TP. Vũng Tàu: Khẩn cấp triển khai các giải pháp bảo vệ hàng cây cổ thụ
Tuyến đường Trương Công Định, TP. Vũng Tàu đang được thi công mở rộng. Trong khi đó dọc tuyến đường này có hàng cây cổ thụ với tuổi đời gần 100 năm. Mùa mưa bão đang đến gần, TP. Vũng Tàu gấp rút triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ hàng cây cổ thụ trên tuyến đường này nhằm hạn chế tối đa nguy cơ cây xanh gãy đổ, gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.
Trong quá trình thi công mở rộng đường Trương Công Định, một số cây xanh bị ảnh hưởng do đơn vị thi công đào đặt mương nước. |
Sự việc tối 26/6, khi một cây xà cừ cổ thụ bất ngờ bật gốc đổ sang phía bên kia đường làm hư hỏng mái của quán ăn số 71A, Trương Công Định đã khiến cho nhiều người dân sinh sống tại đây hết sức lo lắng. Theo phản ánh của người dân, phần đường phía hai bên hông của cây cổ thụ đã bị khoét rỗng, có thể do đơn vị thi công đào để xây dựng dự án mở rộng đường Trương Công Định, làm cây mất thăng bằng và đổ về hướng hố được đào khoét. Bà Nguyễn Thị Huệ (phường 3, TP. Vũng Tàu) cho biết, những hàng cây cổ thụ trên đường Trương Công Định và một số tuyến đường khác khu vực trung tâm thành phố được trồng từ những năm 1915-1920. Những hàng cây này là hình ảnh quá quen thuộc đối với hầu hết người dân thành phố. “Chúng tôi rất ủng hộ việc xây dựng mở rộng đường Trương Công Định và giữ lại hàng cây cổ thụ. Tuy nhiên, sự việc cây cổ thụ ngã đổ hôm 26/6 vừa qua khiến chúng tôi không khỏi lo lắng, liệu những cây cổ thụ khác trên tuyến đường này có bị gãy đổ nữa hay không?”.
Tiến sĩ Trương Thành Công, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật cũng cho rằng, việc đào sâu và đổ bê tông để xây bờ kè sát gốc cây sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây, làm cho sức liên kết của cây yếu dần.
Tuyến đường Trương Công Định hiện tại. |
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng 1 TP.Vũng Tàu, chủ đầu tư dự án mở rộng đường Trương Công Định, dự án này được khởi công từ tháng 10/2017. Đến nay dự án đã đạt 90% kế hoạch. Dự kiến trong tháng 7 này sẽ hoàn thành. Ông Quách Tiến Đạo, Phó Giám Đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng 1 cho biết, trên tuyến đường đang thi công có 64 cây xanh, trong đó có 29 cây cổ thụ (chủ yếu là cây xà cừ) có đường kính từ 0,5-1,5m, cao 12-15m. Trong quá trình thi công, đơn vị thi công (là Công ty CP công trình giao thông tỉnh) đã hạn chế tối đa việc làm ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng cây cổ thụ. “Thay vì đào mương thoát nước bằng máy thì chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công thực hiện bằng tay để tránh việc xâm lấn rễ lớn, rễ chính của cây. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn cho cây, chúng tôi cũng đã thay đổi thiết kế: Trước đây, theo thiết kế cống thoát nước đặt cống có chiều rộng 80cm thì nay chỉ đặt mương có chiều rộng 60cm”, ông Đạo nói.
Ông Nguyễn Trọng Thụy, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu cho biết thêm, chủ trương của chính quyền và nhân dân TP. Vũng Tàu đối với dự án mở rộng lộ giới đường Trương Công Định (đoạn từ đường Trần Đồng đến đường Quang Trung) là giữ lại hàng cây xà cừ cổ thụ 2 bên đường để tạo bóng mát và bảo tồn cảnh quan đô thị. Theo đó, hàng cây xà cừ cổ thụ nằm trong dải phân cách giữa làn ô tô và xe máy. Tuy nhiên, trên thực tế, một số cây trên đường Trương Công Định có tuổi đời khá cao (từ 80-100 năm tuổi), rễ cây yếu nên trong quá trình thi công có ảnh hưởng ít nhiều. “Ngay sau sự vụ một cây xà cừ bị ngã đổ trước số nhà 71A, Trương Công Định, chúng tôi đã tổ chức rà soát và đánh giá lại hiện trạng của hệ thống cây cổ thụ trên tuyến đường này. Đến nay, về cơ bản cây vẫn tồn tại và sinh trưởng tốt”, ông Thụy cho biết.
Dự án mở rộng đường Trương Công Định (đoạn từ đường Trần Đồng đến Quang Trung) được UBND TP. Vũng Tàu phê duyệt tại Quyết định số 3403/QĐ-UBND ngày 26/8/2013. Theo đó, đoạn mở rộng đường Trương Công Định có tổng chiều dài 673m, chiều rộng hơn 21m, gồm 2 làn xe ô tô, 2 làn xe 2 bánh, dải phân cách và vỉa hè 2 bên. Tổng mức đầu tư công trình hơn 60 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. |
Theo Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu, để bảo đảm an toàn cho hệ thống cây xanh ở tuyến đường này, đặc biệt là trong mùa mưa bão, TP. Vũng Tàu đã triển khai khẩn cấp các giải pháp như: tăng chất dinh dưỡng cho cây, bón thêm phân hữu cơ, cắt tỉa cành nhánh, hạ thấp độ cao đồng thời nghiên cứu thêm phương pháp truyền dịch cho cây nếu cần thiết. Trong khi đó, nhiều người dân sinh sống dọc tuyến đường này lo ngại rằng, việc bón phân, truyền dịch cũng chỉ là giải pháp tình thế. Trên thực tế, nếu rễ cây đã bị cắt xén do trong quá trình thi công mở rộng tuyến đường thì độ bám của cây sẽ rất nông, sức liên kết kém và vẫn không tránh khỏi nguy cơ ngã đổ.
Bài, ảnh: MINH TÂM