Biến động giá cả là thách thức lớn nhất của hồ tiêu
Ngày 12/11, tại TP.Vũng Tàu đã diễn ra hội nghị hồ tiêu quốc tế lần thứ 47 (IPC). 400 đại biểu là các DN, nhà xuất nhập khẩu và nông dân trồng tiêu trong nước và 25 quốc gia là thành viên của Hiệp hội hồ tiêu quốc tế đã cùng tham dự, bàn giải pháp nhằm hướng đến phát triển ngành hồ tiêu bền vững. Theo các đại biểu, một trong những thách thức lớn nhất của hồ tiêu hiện nay là sự biến động giá cả theo chiều hướng bất lợi cho nông dân.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT (bên trái) và ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Giải thưởng nông dân trồng hồ tiêu xuất sắc năm 2018 của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế cho nông dân Phan Văn Lý (Bình Phước). |
SẢN LƯỢNG TĂNG CAO
Hội nghị IPC lần thứ 47 diễn ra trong bối cảnh sản xuất và kinh doanh hồ tiêu trên thế giới đang bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi về giá hồ tiêu liên tục sụt giảm, thời tiết khí hậu biến đổi thất thường và tình trạng sâu bệnh phá hoại cây trồng khó kiểm soát. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% sản lượng và 60% thị phần thương mại toàn cầu. Các vùng trồng hồ tiêu của Việt Nam tập trung chủ yếu tại một số tỉnh như: BR-VT, Đồng Nai, Bình Phước, Gia Lai, Đắk Lăk, Đắk Nông, Quảng Trị và Phú Quốc đã tạo kế sinh nhai cho hơn 200.000 nông hộ. Tính đến hết quý III/2019, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đạt gần 250.000 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 567,7 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2018, lượng xuất khẩu tăng 26,3% tương đương 46.522 tấn. Tính theo khu vực, châu Á là khu vực tăng mạnh nhất cả về số lượng và thị phần, từ 92.169 tấn lên 126.602 tấn, tăng 4,5% lên 56,7%; châu Mỹ tăng 3.575 tấn lên 38.085 tấn, chiếm 17,1%.
Năng lực chế biến hồ tiêu của Việt Nam cũng được cải tiến đáng kể, công nghệ chế biến đã tiếp cận được các tiêu chuẩn của thị trường thế giới nói chung. Một số DN trong nước đã xây dựng được nhà máy chế biến công nghệ cao, xử lý sản phẩm qua hơi nước, tiệt trùng, đóng bao hút chân không, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra sản phẩm đa dạng như: tiêu đen, trắng nguyên hạt, tiêu nghiền bột, đóng gói nhỏ. Đó là một trong những yếu tố giúp cho xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đứng vững trong bản đồ xuất khẩu tiêu trên thế giới.
Hiện nay, các khâu thu hoạch, sơ chế tiêu đều được làm thủ công nên năng suất thấp, tỷ lệ hao hụt cao. Trong ảnh: Phơi hồ tiêu tại vườn của ông Phạm Văn Ánh, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức. Ảnh: QUANG VINH |
Đối với ngành tiêu của BR-VT, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 13.122ha trồng hồ tiêu, tăng 6.138ha so với năm 2010, năng suất bình quân 1,85tấn/ha. Trong đó, huyện Châu Đức và Xuyên Mộc là vùng hồ tiêu tập trung của tỉnh, với diện tích là 12.444ha, chiếm 94,83% diện tích trồng tiêu toàn tỉnh. Đây là những vùng sản xuất hồ tiêu có nhiều đoàn khách quốc tế đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm sản xuất hồ tiêu. Xác định cây tiêu là một trong những cây chủ lực của tỉnh, từ năm 2011, tỉnh đã xây dựng, quy hoạch, phát triển hồ tiêu của tỉnh đến năm 2020, hướng phát triển hồ tiêu của tỉnh có khả năng phát triển ổn định là 10.000ha. Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2030, tỉnh tiếp tục xác định hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích quy hoạch ổn định là 12.600ha. Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo phát triển hồ tiêu theo hướng hữu cơ, bảo đảm năng suất vừa phải, chất lượng cao gắn với chứng nhận VietGAP. “Để đẩy mạnh thương hiệu và chất lượng hồ tiêu, tỉnh đã xây dựng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý hồ tiêu của tỉnh. Đến nay đã có 1.225ha với 1.165 hộ được chứng nhận tiêu chuẩn SAN, Global GAP. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất; đẩy mạnh công tác hướng dẫn, thông tin tuyên truyền để người nông dân sản xuất đúng quy trình, xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu, quy mô hàng hóa lớn; tăng diện tích và sản lượng hồ tiêu có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế, gắn với xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm tăng lợi thế cạnh tranh ngành hàng, bảo đảm phát triển bền vững, ổn định”, ông Lê Tuấn Quốc nhấn mạnh.
Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng sản xuất tiêu sạch. Trong ảnh: Chăm sóc hồ tiêu hữu cơ tại thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức. |
TĂNG CƯỜNG CANH TÁC HỮU CƠ
Ngành hồ tiêu đang đứng trước 2 thách thức lớn về chất lượng và biến động giá cả rất mạnh. Cụ thể từ mức giá thương mại 10 USD/kg trong thập kỷ qua, nhưng đến nay chỉ còn 2 USD/kg. Nguyên nhân là do khi giá hồ tiêu tăng cao, nông dân đã mở rộng diện tích canh tác ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu và đẩy giá giảm mạnh. Tuy nhiên, trước thực tế nhu cầu hồ tiêu trên thế giới vẫn rất lớn, vì không chỉ sử dụng trong ngành thực phẩm gia vị mà hồ tiêu còn sử dụng trong ngành mỹ phẩm làm đẹp. Do vậy, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến và thương mại hồ tiêu, nhằm đáp ứng nhiều hơn nữa yêu cầu của thị trường hồ tiêu toàn cầu.
Theo ông Dirk Haucap, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Fuchs Group cho biết, tập đoàn hiện cung cấp khoảng 8.000 dòng sản phẩm gia vị, thực phẩm đến 11 quốc gia trên thế giới, vì vậy, việc quản lý và phân phối theo chuỗi giá trị là cần thiết vì thông qua đó sẽ kiểm soát được chất lượng sản phẩm từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra. Hiện nay mỗi quốc gia có quy định riêng về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, vì vậy, người nông dân, DN cũng cần phải tuân thủ các tiêu chí đó như: bảo đảm sản phẩm tốt cho sức khỏe, các điều kiện phúc lợi, tiêu dùng có trách nhiệm, sản xuất có trách nhiệm, bảo vệ môi trường, minh bạch về truy xuất nguồn gốc… “Để thực hiện việc kiểm soát theo chuỗi, chúng tôi thu thập các dữ liệu liên quan đến quá trình canh tác như số cây, nước, thuốc bảo vệ thực vật, tiến hành khảo sát thực tế tại các vườn trồng tiêu và có đánh giá, chứng nhận. Sau đó quản lý truy xuất nguồn gốc trên các dữ liệu đã được kiểm chứng, công nhận”, ông Dirk Haucap nói.
Chương trình hội nghị kéo dài từ ngày 12 đến 14/11, tập trung vào các nội dung Hội nghị các nhà xuất khẩu; Hội nghị về kỹ thuật; Hội nghị các nhà xuất, nhập khẩu; triển lãm của các DN xuất nhập khẩu trong và ngoài nước liên quan tới lĩnh vực hồ tiêu; đồng thời tổ chức các đoàn đại biểu quốc tế tham quan, khảo sát thực tế các mô hình trồng tiêu tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc. |
Ông Phan Văn Lý (tỉnh Bình Phước, nông dân trồng hồ tiêu xuất sắc năm 2018 do Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế bình chọn) đã có hơn 20 năm trồng tiêu cho biết, gia đình ông có 6ha tiêu canh tác theo quy trình hữu cơ, với sản lượng thu hoạch mỗi năm trên 20 tấn. Ban đầu việc thực hiện canh tác theo hướng an toàn, hữu cơ gặp nhiều khó khăn, nhưng qua quá trình tự tìm hiểu và tham gia các lớp tập huấn, ông nhận thấy được tầm quan trọng của việc sản xuất tiêu sạch trên thị trường thế giới. Từ nhận thức đó, ông đã chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ bền vững, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để sản phẩm không tồn dư các chất bảo vệ thực vật. “Nhờ tham gia CLB tiêu sạch của Công ty Hà Lan, tôi được hướng dẫn, kiểm tra các quy trình canh tác nên năm 2018, sản phẩm tiêu của gia đình đạt 100% sản lượng an toàn đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu”, ông Lý nói thêm.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU