Lựa chọn tối ưu trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản cạn kiệt
Chiều 9/11, tại TP. Vũng Tàu, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tổ chức Hội nghị Toàn thể Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam và Hội thảo Ứng dụng Công nghệ 4.0 cho nuôi biển Việt Nam. Tham dự có gần 100 đại biểu là các chuyên gia trong ngành thủy sản, đại diện Sở NN-PTNT các địa phương, các DN và các trường đại học, cơ sở đào tạo về ngành thủy sản trên cả nước.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nhận định, hiện nay, ngành đánh bắt thủy hải sản đang dần trở nên khó khăn, nguồn lợi suy giảm. Do đó, phát triển ngành nuôi biển là xu thế tất yếu, được nhiều nước trên thế giới lựa chọn. Hình thức nuôi này có nhiều ưu điểm như nguồn nước ngoài khơi thường sạch và có dòng chảy ổn định, thuận lợi cho thủy sản phát triển; lại tránh được ô nhiễm môi trường nước. Tỷ lệ thủy sản chết hoặc bị ảnh hưởng do các yếu tố con người gây ra thấp khi nuôi biển cũng sẽ thấp hơn gần bờ. Ông Dũng cho biết: Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển ngành nuôi hải sản biển. Cụ thể, nước ta có 4 vùng vịnh lớn, một số vị trí có được sự che chắn khi có bão. Đồng thời, Việt Nam có rất nhiều vùng biển nông và biển được cung cấp lượng nước ngọt lớn vào mùa mưa. Bên cạnh đó, chúng ta có cơ sở hạ tầng phục vụ ngành thủy sản tốt, quy mô ngành công nghiệp chế biến lớn, lực lượng lao động sẵn có, dồi dào.
Cũng theo các chuyên gia, hiện nay, BR-VT có diện tích nuôi trồng lớn, nhưng vẫn nằm chủ yếu ở các khu vực cửa sông, cửa biển, gần bờ. Hình thức nuôi này chưa tối ưu, dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố con người và gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, tỉnh có điều kiện lý tưởng để trở thành đầu tàu của ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam nhờ vùng biển rộng, cộng với hệ thống cảng, công nghiệp phụ trợ phát triển. Hiện nay, lãnh đạo UBND tỉnh đã đồng ý hỗ trợ, tạo điều kiện để Hiệp hội Nuôi biển tìm hiểu các địa điểm phù hợp để xây dựng các trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống thủy, hải sản nuôi biển trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo, đại diện một số DN, chuyên gia đều khẳng định, để ngành nuôi biển công nghiệp thực sự phát triển nhanh, bền vững, cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ông Trần Văn Mạnh, đại diện Công ty Scale AQ Việt Nam cho biết, từ năm 1980 đến nay, ngành nuôi trồng thủy sản đã phát triển vượt bậc. Từ việc các công đoạn nuôi như cho ăn, thu hoạch đều thực hiện thủ công, đến nay, đã có những công nghệ tiên tiến được áp dụng. Các hệ thống neo lồng, phần mềm và sà lan cho ăn tự động, camera dưới nước, hệ thống lồng và lưới nuôi đã hiện đại hơn trước. Do đó, năng suất nuôi/1 đơn vị diện tích đã tăng cả ngàn lần trong gần 40 năm qua.
Còn theo TS Võ Bích Hiển, Trường ĐH Việt Đức cho biết, việc áp dụng công nghệ quan trắc trong nuôi biển là rất quan trọng. Ông Võ Bích Hiển cũng đã giới thiệu một số giải pháp quan trắc về thủy văn, sóng âm, đo nhiệt độ, độ đục, hàm lượng ô xi, độ pH...
Trong khi đó, theo ông Đỗ Anh Tuấn, đại diện Công ty Sinh thái Việt Nam, dự kiến, đến năm 2020, sẽ có nhiều DN tham gia nuôi biển công nghiệp. Diện tích nuôi vùng xa bờ ước tính khoảng 6.000ha. Do đó, việc bảo đảm nguồn cá giống chất lượng cao là vấn đề rất cấp bách trong tương lai. Ông Đỗ Anh Tuấn cho rằng, nếu không cung ứng được nguồn giống chất lượng cao, sẽ khó có thể phát triển nghề nuôi biển một cách bền vững.
QUANG VINH