Tăng cường giám sát các quỹ tín dụng nhân dân
Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) là cánh tay nối dài đắc lực để đưa nguồn vốn kịp thời tới dân nghèo, đồng thời hạn chế được tình trạng “tín dụng đen” hoành hành ở các vùng quê. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, QTDND cũng bộc lộ những yếu kém, hạn chế. Do đó, một trong những nhiệm trọng tâm năm 2019 của ngành ngân hàng là đẩy mạnh chấn chỉnh, củng cố hoạt động hệ thống này.
Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân là cánh tay nối dài đưa nguồn vốn kịp thời tới dân nghèo, đồng thời hạn chế được tình trạng “tín dụng đen” hoành hành ở các vùng quê. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại QTDND Bình Châu. |
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, DỊCH VỤ CHO VAY
Bà Phan Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh BR-VT cho biết: Toàn tỉnh hiện có 7 QTDND. Thời gian qua, hoạt động của các QTDND trên địa bàn tỉnh liên tục được củng cố, chấn chỉnh và phát triển theo định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước về loại hình tổ chức tín dụng là HTX. Tính đến đầu tháng 7/2019, tổng số thành viên của các quỹ gần 5.500 thành viên, tổng nguồn vốn hoạt động hơn 337 tỷ đồng, tăng hơn 54 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Nguồn vốn huy động từ khách hàng đạt gần 233 tỷ đồng, tăng 25,5 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Hoạt động của các QTDND trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm cho các thành viên QTDND; góp phần xóa đói giảm nghèo và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi tại khu vực nông thôn, ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương.
QTDND Bình Châu được thành lập năm 2006. Trong năm đầu đi vào hoạt động, quỹ chỉ thu hút 30 thành viên tham gia với số vốn hoạt động (cả điều lệ và huy động) là 500 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT quỹ cho biết: Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, từ khi đi vào hoạt động đến nay, quỹ thường xuyên giới thiệu sản phẩm dịch vụ bằng nhiều kênh khác nhau như phát tờ rơi, tuyên truyền trên loa phát thanh xã… Đồng thời, tăng cường chất lượng phục vụ, giải quyết hồ sơ vay vốn nhanh chóng, nghiên cứu đưa ra các sản phẩm vay phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của thành viên. Với những giải pháp trên, quỹ ngày càng quảng bá sâu rộng được hình ảnh cũng như các sản phẩm dịch vụ đang cung cấp. Chỉ trong trong 6 tháng đầu năm 2019, số dư huy động vốn đã đạt mức hơn 29 tỷ đồng, tăng 10,5 tỷ đồng; đạt 88,98% so với chỉ tiêu năm 2019. Dư nợ cho vay đến nay hơn 35,7 tỷ đồng.
Sau 8 năm đi vào hoạt động, QTDND Long Điền cũng được đánh giá là đơn vị hoạt động hiệu quả, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng về thủ tục vay vốn. Lợi nhuận sau thuế tại quỹ tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2017 đạt 848 triệu đồng, năm 2018 đạt hơn 1,3 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm đạt gần 1,1 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Hồng Phương, Chủ tịch HĐQT quỹ cho biết: Thông thường, một gói vay chỉ mất khoảng 2 ngày từ lúc nhận hồ sơ, thẩm định, quỹ sẽ giải ngân. Thủ tục cho vay công khai, hạn chế tiêu cực trong hoạt động cho vay.
Khách hàng giao dịch tại QTDND Liên phường Vũng Tàu. |
VẪN CÒN NHỮNG HẠN CHẾ
Theo đánh giá của NHNN - Chi nhánh BR-VT, trong thời gian qua, nhìn chung các QTDND hoạt động lành mạnh, hiệu quả, theo đúng mục đích tôn chỉ đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các QTDND cũng gặp không ít khó khăn. Hầu hết các QTDND hoạt động chủ yếu ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn, các thành viên vay vốn để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; kết quả hoạt động của QTDND bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thiên tai, dịch bệnh và giá cả thị trường, trong khi đó lại chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ rủi ro cho những thiệt hại trên. Theo ông Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT QTDND Bình Châu: Ngành nghề của người dân Bình Châu chủ yếu là đánh bắt, nuôi trồng thủy sản với quy mô nhỏ. Tại xã Hòa Hiệp, kinh tế chủ đạo là nông nghiệp, do đó hoạt động sản xuất của người dân 2 địa bàn trên phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, phát triển tự phát, giá cả bấp bênh. Là đơn vị hoạt động gắn liền với địa phương, QTDND Bình Châu cũng gặp những khó khăn và chịu ảnh hưởng lớn từ các yếu tố trên.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất một số QTDND hạn chế, lĩnh vực phát triển công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới để thực hiện một số sản phẩm dịch vụ như: giao dịch chuyển tiền, nhận tiền phục vụ công việc kinh doanh, buôn bán của các thành viên nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển an toàn, bền vững của quỹ.
Dư nợ của các QTDND tính đến đầu tháng 7/2019 hơn 294 tỷ đồng, tăng gần 56 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Nợ xấu hơn 2,6 tỷ đồng, giảm 4,6 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ 0,90% trên tổng dư nợ, giảm 2,14%. Trong đó có 1 QTDND không có nợ xấu là QTDND Phước Hải, 5/7 QTDND có tỷ lệ nợ xây dưới 3% là: QTDND Long Điền, QTDND Liên xã Xuyên Mộc, QTDND Hòa Bình, QTDND Liên phường Vũng Tàu và QTDND Bình Châu. 1 QTDND có tỷ lệ nợ xấu hơn 3% là QTDND Châu Đức. |
Ngoài yếu tố trên, cũng phải thừa nhận trong thời gian qua, Ban Kiểm soát của một vài quỹ hoạt động không hiệu quả, chưa phát huy được vai trò thay mặt Ban Thành viên giám sát hoạt động của quỹ dẫn đến thua lỗ. Điển hình là QTDND Châu Đức, tính đến đầu tháng 7/2019, quỹ này lỗ hơn 3,8 tỷ đồng, bằng 63,36 % so với vốn điều lệ. Hiện nay, QTDND Châu Đức đang được NHNN - Chi nhánh BR-VT thực hiện kiểm soát đặc biệt bằng hình thức “Giám sát đặc biệt”.
Bà Phan Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc NHNN - Chi nhánh BR-VT cho rằng, nhằm bảo đảm hoạt động của các QTDND phát triển ổn định, bền vững, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các sở, ngành tạo điều kiện hỗ trợ các quỹ trong việc giao, cho thuê đất để xây dựng trụ sở làm việc. Chỉ đạo kịp thời các cơ quan chức năng hỗ trợ các quỹ trong việc thu giữ, phát mãi, xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu, tháo gỡ khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu… Về phía NHNN sẽ tiếp tục giám sát hoạt động các quỹ, đồng thời đề nghị các QTDND phát huy nội lực để tăng nguồn vốn huy động tại chỗ, giảm nguồn vốn đi vay…
Bài, ảnh: PHAN HÀ