.

Ngăn chặn hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép - Cần sự phối hợp đồng bộ

Cập nhật: 19:01, 21/10/2019 (GMT+7)

Các lực lượng chức năng của tỉnh đã có nhiều biện pháp đấu tranh với các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép bằng đường thủy. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng, chính quyền địa phương nhằm xử lý vấn đề này đạt hiệu quả hơn.

Lực lượng BĐBP tỉnh bắt giữ một phương tiện vận chuyển cát trái phép  bằng đường thủy.
Lực lượng BĐBP tỉnh bắt giữ một phương tiện vận chuyển cát trái phép bằng đường thủy.

 DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều dự án đầu tư lớn. Do đó, nhu cầu về nguồn vật liệu san lấp cát, đá rất lớn. Tuy nhiên, do nguồn cung ứng tại các mỏ khoáng sản trong quy hoạch hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, mất cân đối cung - cầu thị trường, khiến cho giá cát san lấp, cát xây dựng tăng lên. Trong khi đó, lợi nhuận từ hoạt động khai thác khoáng sản rất cao, nên các đối tượng tổ chức khai thác, vận chuyển, mua bán cát trái phép bằng đường thủy một cách tinh vi; có quy mô, hoạt động vào ban đêm, rạng sáng, ngoài giờ hành chính, cắt cử người cảnh giới, theo dõi để đối phó, trốn tránh hoạt động kiểm tra của lực lượng chức năng.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Tiện, Phó Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, lợi dụng việc triển khai thực hiện các dự án và vì lợi nhuận nên hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép bằng đường thủy ngày càng gia tăng. Trong đó, tập trung tại các địa bàn TX. Phú Mỹ, TP. Vũng Tàu. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lợi dụng các dự án nạo vét luồng hàng hải đường thủy nội địa để khai thác cát ngoài phạm vi được cấp phép; lợi dụng các dự án nạo vét luồng hàng hải, đường thủy nội địa đã được cơ quan chức năng cấp phép trên địa bàn để hợp thức hóa khoáng sản đã khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép. Bên cạnh đó, các đối tượng mua cát không rõ nguồn gốc xuất xứ từ các địa phương khác ngoài tỉnh, sau đó vận chuyển về địa bàn cung cấp cho các dự án.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác đấu tranh chống hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép, trong thời gian qua,  Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch nghiệp vụ, bố trí, sử dụng lực lượng đấu tranh quyết liệt với các hoạt động vi phạm pháp luật về khoáng sản trên địa bàn biên giới biển, đảo của tỉnh. Đặc biệt từ cuối tháng 8/2019 đến nay, thực hiện đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát đấu tranh phòng chống các hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, lực lượng Biên phòng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vi phạm với khối lượng lớn.

Đơn cử gần đây, trong các ngày 9, 10 và 19/9, tại khu vực cửa biển Long Sơn (TP. Vũng Tàu), lực lượng BĐBP tỉnh đã tiến hành kiểm tra hành chính 13 phương tiện của 4 DN, gồm: Công ty TNHH TMDV Hải Phát (5 tàu: HP 4337, HD 6789, HP 4393, BV 1232, BV 1026), Công ty TNHH TMDV XD Hoàng Anh (5 tàu: ĐN 0977, ĐN 1079, ĐN 1062, BV 1879, BV 1341), Công ty TNHH TMDV XD 168 (2 tàu: HP 2988, BV 1979) và Công ty CP Khoáng sản Nam Tây Giang (1 tàu: HP 4242). Tại thời điểm kiểm tra, các phương tiện đang vận chuyển khoảng 7.800m3 cát nhiễm mặn. Thuyền trưởng các tàu không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số cát trên, giấy tờ liên quan đến bằng thuyền trưởng, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện và sử dụng giấy an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đã hết hiệu lực.

Hiện nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã kết thúc điều tra, xác minh và báo cáo Bộ Tư lệnh BĐBP đề nghị xử phạt 15 đối tượng (2 tổ chức và 13 cá nhân) có liên quan đến vụ việc trên về hành vi mua bán, vận chuyển cát trái phép với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng và tịch thu khối lượng cát mua bán, vận chuyển không có chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Lực lượng BĐBP tỉnh kiểm tra một phương tiện vận chuyển cát trái phép vào ngày 10/9 tại khu vực cửa biển Long Sơn, TP.Vũng Tàu.
Lực lượng BĐBP tỉnh kiểm tra một phương tiện vận chuyển cát trái phép vào ngày 10/9 tại khu vực cửa biển Long Sơn, TP.Vũng Tàu.

PHÒNG, CHỐNG ĐỒNG BỘ

Thiếu tá Nguyễn Văn Tiện cho biết, trong quá trình điều tra, xác minh  xử lý vụ việc vi phạm, BĐBP tỉnh cũng gặp một số hạn chế về thu thập đầy đủ chứng cứ xác định mức độ thiệt hại vật chất; ảnh hưởng, tác động xấu đến môi trường do hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản, nhất là cát nhiễm mặn trái phép gây ra, do việc khai thác cát diễn ra ở dưới sông, biển. Bên cạnh đó, địa bàn quản lý rộng, chủ yếu trên sông, biển, rừng ngập mặn, địa hình phức tạp, phương tiện còn hạn chế nên việc tuần tra, mật phục, truy đuổi, bắt giữ đối tượng vi phạm gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng cầm đầu thường chỉ đạo việc khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản ở nhiều địa bàn khác nhau và nhiều người tham gia với thủ đoạn rất tinh vi, thường chỉ đạo từ xa, thuê người theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng để đối phó.

Mặt khác, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, không quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không rõ nguồn gốc. Do vậy, thời gian qua, BĐBP tỉnh xử lý hành vi mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép theo Điều 21 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, sau này được sửa đổi bổ sung tại Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP với mức xử phạt thấp, nên không đủ răn đe đối tượng vi phạm. Ngoài ra, Nghị định 33/2017/NĐ-CP quy định chỉ tịch thu phương tiện đối với hành vi khai thác khoáng sản từ 50m3 trở lên, không có quy định xử phạt đối với hành vi vận chuyển khoáng sản trái phép, không phép, dẫn đến hạn chế tính răn đe đối với hành vi này.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Tiến, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, thời gian tới, lực lượng Biên phòng tiếp tục thực hiện cao điểm tuần tra, kiểm soát đấu tranh phòng chống các hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, để đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả hoạt động này, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, làm cho người dân nhận thức về tác hại của việc khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản theo quy định pháp luật.

Từ đầu năm  đến nay, lực lượng BĐBP tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 21 vụ/39 đối tượng có hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép; tịch thu hơn 8 ngàn m3 cát nhiễm mặn. Trong đó, 15 vụ mua bán, vận chuyển cát trái phép trên đường sông, cửa biển.

Đồng thời, xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, trong đó quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp. Đặc biệt cấp huyện, xã chủ động xây dựng cơ chế phối hợp trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với địa phương liên quan ở khu vực giáp ranh. Các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân bao che hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; thường xuyên kiểm tra hoạt động nạo vét khơi thông luồng lạch trên địa bàn tỉnh; kiên quyết đình chỉ các đơn vị lợi dụng việc được cấp phép nạo vét để khai thác cát không đúng phạm vi, thời gian nạo vét.

Bài ảnh: PHƯƠNG NAM

.
.
.