.

Cấp bách xử lý lượng rác thải sinh hoạt quá tải

Cập nhật: 18:43, 27/08/2019 (GMT+7)

Hiện nay chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hầu hết đang xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Giải pháp này giá thành phù hợp nhưng tốn diện tích và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Trước sức ép lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng nhanh, BR-VT đang xây dựng lộ trình đến năm 2021 sẽ chuyển từ chôn lấp sang phương pháp đốt, tái chế.

Lượng chất thải rắn sinh hoạt đang tăng nhanh nên nguy cơ ô nhiễm càng cao.  Trong ảnh: Công nhân Công ty CP dịch vụ môi trường đô thị Bà Rịa thu gom rác sinh hoạt tại TP. Bà Rịa.
Lượng chất thải rắn sinh hoạt đang tăng nhanh nên nguy cơ ô nhiễm càng cao. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP dịch vụ môi trường đô thị Bà Rịa thu gom rác sinh hoạt tại TP. Bà Rịa.

ÙN Ứ RÁC THẢI SINH HOẠT 

Theo báo cáo của Sở TN-MT, trước đây mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh 760 tấn chất thải rắn (CTR) sinh hoạt. Nhưng từ năm 2018 đến nay, khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại 7 huyện, thị xã, thành phố trên đất liền của tỉnh đã tăng lên 900 tấn/ngày. Riêng huyện Côn Đảo khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại huyện tăng từ 15 tấn/ngày lên 22,5 tấn/ngày (tăng 37,5%). Ngoài ra, theo đại diện Công ty TNHH Kbec Vina, dịp hè vừa qua (từ tháng 6 đến tháng 8) mỗi ngày trên địa bàn tỉnh tăng thêm khoảng 200 tấn CTR sinh hoạt. Ngoài ra, các dịp lễ Tết lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh tăng lên gấp 2-3 lần so với ngày thường (khoảng 2.000-2.500 tấn/ngày). Trong khi đó, theo dự báo của Sở Xây dựng, lượng CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn sẽ tiếp tục tăng thêm 350 tấn/ngày chỉ sau một năm nữa. Nghĩa là năm 2020 khối lượng CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh sẽ phát sinh khoảng 1.250 tấn/ngày.

Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, khối lượng CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tăng nhanh, trong khi đó, việc thu gom và xử lý lại đang quá tải nên dễ xảy ra các sự cố về môi trường. Cụ thể, hiện tại, CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 900 tấn/ngày, nhưng tỉnh mới chỉ thu gom, xử lý chôn lấp hợp vệ sinh được khoảng 850 tấn/ngày, 50 tấn còn lại vẫn nằm trong khu dân cư hoặc được người dân tự chôn lấp, tự đốt trong vườn. Ngoài ra, hiện vẫn còn 450.000 tấn CTR sinh hoạt đã chôn lấp tại các bãi rác tạm (đã đóng cửa) đang cần phải bốc lên đưa về bãi chôn lấp của Công ty TNHH Kbec Vina để xử lý. Bên cạnh đó, hơn 71.000 tấn rác tại khu vực bãi Nhát (suối Nhật Bổn, huyện Côn Đảo) vẫn đang tồn đọng, chưa có giải pháp khắc phục.

Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 3 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư xử lý CTR sinh hoạt, nhưng chỉ có 1 dự án đang hoạt động, 2 dự án chậm triển khai, dẫn đến việc xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn phụ thuộc vào Công ty TNHH Kbec Vina. Trong khi đó, dự án của Công ty TNHH Green HC được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ), có diện tích sử dụng đất khoảng 20ha, mục tiêu của dự án trong giai đoạn 1 sẽ đưa vào sử dụng khu chôn lấp chất thải sinh hoạt khoảng 149 tấn/ngày và sẽ vận hành vào quý III/2018. Giai đoạn 2 của dự án là nhà máy đốt CTR sinh hoạt với công suất 150 tấn/ngày sẽ đi vào hoạt động vào quý IV/2019. Tuy nhiên, đến nay, khu chôn lấp của giai đoạn 1 Công ty Công ty TNHH Green HC vẫn chưa được đưa vào vận hành theo quy định; đồng thời, việc đầu tư nhà máy đốt cho giai đoạn 2 của Công ty cũng chưa hoàn thành, chậm so với quyết định chủ trương đầu tư 12 tháng.

Dự án tái chế CTR sinh hoạt thành phân hữu cơ (compost) được UBND tỉnh ban hành quyết định từ tháng 9/2017 (với diện tích khoảng 8ha, công suất xử lý 500 tấn/ngày) cho Công ty CP Môi trường xanh Bảo Ngọc. Theo quyết định này thì dự án phải đưa vào vận hành sau 14 tháng kể từ khi cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, dự án mới trong giai đoạn triển khai.

Chất thải rắn sinh hoạt khi chuyển về Công ty TNHH Kbec Vina được xử lý  trước khi chôn lấp hợp vệ sinh.
Chất thải rắn sinh hoạt khi chuyển về Công ty TNHH Kbec Vina được xử lý trước khi chôn lấp hợp vệ sinh.

CHUYỂN ĐỔI ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Theo Sở Xây dựng, trước đây, công nghệ xử lý chất thải chưa phổ biến, việc chôn lấp CTR sinh hoạt là giải pháp tình thế. Nhưng về lâu dài, để phát triển bền vững, BR-VT cần phải tính toán đến những giải pháp căn cơ. Trong đó, việc quản lý CTR sinh hoạt là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển bền vững; giảm thiểu phát sinh và phân loại chất thải tại nguồn; tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải phải xử lý. Đồng thời, BR-VT đang khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình phân loại rác tại nguồn; có cơ chế hình thành và phát triển các DN thực hiện dịch vụ thu gom, tái chế, đốt và chôn lấp, sản xuất phân hữu cơ từ chất thải rắn… nhằm hướng đến một môi trường xanh, trong lành hơn và giảm bớt những nỗi lo từ rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt.

Riêng huyện Côn Đảo, tại cuộc họp ngày 23/8 vừa qua, Thường trực UBND tỉnh đã thống nhất chọn phương án xử lý rác tồn đọng bằng công nghệ đốt ngay tại Côn Đảo thay vì đóng kiện đưa về đất liền xử lý như trước đây. Theo đó, tỉnh BR-VT sẽ xin Thủ tướng Chính phủ xây dựng hạ tầng nhà máy xử lý rác sinh hoạt tại Bến Đầm với diện tích khoảng 1,92ha. Sau khi có chủ trương, huyện sẽ trình duyệt dự án, tổ chức thủ tục đầu tư hạ tầng theo hình thức xã hội hóa hoặc nhà nước đầu tư công. Thời gian hoàn thành dự kiến tháng 9/2020. Với phương án này, thời gian xử lý hết lượng rác dự kiến từ 6-7 năm, tổng vốn đầu tư khoảng 60-70 tỉ đồng (gần bằng kinh phí vận chuyển rác về đất liền). Quan trọng hơn, ngoài việc giải quyết lượng rác tồn đọng cũng sẽ giải quyết được thêm lượng rác phát sinh hàng ngày sau đó tại Côn Đảo.

Sau khi tham quan, học tâp kinh nghiệm công tác xử lý CTR sinh hoạt tại Cần Thơ, Nam Định, Quảng Bình, các sở, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng lộ trình chuyển đổi phương án xử lý CTR sinh hoạt. Theo lộ trình này, UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Green HC khẩn trương đầu tư nhà máy đốt CTR sinh hoạt, thu hồi năng lượng với công suất xử lý khoảng 300 tấn/ngày và đưa nhà máy vào vận hành trong năm 2020. Sau khi nhà máy đốt đưa vào hoạt động, việc chôn lấp CTR sinh hoạt tại khu chôn lấp giai đoạn 1 của công ty sẽ được chuyển đổi thành khu để chôn lấp tro, xỉ không còn giá trị sử dụng sau phân loại và đốt. Còn Công ty TNHH Kbec Vina xây dựng lộ trình giảm tiếp nhận rác thải công nghiệp không nguy hại có nguồn gốc ngoài tỉnh, đồng thời đầu tư nhà máy đốt chất thải công nghiệp không nguy hại theo công nghệ hiện đại để giảm dần tỉ lệ chôn lấp, tiến tới thực hiện chôn lấp những chất thải không thể xử lý bằng các phương pháp khác.

Song song đó, tỉnh cũng kêu gọi đầu tư dự án xử lý chất thải với công suất 200-300 tấn/ngày trong khu xử lý chất thải tập trung 100ha Tóc Tiên theo mô hình phân loại và sản xuất biogas, phân bón hữu cơ.

Với lộ trình trên, dự kiến đến năm 2021 khi các dự án xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh chính thức đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh; chấm dứt việc chôn lấp CTR sinh hoạt có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.