.

Thoát nghèo nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả

Cập nhật: 18:43, 21/10/2019 (GMT+7)

Trong thời gian qua, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã giúp hàng ngàn hộ dân đầu tư sản xuất, thoát nghèo bền vững, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế và an sinh xã hội tại các địa phương.

Bà Đinh Thị Huệ (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) phát triển chăn nuôi dê, heo và gia cầm từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH.
Bà Đinh Thị Huệ (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) phát triển chăn nuôi dê, heo và gia cầm từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH.

Bà Đinh Thị Huệ (thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) được biết đến là một tấm gương vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững tại địa phương nhờ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Trong 10 năm qua, thông qua Hội Nông dân huyện, bà Huệ đã vay vốn từ NHCSXH 3 lần với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng để đầu tư chuồng trại, con giống để phát triển kinh tế. Mỗi năm, gia đình bà Huệ có thu nhập từ 200 -250 triệu đồng. Bà Huệ cho biết: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Năm 2010, sau khi được vay vốn tín dụng chính sách, tôi đầu tư nuôi heo, dê và gia cầm các loại. Do biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn heo, gia cầm... phát triển tốt, sinh sản đều đặn. Nhờ đó, tôi có nguồn thu nhập ổn định, sửa sang lại nhà cửa và có của ăn của để”.

Năm 2012 trở về trước, gia đình ông Nguyễn Văn Thao (thôn Láng Cát, xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ) thuộc diện hộ nghèo của xã. Được Hội Nông dân xã tư vấn, hướng dẫn, ông được vay 10 triệu đồng từ NHCSXH, từ nguồn vốn đó, ông chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông đầu tư trồng rau ăn lá các loại như cải, xà lách, mồng tơi... trên diện tích 2.000m2 đất vườn. Để làm ăn hiệu quả, ông học hỏi thêm kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh từ các buổi tập huấn tại địa phương. Do trồng rau sạch, nguồn cung cấp ổn định, rau của gia đình ông được thị trường ưa chuộng. Sau khi thanh toán khoản vay, năm 2015, ông tiếp tục được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện để đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động, nhờ đó vừa tiết kiệm được thời gian chăm sóc vườn rau, giảm công lao động, vừa giảm được hao hụt (tưới thủ công rau dễ bị dập lá). Từ hộ thuộc diện khó khăn nhất của địa phương, đến nay gia đình ông Thao có thu nhập ổn định, bình quân từ 90-110 triệu đồng/năm, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Đặng Văn Hóa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hải, TX Phú Mỹ cho biết: Trong những năm qua, vốn từ NHCSXH là nguồn chủ lực để địa phương thực hiện nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế. Riêng tại xã Tân Hải, từ nguồn vốn này, nhiều hộ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công, góp phần tạo nên một vùng chuyên canh trồng rau như hiện nay. Từ năm 2004 đến nay, Hội Nông dân xã Tân Hải đã đứng ra bảo lãnh cho các hộ nông dân vay tín chấp trên 12 tỷ đồng với 650 hộ vay, mức lãi suất 6,5%/năm, nguồn vốn này được nông dân chủ yếu đầu tư hệ thống tưới tiêu, nâng cấp mặt bằng để trồng rau…

Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, chính sách cho vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm ổn định, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của người dân địa phương. Trong quá trình thực hiện giải ngân vốn, Phòng giao dịch NHCSXH các địa phương đã phối hợp tốt với các tổ chức hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện các bước thẩm định chặt chẽ để đưa đồng vốn ưu đãi đến đúng đối tượng được thụ hưởng. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2019, doanh số cho vay vốn tín dụng chính sách đạt 2.931 tỷ đồng với 120 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.

Bài, ảnh: KIM HỒNG

.
.
.