Công nghệ cấy kết hợp vùi phân bón tan chậm cho kết quả tốt
Sau 3 tháng triển khai thí điểm “Mô hình sản xuất lúa áp dụng công nghệ cấy kết hợp vùi phân bón tan chậm có kiểm soát trong vụ Hè Thu 2019”, do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) triển khai, đến nay mô hình này được đánh giá cho kết quả tốt. Mô hình này được thí nghiệm trên diện tích 0,2ha tại xã An Nhứt, huyện Long Điền.
Thợ điều khiển máy công nghệ cấy kết hợp vùi phân bón tan chậm có kiểm soát vào tháng 6/2019 tại xã An Nhứt, huyện Long Điền. |
Cụ thể, qua kết quả thực hiện mô hình thí điểm cho thấy, công nghệ cấy kết hợp vùi phân bón tan chậm có kiểm soát đạt năng suất khoảng 50 tạ/ha (cao hơn phương pháp truyền thống 5 tạ/ha). Về thời gian gieo trồng, phương pháp cấy mạ giúp nông dân chủ động thời vụ, đồng thời rút ngắn thời gian lúa trên đồng (khoảng 12 ngày), tránh được rất nhiều tác nhân gây bệnh cho cây lúa cũng như ảnh hưởng của thời tiết giai đoạn gieo mạ. Lượng giống khoảng 70kg/ha (ít hơn 90kg/ha) so với việc gieo mạ truyền thống.
Mô hình thí điểm cũng cho thấy hiệu quả sản xuất cao hơn phương pháp truyền thống, trong đó ước lợi nhuận đạt hơn 11 triệu đồng/ha, cao hơn 1,5 triệu đồng/ha, tương đương với 15,6%. Ngoài ra, các chi phí sản xuất đều giảm đáng kể so với phương pháp truyền thống như: giống, thuốc BVTV, công bón phân, công diệt cỏ…
Dựa trên kết quả thực hiện mô hình, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã đề nghị các ban, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nông dân tùy điều kiện thực tế triển khai các mô hình áp dụng giải pháp như sử dụng máy cấy kết hợp vùi phân hoặc máy sạ kết hợp vùi phân.
Tin, ảnh: KIM HỒNG