.

Di dời cơ sở chế biến hải sản vào khu sản xuất tập trung: Tháo gỡ các "điểm nóng" về ô nhiễm

Cập nhật: 19:10, 05/07/2019 (GMT+7)

Dự kiến, vào cuối năm 2019, 2 khu chế biến hải sản (CBHS) tập trung đầu tiên của tỉnh hoàn thành và đi vào hoạt động. Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh nhằm cụ thể hóa chủ trương di dời các cơ sở CBHS ra khỏi khu dân cư để thuận tiện trong kiểm soát về môi trường, thắp lên những hy vọng mới về giải quyết bài toán ô nhiễm đã đặt ra từ nhiều thập kỷ qua.

Nhiều cơ sở CBHS nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư đang gây ô nhiễm môi trường.  Trong ảnh: Một cơ sở chế biến cá khô trên địa bàn thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ).
Nhiều cơ sở CBHS nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư đang gây ô nhiễm môi trường. Trong ảnh: Một cơ sở chế biến cá khô trên địa bàn thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ).

CBHS ĐƯỢC ĐẦU TƯ ĐỒNG BỘ VỀ HẠ TẦNG

Nhận thấy những bất cập về quản lý môi trường từ hoạt động CBHS, từ năm 2006, BR-VT có chủ trương xây dựng các khu CBHS tập trung để di dời các cơ sở CBHS đang nằm rải rác trong khu dân cư. Vị trí xây dựng các khu CBHS tập trung được xác định là phải cách xa khu dân cư, chợ, trường học, nơi công cộng.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, việc lựa chọn vị trí xây dựng các khu CBHS tập trung khá khó khăn. Phải đến năm 2011, Sở NN-PTNT mới lựa chọn được 3 vị trí phù hợp ở Long Điền, Đất Đỏ và Xuyên Mộc để xây dựng khu CBHS tập trung. Đến nay, 2 khu CBHS tập trung tại Xuyên Mộc và Đất Đỏ đang triển khai xây dựng và đến hết năm nay sẽ hoàn thành.

Theo ông Đồng Nhật Bình, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đất Đỏ: Dự án khu CBHS tập trung xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) có diện tích 38,047ha với tổng mức đầu tư khoảng 240 tỷ đồng từ vốn ngân sách. Đáng chú ý là khu CBHS này có nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất 6.000m3/ngày đêm… “Đến nay dự án đã hoàn thành 70%. Dự kiến đến tháng 10/2019 công trình sẽ hoàn thành và có thể bàn giao cho Công ty Đầu tư và khai thác hạ tầng KCN Đông Xuyên và Phú Mỹ 1 (gọi tắt là Công ty IZICO), đơn vị quản lý và khai thác hạ tầng 2 khu CBHS tập trung huyện Xuyên Mộc và huyện Đất Đỏ. 

Khu CBHS tập trung xã Lộc An đã hoàn thành 70% hạ tầng kỹ thuật.
Khu CBHS tập trung xã Lộc An đã hoàn thành 70% hạ tầng kỹ thuật.

Trong khi đó, khu CBHS tập trung xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) nằm ở ấp Thèo Nèo, xã Bình Châu có diện tích 22ha, đường sá đã hoàn thiện, điện cao áp đã nối dài vào từng lô đất… Ông Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Xuyên Mộc cho biết, dự án hạ tầng kỹ thuật (HTKT) khu CBHS tập trung huyện Xuyên Mộc được UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 10/2013. Tính đến 31/12/2018, dự án đã hoàn thành 100% khối lượng công việc bao gồm các hạng mục: đường giao thông; cấp thoát nước; cấp điện; hạng mục nhà bảo vệ, cổng, bảng hiệu, đường dân sinh; nhà điều hành và các công trình phụ trợ hạ tầng kỹ thuật... Về năng lực xử lý nước thải, Nhà máy xử lý nước thải của khu CBHS tập trung xã Bình Châu có khả năng xử lý 1.300m3/ngày đêm và có thể tiếp nhận nguồn thải trực tiếp từ các nhà đầu tư thứ cấp, sau đó xử lý đạt chuẩn cột B trước khi thải ra môi trường. Ông Sơn thông tin thêm, hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu CBHS tập trung huyện Xuyên Mộc đã được UBND tỉnh ban hành quyết định 1540/QĐ-UBND về việc thành lập CCN. Công trình đã được Sở Xây dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành xây dựng. Do đó, ngày 24/6/2019, UBND huyện Xuyên Mộc đã có văn bản đề nghị IZICO tiếp nhận bàn giao công trình nói trên.

Khu CBHS tập trung còn lại tại huyện Long Điền dự kiến sẽ đầu tư tại khu vực ấp An Thạnh (xã An Ngãi), diện tích khoảng 20ha. Qua khảo sát thực tế và rà soát hồ sơ liên quan, khu đất này khá thuận lợi vì chủ yếu là đất công, gần cảng Lò Vôi và cách xa khu dân cư. Theo lãnh đạo huyện Long Điền, hiện đã khảo sát xong vị trí, địa điểm và lập dự án chờ UBND tỉnh phê duyệt kinh phí đầu tư.

ƯU TIÊN GIẢI QUYẾT CÁC “ĐIỂM NÓNG”

Theo báo cáo của Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh BR-VT có hơn 400 cơ sở CBHS, trong đó có 118 cơ sở sản xuất trong khu dân cư. Ông Nguyễn Dũng, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết, từ năm 2008 trở về trước, các cơ sở CBHS chủ yếu xử lý nước thải bằng phương pháp lắng lọc sơ bộ, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Từ năm 2009 đến nay, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về lĩnh vực môi trường nên các cơ sở đã đầu tư nhiều hơn trong khâu xử lý chất thải. Tuy nhiên, tình trạng gây ô nhiễm từ hoạt động CBHS vẫn rất phổ biến. Nhiều khu vực đã được xác định là những “điểm nóng” về ô nhiễm: khu vực tại xã Tân Hải (TX. Phú Mỹ), khu vực xã An Ngãi, Phước Hưng, Phước Tỉnh và khu phố Hải Hà (huyện Long Điền), khu vực phường 5, 10, 11 và 12 (TP.Vũng Tàu); khu vực cầu Cửa Lấp (huyện Long Điền và TP.Vũng Tàu).

Được biết, sau khi đưa vào hoạt động, 2 khu CBHS tập trung huyện Xuyên Mộc và Đất Đỏ sẽ ưu tiên di dời các cơ sở CBHS nằm trong danh sách điểm nóng. Riêng khu CBHS ở khu phố Hải Hà (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) và các khu CBHS thuộc khu vực Cửa Lấp, phường 11, 12 (TP. Vũng Tàu) phải chờ khu CBHS tập trung xã An Ngãi (huyện Long Điền) đi vào hoạt động.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đất Đỏ, trên địa bàn huyện có khoảng 70 cơ sở chế biến hải sản (tập trung tại xã Lộc An và thị trấn Phước Hải), hầu hết đều không được cấp phép hoạt động. Sắp tới đây, những cơ sở này sẽ di dời vào khu CBHS tập trung Lộc An. Qua khảo sát, đa phần các hộ sản xuất đều tán thành về chủ trương di dời. Ngoài các cơ sở CBHS trên địa bàn huyện, khu CBHS tập trung xã Lộc An cũng sẽ tiếp nhận thêm các cơ sở CBHS xã Tân Hải (TX. Phú Mỹ).

Còn lãnh đạo xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) cho biết, xã đang tập hợp danh sách các DN, hộ gia đình cá nhân đăng ký chuyển cơ sở sản xuất vào khu CBHS tập trung huyện Xuyên Mộc. Đối với những trường hợp nằm trong diện buộc phải di dời, xã đã thông báo, họp bàn để vận động các DN có kế hoạch chuẩn bị.

Hiện tại, mặc dù chưa bàn giao nhưng đã có 7 DN CBHS trên địa bàn huyện Đất Đỏ và xã Tân Hải (TX. Phú Mỹ) di dời vào khu CBHS tập trung xã Lộc An. Cũng tại khu CBHS tập trung này, đã có 33 hộ sản xuất nước mắm, cá khô nằm trong khu dân cư được chủ đầu tư bàn giao mốc ranh giới và nhận mặt bằng.

Hiện tỉnh đã xây dựng chương trình hỗ trợ di dời các cơ sở CBHS. Theo đó, các đơn vị, DN phải di dời sẽ được hỗ trợ tiền thuê đất, nhà xưởng tại địa điểm mới; hỗ trợ tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt nhà xưởng, thiết bị; hỗ trợ lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở mới; hỗ trợ người lao động trong thời gian ngừng sản xuất; chính sách sử dụng đất tại vị trí cũ; hỗ trợ 1 lần đối với cơ sở tự chấm dứt hoạt động sản xuất. Mỗi cơ sở sản xuất có cơ sở di dời chỉ được hỗ trợ 1 lần, trường hợp được ngân sách hỗ trợ từ quy định khác thì không được xem xét hỗ trợ theo chính sách này. Nguồn vốn hỗ trợ do ngân sách địa phương cân đối, các cơ sở sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ phải đúng mục đích, chế độ, chịu sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Như vậy sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng, những khu CBHS tập trung đầu tiên của tỉnh cũng đã được định hình. Dù chưa thể đáp ứng hết số lượng cơ sở CBHS (hơn 400 cơ sở trong toàn tỉnh) thì các khu CBHS cũng sẽ đem đến những hy vọng mới cho việc quản lý, giám sát môi trường từ hoạt động chế biến hải sản. 

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.