.

Làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng

Cập nhật: 19:04, 08/07/2019 (GMT+7)

Ngày 8/7, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp Thường trực UBND tỉnh để cho ý kiến về một số nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa VI, gồm: Việc đánh bắt thủy, hải sản bằng hình thức tận diệt gây thiệt hại nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ; Vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong quản lý đất đai, quy hoạch đối với các dự án phân lô, bán nền tại địa phương; Trách nhiệm quản lý và xác nhận nghĩa vụ tài chính đối với các khu đất công của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; Báo cáo tình hình thực hiện các dự án đầu tư công 6 tháng đầu năm 2019.

Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có 2.202 tàu cá đánh bắt vùng ven bờ, vùng nội địa và 1.599 tàu hành nghề lưới kéo, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu đội tàu của tỉnh. Trong đó, các tàu cá hành nghề lưới kéo hoạt động ven bờ (cào bay) kéo dài từ vùng biển Bình Châu, Phước Hải đến mũi Kỳ Vân, TP. Vũng Tàu, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản. Hiện nay, tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp vì một số nguyên nhân như: Vùng ven bờ rộng nhưng lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát mỏng; các đối tượng manh động, chống đối và có các phương tiện liên lạc trốn tránh cơ quan chức năng… Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trình chỉ đạo Sở NN-PTNT cần nêu cụ thể những khó khăn, bất cập và thiếu sót trong công tác quản lý; phương hướng khắc phục trong thời gian tới để đưa vào báo cáo trong phiên trả lời chất vấn của HĐND tỉnh.

Liên quan đến vấn đề quản lý việc phân lô, bán nền trên địa bàn tỉnh, theo báo cáo của Sở TN-MT, Quyết định 23/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định đất nông nghiệp có quy hoạch phù hợp với đất ở được phép tách thửa có diện tích tối thiểu như đối với đất ở. Quy định này nhằm giúp các cá nhân giải quyết nhu cầu chính đáng như tặng, cho, thừa kế. Tuy nhiên, một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng để tách thửa đất nông nghiệp tràn lan, gây khó khăn trong công tác quản lý xây dựng. Do đó, Sở TN-MT đang tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản mới thay thế Quyết định 23/2017/QĐ-UBND; trong đó quy định chặt chẽ các trường hợp đất nông nghiệp được phân lô, tách thửa. 

Ông Nguyễn Văn Trình chỉ đạo Sở TN-MT trong văn bản giải trình gửi HĐND tỉnh cần nêu rõ được sự cần thiết của việc ban hành Quyết định 23/2017/QĐ-UBND; nguyên nhân của tình trạng phân lô, bán nền tràn lan; trách nhiệm của các sở, ngành địa phương trong việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng trong thời gian qua khi để xảy ra tình trạng trên và phương hướng khắc phục trong thời gian tới.

Đối với lĩnh vực đầu tư công, báo cáo của Sở KH-ĐT cho biết, tổng nguồn vốn ngân sách trong kế hoạch vốn năm 2019 các dự án tỉnh quản lý là 5.280,377 tỷ đồng/392 dự án; trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương giao là 79,989 tỷ đồng cho 3 dự án. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị giải ngân vốn tỉnh quản lý là 1.559,885 tỷ đồng, đạt 29,54% kế hoạch. Tiến độ giải ngân còn chậm và chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ quyết toán các dự án hoàn thành còn chậm. 

Về giải pháp khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Văn Trình đồng ý với quan điểm của Sở KH-ĐT gồm: Yêu cầu các ngành, địa phương, chủ đầu tư các dự án đầu tư công phải quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án theo tuyến như đường giao thông, kênh mương… phải thực hiện dứt điểm giải phóng từng đoạn. Các chủ đầu tư chỉ được tổ chức đấu thầu và triển khai thi công khi đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng trong phạm vi gói thầu. Các ngành, địa phương, chủ đầu tư cần kịp thời báo cáo UBND tỉnh xử lý những vướng mắc vượt thẩm quyền. Ngoài ra, các chủ đầu tư đôn đốc, phối hợp với các nhà thầu lập hồ sơ và quyết toán các dự án đã hoàn thành đảm bảo thời gian quy định…

Tin, ảnh: QUANG VINH

.
.
.