Kỳ vọng dòng vốn FDI chất lượng cao
Một trong những mục tiêu thu hút FDI của BR-VT thời gian qua là thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ưu tiên thu hút các dự án có sức lan tỏa, gắn kết với khu vực DN trong nước. Theo đó, tỉnh đang dần chủ động hơn trong việc tiếp cận những nhà đầu tư có đẳng cấp, uy tín.
Nhà máy xử lý bụi lò thép Zinc Oxide tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, vốn đầu tư của Hàn Quốc là một trong những dự án sử dụng công nghệ hiện đại. Ảnh: THÀNH HUY |
HÚT DÒNG VỐN CHẤT LƯỢNG CAO
Tháng 1/2019, Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đã khởi công xây dựng nhà máy giấy bao bì Kraft of Asia (KOA) tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, TX. Phú Mỹ. Dự án có tổng vốn đầu tư 4.810 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 15ha, công suất thiết kế 400.000 tấn giấy mặt và giấy sóng sử dụng trong ngành bao bì. Đây là nhà máy giấy đầu tiên sử dụng công nghệ, vận hành và quản lý theo tiêu chuẩn của Nhật Bản tại BR-VT. Theo chủ đầu tư, dự kiến nhà máy sẽ vận hành sản xuất thương mại từ tháng 11/2020.
Tập đoàn Marubeni là tập đoàn thương mại và đầu tư hàng đầu Nhật Bản với doanh thu toàn cầu hàng năm khoảng 100 tỷ USD, có văn phòng và chi nhánh tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đầu năm 2019, Tập đoàn Marubeni đã được UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án chế biến cà phê có tổng vốn đăng ký hơn 117 triệu USD. Nhà máy cà phê dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào năm 2020, với công suất ban đầu là 16.000 tấn/năm. Ngoài nhà máy cà phê ở Brazil, đây sẽ là nhà máy chế biến cà phê thứ 2 của Marubeni. Gần đây nhất, đại diện Tập đoàn Marubeni đã làm việc với UBND tỉnh đề xuất kế hoạch xây dựng nhà máy điện khí LNG trên diện tích 200ha, với tổng công suất 4.800MW. Marubeni cho biết, dự kiến dự án này có vốn đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD, quý II/2025 đưa vào vận hành thương mại, hợp đồng mua bán điện sẽ được thực hiện trong khoảng 25 năm sau đó.
Trung tâm hậu cần Vina Japan Shirogane Logistics đi vào hoạt động từ tháng 6/2019 tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3. Ảnh: THÀNH HUY |
Cũng tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, tháng 6/2019, Công ty TNHH Shirogane Transport (Nhật Bản) phối hợp với Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ khánh thành Trung tâm hậu cần Vina Japan Shirogane Logistics (VJS). Ông Kaihoto Tetsuya, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Shirogane Transport cho biết, Trung tâm VJS là dự án liên doanh giữa Công ty TNHH Shirogane Transport góp vốn 51% và Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ góp vốn 49%, có tổng mức đầu tư 5,4 triệu USD được xây dựng trên khu đất rộng 2,25ha. VJS tập trung phát triển các dịch vụ logistics tích hợp trọn gói và đồng bộ như: dịch vụ đại lý vận tải, dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, làm thủ tục hải quan và các dịch vụ bổ trợ khác nhằm đáp ứng yêu cầu về phân phối hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu của các DN.
Như vậy, tính đến nay, Nhật Bản có 31 dự án đầu tư tại tỉnh với vốn đầu tư 2,25 tỷ USD (không bao gồm các dự án trong ngành dầu khí và vốn ODA), đứng thứ 5 trong các quốc gia có vốn đầu tư lớn tại tỉnh. Với vị thế vốn có của mình, các DN Nhật Bản đã xây dựng những nhà máy có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường, phù hợp xu hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Ông Toshio Kazama, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ - đại diện Japan Desk BR-VT cho biết: “BR-VT có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu giao thương, kết nối thị trường. Đặc biệt, điểm hấp dẫn đầu tư đến tỉnh BR-VT là có cảng biển nước sâu, gần thành phố có sức tiêu thụ lớn như TP. Hồ Chí Minh. Do đó, để thúc đẩy đầu tư của DN Nhật Bản vào tỉnh BR-VT, chúng tôi luôn cung cấp đầy đủ thông tin của tỉnh cho các DN Nhật Bản vì đây là tỉnh có tiềm năng phát triển rất cao”.
THEO ĐÚNG ĐỊNH HƯỚNG
Để nâng cao chất lượng các dự án đầu tư FDI, tháng 7/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TU về nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, tỉnh kiên trì mục tiêu đầu tư có chọn lọc, với các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sức lan tỏa. Trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh phấn đấu thu hút 80 dự án FDI, với vốn đăng ký khoảng 4 tỷ USD. Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, với việc xây dựng bộ tiêu chí thu hút đầu tư, BR-VT đang dần chủ động hơn trong việc tiếp cận những nhà đầu tư có đẳng cấp, uy tín. Điều này được khẳng định trong thời gian qua các dự án được cấp phép đầu tư đều tập trung vào những lĩnh vực thế mạnh, đáp ứng các tiêu chí thu hút đầu tư của địa phương và trở thành động lực để BR-VT tự tin bứt phá trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của tỉnh, phát triển công nghiệp nhưng không ảnh hưởng đến môi trường.
Nhà máy xử lý bụi lò thép Zinc Oxide tại KCN sâu Phú Mỹ 3, vốn đầu tư của Hàn Quốc là một trong những dự án sử dụng công nghệ hiện đại. Ảnh: THÀNH HUY |
Theo Sở KH-ĐT, từ đầu năm đến nay tỉnh đã thu hút mới 31 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 403 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 22 dự án với tổng vốn đăng ký tăng thêm hơn 404 triệu USD. Như vậy, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 377 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 27,9 tỷ USD, xếp thứ tư trên cả nước về thu hút vốn FDI.
Mới đây, Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 cũng là cơ sở xây dựng định hướng, chính sách mới trong công tác thu hút vốn FDI tại tỉnh trong thời gian tới. Cùng với đó, dự thảo hướng dẫn thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư năm 2020 gửi tới các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ KH-ĐT cũng nêu rõ, các hoạt động thuộc chương trình xúc tiến đầu tư năm 2020 ưu tiên và sẵn sàng thu hút làn sóng đầu tư từ tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, các đối tác có công nghệ cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu… Cùng với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực cho dòng vốn FDI sẽ có nhiều chuyển động tích cực hơn trong thời gian tới.
NGÔ GIA