Nông dân khá lên nhờ vay được vốn kịp thời
Thời gian qua, việc triển khai các dự án vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân đã tạo thêm nhiều mô hình sản xuất mới. Theo đánh giá, hiệu quả kinh tế mang lại cho các hộ nông dân vay vốn theo dự án sản xuất tăng 10- 15% so với trước.
Tổ hợp dự án nuôi cá nước ngọt tại xã Suối Rao được đánh giá là dự án thành công nhờ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân. Trong ảnh: Ông Nguyễn Thanh Chức (thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) đang cho cá ăn. |
Gần 10 năm qua, với nguồn vốn hơn 1 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền đã tổ chức thành công 5 dự án sản xuất kinh doanh. Có thể kể đến như: Dự án đầu tư mua sắm ngư lưới cụ với tổng nguồn vốn 500 triệu đồng cho 10 hộ vay (mỗi hộ 50 triệu đồng); Dự án chế biến hải sản với nguồn vốn 330 triệu đồng cho 11 hộ vay (mỗi hộ 30 triệu đồng)... Ông Phạm Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Tỉnh cho biết, với việc cho vay vốn theo từng nhóm, tổ dự án đã tập hợp hội viên nông dân thông qua những mô hình kinh tế hợp tác cùng lợi ích, cùng trách nhiệm, tăng tính liên kết trong sản xuất. Nhờ đó mà nông dân có vốn để sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Chị Phạm Thị Nga, ấp Phước Hương, xã Phước Tỉnh là một trong 10 hội viên tham gia dự án đầu tư mua sắm ngư lưới cụ của xã. Chị Nga cho biết: “Tôi được vay 50 triệu đồng từ dự án hỗ trợ mua sắm ngư lưới cụ. Với số tiền trên, tôi đã đầu tư mua máy phát điện, lưới, câu, rập. Hiện nay, mỗi năm tôi thu lãi hơn 150 triệu đồng từ nghề câu cá, mực. Ngoài ra, gia đình tôi còn giải quyết việc làm cho 3 bạn ghe khác, với thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng”.
Tại thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức, với nguồn vốn 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân, 10 người đã được tham gia dự án tổ hợp nuôi cá nước ngọt. Là một trong những hội viên thành công từ dự án, ông Nguyễn Thanh Chức ( tổ 2, thôn 1, xã Suối Rao) cho biết: Cuối năm 2016, ông đăng ký tham gia dự án tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt. Nhờ các thành viên trong tổ hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá, cộng với nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân, ông Chức đã đầu tư nuôi các loại cá trắm, chép, rô phi… trên diện tích hơn 1.000m2. Với việc áp dụng đúng kỹ thuật, mỗi vụ cá, ông thu hoạch gần 15-17 tấn cá các loại, giá bán trung bình khoảng 45 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 250-300 triệu đồng/vụ.
Từ 10 hộ ban đầu, tổ nuôi cá nước ngọt của xã Suối Rao đã thu hút 16 hộ nông dân tham gia, với tổng diện tích lên tới gần 30ha, thu nhập trung bình của hội viên trong tổ đạt từ 200-300 triệu đồng/năm. Ông Phạm Văn Hinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Rao cho biết: “Hiện trên địa bàn xã Suối Rao đã triển khai nhiều dự án có nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, đa số các dự án đều hoạt động có hiệu quả như: Dự án nuôi heo thịt, dự án nuôi cá chình, dự án nuôi cá nước ngọt… Thông qua các dự án, nông dân từ làm ăn nhỏ lẻ, nay đã biết cách liên kết, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, sản phẩm làm ra có chất lượng cao, thậm chí còn được xuất khẩu”.
Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, hiện toàn tỉnh có 257 dự án được đầu tư từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân, với tổng số tiền giải ngân hơn 54 tỷ đồng, cho gần 700 hộ hội viên vay phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này nhiều mô hình kinh tế tập thể đã được hình thành và phát triển, các hội viên được vay vốn có thu nhập ổn định, nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập cao từ 150 đến 300 triệu đồng mỗi năm.
Ông Đoàn Văn Hai, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Quỹ Hỗ trợ Nông dân cho vay theo hình thức dự án có ưu điểm là tiến độ giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản, kịp thời hỗ trợ vốn cho các tổ, nhóm phát triển kinh tế. Để nguồn vốn giải ngân đúng đối tượng, hội nông dân cấp huyện và cấp cơ sở lựa chọn những mô hình sản xuất có tính khả khi, phát huy được tiềm năng và thế mạnh của vùng. Định kỳ hàng tháng, tổ vay vốn các cấp duy trì sinh hoạt, với sự tham gia của ban quản lý dự án và hộ vay để trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy, Quỹ Hỗ trợ Nông dân các cấp đã phát huy hiệu quả vốn vay. Đến nay, từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân đã hình thành các mô hình sản xuất như: Chăn nuôi bò sữa tại xã Châu Pha (TX. Phú Mỹ); Nuôi cá nước ngọt tại xã Suối Rao (huyện Châu Đức); Nuôi tôm giống tại phường 12 (TP. Vũng Tàu); trồng bưởi da xanh tại xã Sông Xoài (TX. Phú Mỹ)… Nhờ việc hình thành dự án, bà con nông dân đã chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, tạo việc làm và thu nhập.
Cũng theo ông Đoàn Văn Hai, để Quỹ Hỗ trợ Nông dân trở thành nguồn lực thiết thực, đồng hành với nhà nông trong phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân các cấp cần quan tâm, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách cơ sở. Bên cạnh đó, tích cực kiểm tra, giám sát về sử dụng nguồn vốn, tránh tình trạng đầu tư kém hiệu quả dẫn tới nợ xấu, nợ quá hạn. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình hoạt động hướng về cơ sở, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, có định hướng về thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân. Có như vậy, Quỹ Hỗ trợ Nông dân mới phát huy hiệu quả, tạo động lực cho nhiều hội viên đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
Bài, ảnh: KIM HỒNG, PHẠM HINH