Đáp ứng nhu cầu về vốn cho người dân
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hàng ngàn hộ dân đã được tiếp cận nguồn vốn vay, qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Chị Trần Thị Toàn (bìa phải, buôn bán ở chợ Vũng Tàu) làm thủ tục nhận khoản vay ưu đãi 40 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm từ nguồn vốn do ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH. |
Theo định kỳ, ngày 26 hàng tháng, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP. Vũng Tàu về giao dịch tại UBND phường 2. Ngay từ sáng sớm, chị Trần Thị Toàn (buôn bán ở chợ Vũng Tàu) đã đến UBND phường 2 chờ làm thủ tục vay vốn. Hôm đó, chị Toàn đã được NHCSXH TP. Vũng Tàu giải ngân 40 triệu đồng trong chương trình giải quyết việc làm. Chị Toàn chia sẻ, chị buôn bán giày dép ở chợ Vũng Tàu. Do vốn ít nên hàng hóa không đa dạng, chất lượng thấp. “Với 40 triệu đồng vay từ NHCSXH, tôi sẽ bổ sung thêm nguồn hàng cho phong phú, nhất là các mặt hàng dành cho học sinh - sinh viên để phục vụ cho đầu năm học tới”, chị Toàn dự tính.
Theo bà Nguyễn Thị Yến Ngân, cán bộ NHCSXH TP. Vũng Tàu, thời gian qua, nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm nghèo, thoát nghèo bền vững, tạo việc làm cho người dân. “Ví như hôm nay chị Toàn được cho vay đúng lúc chị đang cần tiền để lấy thêm hàng, phục vụ nhu cầu mua sắm đầu năm cho học sinh - sinh viên”, chị Linh nói. Nguồn vốn giải ngân cho chị Toàn vay trong chương trình giải quyết việc làm được lấy từ vốn do tỉnh ủy thác cho NHCSXH.
Ông Trần Văn Thám, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: 5 năm qua, thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn ủy thác của tỉnh chuyển sang NHCSXH tăng hơn trước nên đã đáp ứng nhu cầu về vốn của người dân. Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách tỉnh qua 5 năm tăng 660 tỷ đồng, trong đó 6 tháng đầu năm 2019 tăng 105 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn nhận ủy thác của tỉnh đến thời điểm cuối tháng 6/2019 là 829 tỷ đồng. Nguồn vốn này chủ yếu tập trung cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo chuẩn tỉnh; hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức về tư tưởng và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể trong việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách xã hội, cũng như hoạt động của NHCSXH. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm hơn đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốt với NHCSXH trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn.
Để tiết giảm thời gian, chi phí đi lại của người vay, thực hiện dân chủ, công khai việc cho vay tín dụng chính sách, tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc quản lý vốn tín dụng- chính sách, NHCSXH tổ chức giao dịch tại xã, phường, thị trấn tối thiểu mỗi tháng 1 lần vào ngày cố định trong tháng (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật). Các điểm giao dịch xã công khai các văn bản về tín dụng chính sách của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, của NHCSXH và UBND tỉnh, danh sách các hộ vay…, để nhân dân và chính quyền địa phương biết, giám sát và thực hiện.
Theo NHCSXH tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã có 82/82 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn. Nhờ mạng lưới điểm giao dịch xã và hoạt động của tổ giao dịch xã nên đã có 90% giao dịch của NHCSXH với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được thực hiện thuận lợi ngay tại nơi họ cư trú.
Bài, ảnh: PHAN HÀ