.

Tổ hợp tác giúp nông dân yên tâm sản xuất

Cập nhật: 21:51, 10/11/2019 (GMT+7)

Vài năm trở lại đây, mô hình tổ hợp tác (THT) trên địa bàn tỉnh được nhân rộng và phát triển. Mô hình không chỉ đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa mà còn giúp bà con nông dân tăng thu nhập.

Anh Trần Văn Nguyên, tổ viên Tổ hợp tác trồng lúa xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ kiểm tra ruộng lúa.
Anh Trần Văn Nguyên, tổ viên Tổ hợp tác trồng lúa xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ kiểm tra ruộng lúa.

Theo Hội Nông dân huyện Đất Đỏ, trên địa bàn huyện hiện có hơn 60 THT trong đó có 5 tổ sản xuất lúa giống, 2 tổ rau an toàn, 47 tổ đoàn kết đánh bắt hải sản do Hội Nông dân quản lý, chủ yếu là các THT chăn nuôi và thủy sản kết hợp với trồng cây ăn quả; nuôi bò sinh sản... Với phương thức tổ chức điều hành quản lý gọn nhẹ, linh hoạt nên đa phần các THT dễ dàng duy trì hoạt động và làm ăn có lãi. Từ các THT, Hội Nông dân đã phối hợp cùng các đơn vị triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tạo cơ hội để các thành viên liên kết hợp tác, kinh doanh, đồng thời tăng cường vai trò trong tiêu thụ nông sản, ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ “đầu vào”, chuyển giao quy trình kỹ thuật, liên kết sản xuất và tìm “đầu ra” cho nông sản, giải quyết bài toán “được mùa mất giá”. Nhờ vậy, bà con nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, mạnh dạn xây dựng các mô hình mới theo quy mô THT.

Tại xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, năm 2017, Hội Nông dân huyện đã thành lập THT trồng lúa, đồng thời liên kết với Công ty CP Sản xuất thương mại dịch vụ Ngô Đức cung cấp giống lúa OM4900, gieo trồng trên diện tích 10ha. Với hình thức liên kết này, DN hỗ trợ cung ứng đầu tư đầu vào (phân bón, thuốc BVTV), nông dân sản xuất theo quy trình của công ty. Cuối vụ công ty thu mua 100% sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 1.000-2.000 đồng/kg. Ông Trần Văn Nguyên (ấp Phước Lợi, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ), thành viên của THT cho biết: Việc tham gia vào THT đã góp phần cải thiện chất lượng lúa giống, nâng cao năng suất thu hoạch của nông dân từ 4 tấn/ha lên 5 tấn/ha. Thu nhập nhờ đó cũng tăng theo và bà con nông dân chủ động được nguồn lúa giống cho các vụ kế tiếp. Từ mô hình đã làm thay đổi nhận thức của bà con nông dân về việc sử dụng các giống lúa xác nhận cho năng suất, hiệu quả cao. Hiện nông dân đã sử dụng giống lúa xác nhận thay thế cho các giống cũ bị thoái hóa, năng suất thấp lại dễ bị sâu bệnh.

Những năm gần đây do thời tiết không thuận lợi, nguồn lợi thủy sản có chiều hướng suy giảm, trong khi giá cả nhiên liệu chi phí đầu vào tăng, dẫn đến thu nhập của ngư dân không cao. Ngoài ra, do việc khai thác thường hoạt động đơn lẻ, mỗi chủ phương tiện phải tự đầu tư vốn, lao động và tự tổ chức khai thác, tiêu thụ. Vì vậy, hiệu quả khai thác thường không cao. Để khắc phục tình trạng này, năm 2017, Hội Nông dân xã Lộc An, huyện Đất Đỏ vận động 13 chủ tàu cùng thuyền viên liên kết với nhau thành lập THT đánh bắt và khai thác hải sản An Hải. Theo đó, tổ có trách nhiệm hỗ trợ nhau mỗi khi gặp rủi ro do thiên tai hay tai nạn, vận chuyển sản phẩm vào bờ hoặc vận chuyển nhiên liệu và nhu yếu phẩm từ bờ ra biển, đồng thời thông tin cho nhau về việc tìm kiếm ngư trường, tiêu thụ sản phẩm. Qua gần 3 năm hoạt động, THT khai thác hải sản có 18 tàu công suất từ 120CV đến 450CV, tổng vốn đầu tư của 13 chủ tàu hơn 20 tỷ đồng, mỗi tháng tổ chức khai thác 2 chuyến vươn khơi, bình quân thu nhập của 1 thuyền viên 7-8 triệu đồng/tháng, chủ tàu thu nhập từ 20-25 triệu đồng/tháng.

Tổ nuôi bò sinh sản ở thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức cũng là một mô hình hợp tác có hiệu quả. THT hiện có 10 hội viên với số lượng chăn nuôi trên 100 con bò sinh sản. Từ khi thành lập đến nay, THT đã trở thành nơi trao đổi kinh nghiệm làm ăn và tiếp nhận kiến thức khoa học, kỹ thuật mới để phục vụ sản xuất. Chính nhờ sự phân chia thời gian chăm sóc phù hợp và khéo léo, đi đôi với nguồn thức ăn dồi dào nên đàn bò của THT có chất lượng cao, bảo đảm thời gian sinh trưởng. Trung bình thu nhập của mỗi hội viên đạt 120 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, huyện Châu Đức hiện đang là địa phương triển khai các hình thức liên kết sản xuất đạt hiệu quả cao. Có thể kể đến THT liên kết trên cây bắp với diện tích 200ha, THT liên kết trồng ca cao với 125ha; THT trồng chuối với 6 nhóm hộ nông dân trên diện tích 200ha...

Ông Trần văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Hiện trên toàn tỉnh có khoảng 368 THT, trong đó có 291 tổ đoàn kết đánh bắt hải sản, 7 THT chăn nuôi, 26 THT dùng nước, 44 THT trồng trọt với 4.340 thành viên. Đây là tổ chức hoạt động dựa trên phương thức tự nguyện, được xem là bước tiến nhằm gắn kết các nông dân thông qua hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Khi tham gia vào THT, các thành viên khắc phục được một số yếu kém của kinh tế hộ như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất. Các THT cũng sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực về lao động, vật tư và tiền vốn... Vì vậy, có thể thấy mô hình THT là tổ chức kinh tế phù hợp với trình độ phát triển kinh tế ở vùng nông thôn, bất kỳ hộ nông dân nào cũng có thể tham gia và mang lại lợi ích trực tiếp cho tổ viên. Do đó, tới đây tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, tăng thu nhập và tạo đầu ra ổn định cho bà con nông dân.

Bài, ảnh: KIM HỒNG - DUY ÂN

.
.
.