Tập trung thúc đẩy sản xuất công nghiệp
6 tháng đầu năm 2019, các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh duy trì đà tăng trưởng, riêng lĩnh vực sản xuất công nghiệp chưa đạt kế hoạch. Do vậy, ngành công thương đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh nhằm đạt chỉ tiêu kế hoạch trong những tháng cuối năm.
Ngành công thương đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp 9,11%. Trong ảnh: Sản xuất thép tại Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ I, TX. Phú Mỹ). |
Theo báo cáo của Sở Công thương, 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (trừ dầu thô và khí đốt) ước tăng 8,51% so với cùng kỳ, thấp hơn so với chỉ tiêu kế hoạch (9,11%). Nguyên nhân là do ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,97% (Trung tâm điện lực Phú Mỹ bảo trì tổ máy phát điện nên sản lượng điện sản xuất ước giảm 1,01%); khí hóa lỏng chỉ tăng nhẹ 0,7% do Tổng Công ty Khí Việt Nam có 2 sản phẩm khí giảm (khí condensate và khí khô) bởi sản lượng khai thác giảm. Mặt khác, Nhà máy Đạm Phú Mỹ bảo trì, ngưng sản xuất trong 2 tháng nên sản lượng sản xuất phân đạm giảm 34,93%. Ngoài ra, các DN đóng tàu, sửa chữa giàn khoan (chiếm tỷ trọng 8,67 % trong giá trị sản xuất công nghiệp chế biến và chế tạo) không có đơn hàng.
Tuy nhiên, một số ngành sản xuất chế biến chế tạo lại duy trì đà tăng trưởng, với mức tăng 10%. Các DN dệt may, da giày đã có đơn hàng hết quý III, thậm chí cả năm 2019. Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực đang tạo ra sức hút lớn về đơn hàng cho ngành dệt may và da giày. Đây là những yếu tố thuận lợi giúp thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới. Riêng ngành may mặc, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 434,52 triệu USD, tăng gần 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH May mặc Bà Rịa cho biết, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt 1,77 triệu USD, tăng 7,1 lần so với cùng kỳ năm 2018. Hiện tại, các đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết đến tháng 12/2019, với thị trường xuất khẩu chính là Đức và một số nước khác.
Với sản phẩm thép, do nhu cầu xây dựng tăng cao, thị trường xuất khẩu ổn định nên hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành này có nhiều thuận lợi. Sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực, cánh cửa xuất khẩu vào các thị trường lớn càng rộng mở hơn. Ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực - Điều hành Tập đoàn Hoa Sen cho biết: 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Hoa Sen đã xuất khẩu khoảng 360 ngàn tấn thành phẩm, tăng 20% so với cùng kỳ. Đây là những dấu hiệu khởi sắc mở ra nhiều triển vọng mới cho kênh xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen nói riêng và ngành thép nói chung trong năm 2019. Đại diện Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam cũng cho biết, dù mới đưa sản phẩm ra mắt tại thị trường vào tháng 3/2019, nhưng công ty đã xuất khẩu thành công 15 ngàn tấn thép, trị giá hơn 12 triệu USD sang thị trường Mỹ. Theo kế hoạch, năm 2019 DN này sẽ sản xuất và cung cấp cho thị trường 1 triệu tấn thép các loại.
Theo nhận định của Sở Công thương, 6 tháng đầu năm mục tiêu tăng trưởng lĩnh vực sản xuất công nghiệp chưa đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, với việc 15 DN đi vào hoạt động, tạo ra các sản phẩm mới (đóng góp khoảng 14% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp), mục tiêu tăng trưởng 9,11% là hoàn toàn có thể đạt được. Do đó, để đồng hành, hỗ trợ DN, từ nay đến cuối năm, ngành công thương sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN. Đồng thời, ngành tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường tập huấn, phổ biến đến cộng đồng DN Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt cơ hội, vượt qua những thách thức để hội nhập đạt hiệu quả.
“Sở Công thương cũng sẽ đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của các DN để có giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các cụm công nghiệp đã được phê duyệt để sớm đưa DN vào hoạt động; tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp; phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất”, bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết thêm.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN