Góp phần tái lập trật tự đô thị
Thời gian qua, BR-VT đã thực hiện nhiều giải pháp chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nhưng chưa thật sự hiệu quả. Mới đây, Sở GT-VT đã xây dựng đề án “Thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn tỉnh”. Đề án được kỳ vọng tác động làm thay đổi nhận thức người dân trong việc sử dụng vỉa hè, lòng đường, chấn chỉnh mỹ quan, trật tự đô thị, đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Đường Dã Tượng - Phan Văn Trị hàng rong và xe đậu kín vỉa hè tràn cả xuống lòng đường, nhất là ngày cuối tuần. |
VỈA HÈ LẠI BỊ TÁI CHIẾM
Cuối tuần qua, có mặt tại Bãi Sau, TP.Vũng Tàu, chúng tôi ghi nhận các tuyến đường đổ ra Bãi Sau như: Phó Đức Chính, Phan Văn Trị, La Văn Cầu, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh… có rất nhiều hàng quán bán ăn sáng, cà phê. Không chỉ chiếm dụng vỉa hè làm nơi đậu xe, các hàng quán này còn kê luôn bàn ghế cho khách ngồi trên vỉa hè. Không còn lối đi, người đi bộ phải tràn xuống lòng đường lưu thông cùng những chiếc ô tô, xe máy, taxi, xe điện... ra vào liên tục.
Ở các tuyến đường trung tâm thành phố như: Trương Công Định, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cô Bắc, Cô Giang, Ký Con, Lê Quang Định, Đô Lương, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Lợi, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Văn Thụ... vỉa hè, lòng đường cũng thường xuyên bị chiếm dụng để họp chợ, buôn bán, nhất là vào buổi sáng và chiều tối. Ông Trương Ngọc Long, Đội trưởng Đội trật tự đô thị TP. Vũng Tàu cho biết, những năm qua, thành phố đã mất rất nhiều công sức, tiền bạc cho công tác lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường. Dù bộ mặt đô thị có chuyển biến theo hướng ngăn nắp, gọn gàng hơn, giảm tình trạng buôn bán, kinh doanh lộn xộn trên vỉa hè nhưng ý thức chấp hành của một bộ phận người dân kém, lực lượng thực thi nhiệm vụ mỏng nên chưa thể xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm. Các địa phương khác như: TP. Bà Rịa, TX. Phú Mỹ, Long Điền dù không chịu sức ép từ du lịch như TP. Vũng Tàu nhưng hệ thống dịch vụ thương mại, quán ăn, hàng hóa phát triển nhanh nên cũng phát sinh tình trạng chiếm dụng vỉa hè bày bán hàng, đậu xe trái phép dưới lòng đường.
Để thiết lập trật tự đô thị, trong thời gian qua, ngành GT-VT và các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp từ vận động, lắp đặt biển báo hiệu đừng đỗ xe theo ngày, sơn kẻ vạch đường đến xử phạt, cưỡng chế buộc trả lại vỉa hè, lòng đường thông thoáng; nhưng tình trạng phương tiện dừng đậu sai quy định, chiếm dụng vỉa hè bán hàng, để vật dụng kinh doanh, lấn chiếm lối dành cho người đi bộ vẫn phổ biến. Sau mỗi đợt tuyên truyền, vận động, ra quân xử phạt, khi lực lượng chức năng rút đi thì vỉa hè, lòng đường lại ngổn ngang như cũ, nhất là các dịp cao điểm lễ, Tết, cuối tuần khi khách du lịch đổ về nhiều.
KỲ VỌNG THAY ĐỔI NHẬN THỨC CƯ DÂN
Mới đây, Sở GT-VT đã trình UBND tỉnh dự thảo đề án “Thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn tỉnh”. Mục tiêu đề án hướng tới quản lý việc sử dụng một phần công năng của lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố được hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, đồng thời nâng trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi sử dụng vỉa hè, lòng đường vào mục đích riêng, đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Các tỉnh, thành đã thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường
TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Hà Nội, Hà Giang, Thừa Thiên - Huế; Bình Thuận.
|
Theo nội dung đề án, phần lòng đường, hè phố được tổ chức thu phí tạm thời phải có kết cấu chịu lực phù hợp, không thuộc tuyến quốc lộ qua đô thị, phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu đủ cho 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe thô sơ cho một chiều đi. Phần hè phố cho phép đậu, đỗ xe phải có chiều rộng từ 3m trở lên. Mức phí thuê vỉa hè được tính: giá đất (do UBND tỉnh công bố) x 3%. Thời gian thu phí từ 6 giờ đến 24 giờ hàng ngày. Cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
Về quản lý và sử dụng nguồn thu phí, đề án đưa ra 2 phương án: tuyến đường thuộc quyền quản lý của cấp nào thì cấp đó quản lý, cấp giấy phép sử dụng hè phố, lòng đường và tổ chức hoặc thống nhất một đầu mối về UBND cấp huyện. Biên lai thu phí được phát hành, quản lý và sử dụng theo quy định tại Thông tư số 303/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đề án trên đã lấy ý kiến góp ý từ các sở, ngành, địa phương và nhận được sự đồng thuận cao.
Bảng giá thuê hè phố trên các loại đường trên địa bàn tỉnh dự kiến
TP. Vũng Tàu, Côn Đảo: từ 11 đến 33 ngàn đồng/m2/tháng; Riêng các tuyến đường như: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Bacu, Lý Thường Kiệt (đoạn từ Phạm Ngũ Lão đến Lê Quý Đôn), Trần Hưng Đạo, Đồ Chiểu (đoạn từ Lý Thường Kiệt đến Lê Lai), Nguyễn Văn Trỗi, Thùy Vân, Hoàng Hoa Thám (đoạn từ Thùy Vân đến Võ Thị Sáu) mức giá thuê vỉa hè 44 ngàn đồng/m2/tháng. TP. Bà Rịa: từ 4 ngàn đến 19 ngàn đồng/m2/tháng; TX. Phú Mỹ: từ 2 đến 10 ngàn đồng/m2/tháng; Châu Đức và Xuyên Mộc: từ 1 đến 6 ngàn đồng/m2/tháng; Long Điền: từ 1 đến 7 ngàn đồng/m2/tháng; Đất Đỏ: từ 2 đến 5 ngàn đồng/m2/tháng.
|
Tại cuộc họp ngày 1/10 bàn về công tác tổ chức thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường, đại diện các sở, ngành, địa phương cho rằng, vỉa hè cũng là tài sản công, việc cho thuê vỉa hè, lòng đường mà không ảnh hưởng đến giao thông đô thị và người đi bộ, lại tăng thu cho ngân sách thì nên làm, vừa bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp. Tuy nhiên, để tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao UBND cấp huyện được quản lý, cấp giấy phép sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường và tổ chức thu phí các tuyến đường trên địa bàn quản lý; đồng thời giao Sở GT-VT tham khảo kinh nghiệm, cách làm từ các tỉnh, thành đã thực hiện thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường để triển khai cho các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh; hoàn chỉnh đề án, tờ trình tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua trong phiên họp tới.
Bài, ảnh: ĐAN CHÂU