOT để không gây ra rủi ro như: Thu phí BOT, vấn đề đặt trạm thu phí… tác động trực tiếp tới nhà đầu tư xây dựng, cũng như những khoản vay của hệ thống NHTM.

Minh Phương

 
.
.
.