.

Truy xuất nguồn gốc trái cây việc cần làm ngay

Cập nhật: 10:41, 27/08/2019 (GMT+7)

Vừa qua, hàng trăm xe thanh long ùn ứ tại cửa khẩu Lào Cai do phía Trung Quốc siết chặt truy xuất nguồn gốc thanh long. Dù sau đó, thủ tục thông quan cho số thanh long này đã được giải quyết nhưng sự việc cũng cho thấy rõ, thị trường Trung Quốc không còn “dễ tính”, đòi hỏi DN, nông dân cần chú trọng đến việc gắn nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Thu hoạch thanh long tại ấp Trang Hạ, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc.
Thu hoạch thanh long tại ấp Trang Hạ, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc.

Thông tin hàng trăm container thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc “mắc kẹt” tại cửa khẩu Lào Cai khiến nhiều người trồng thanh long lo lắng. Ông Huỳnh Đơn (ấp 1, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) cho biết: “Thanh long của chúng tôi chủ yếu được thương lái thu mua để xuất sang thị trường Trung Quốc. Việc Trung Quốc siết chặt truy xuất nguồn gốc khiến chúng tôi rất lo lắng”.

Qua khảo sát, đa số nhà vườn trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá mập mờ về những yêu cầu mới khi xuất khẩu trái cây nói chung và thanh long nói riêng sang Trung Quốc. Ông Trần Đình Minh (ấp Trang Định, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc), người đang trồng 1ha thanh long cho biết: “Dù đã biết thông tin về việc Trung Quốc yêu cầu truy xuất nguồn gốc thanh long, tuy nhiên đa số bà con ở đây vẫn chưa thực hiện đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm”.

Theo bà Nguyễn Mỹ Lan, một thương lái chuyên thu mua thanh long thì thanh long trồng tại BR-VT sau khi được thu mua sẽ trung chuyển đến các tỉnh Long An, Bình Thuận, từ đó mới xuất khẩu. Điều này, khiến việc truy xuất nguồn gốc khó khăn.

Thương lái đóng gói xoài xuất khẩu tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.
Thương lái đóng gói xoài xuất khẩu tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.

Ông Trịnh Đức Toàn, Phó chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, trước đây, Trung Quốc được xem là một thị trường “dễ tính” với các loại nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay nước này đang siết chặt quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Đây là thách thức cho người trồng thanh long, một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Theo Bộ NN-PTNT, từ tháng 10/2019, Trung Quốc sẽ tăng cường áp dụng mẫu chứng thư truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Trên thực tế nhiều nông dân hiện vẫn chưa hiểu rõ về những quy định này, nên Chi cục đang phối hợp với các địa phương hỗ trợ các vùng trồng, HTX, tổ hợp tác và nhà vườn quy trình sản xuất, giải pháp về phòng chống dịch hại, sinh vật gây hại, ghi chép sổ nhật ký; đồng thời tiếp tục hướng dẫn họ làm hồ sơ để được cấp mã số xuất khẩu vào Trung Quốc.

Để phát triển có chọn lọc, tỉnh đã xây dựng quy hoạch phát triển 4 loại đặc sản của tỉnh gồm: nhãn 1.200ha, mãng cầu ta 1.000ha, bưởi da xanh 500ha; thanh long 300ha. Các loại trái cây này sẽ được hỗ trợ để xây dựng thương hiệu và thực hiện đầy đủ các quy trình truy xuất nguồn gốc, từ đó nâng cao giá trị không chỉ hướng tới Trung Quốc mà còn các thị trường lớn, tiềm năng khác.

Trên địa bàn tỉnh, hiện đã có nhiều loại trái cây như chuối, thanh long, nhãn… được các DN, HTX và nông dân xây dựng quy trình canh tác sạch đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và có truy  xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm thực hiện truy xuất nguồn gốc chưa nhiều. Theo ông Trịnh Đức Toàn, điều này chưa phù hợp với xu thế phát triển chung bởi chưa nói đến thị trường xuất khẩu, người tiêu dùng trong nước cũng đã dần quan tâm đến xuất xứ để an tâm về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, hiện nay, công nghệ cũng đã tiến bộ hơn nhiều nên việc xây dựng hệ thống truy xuất không phức tạp và tốn kém như trước. “Vì vậy, DN và nông dân tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện truy xuất nguồn gốc cho nông sản. Chi cục cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền về lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc đến nhà sản xuất, thương lái và người tiêu dùng; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện việc này”, ông Toàn thông tin thêm.

Bài, ảnh: PHÚ XUÂN

.
.
.