Từ bỏ thói quen dùng túi ni lông!
* 7-8% rác thải phát sinh tại BR-VT là túi ni lông, tương đương khoảng 80 tấn mỗi ngày
Tại BR-VT, mỗi ngày phát sinh khoảng gần 800 tấn rác sinh hoạt, trong đó tỷ lệ túi ni lông chiếm khoảng 7-8%. Tuy nhiên hiện nay, BR-VT chưa có công nghệ xử lý hoặc tái chế túi ni lông nên nguy cơ ô nhiễm càng cao.
Mỗi một lần ra chợ, nhiều người sẽ mang về rất nhiều túi ni lông và sau đó sẽ xả thải ra môi trường. Trong ảnh: Người dân mua rau củ tại chợ Côn Đảo. |
TÚI NI LÔNG XUẤT HIỆN KHẮP NƠI
Tại một tiệm xôi nhỏ bên vỉa hè đường Hoàng Văn Thụ, TP. Vũng Tàu, một thùng hộp xốp đựng xôi để ngay cạnh, khi có khách mua, chủ tiệm lấy xôi bỏ trong hộp và cho vào túi ni lông rồi đưa cho khách mang đi. Theo chủ tiệm xôi, mỗi ngày chị sử dụng đến 50-70 cái hộp xốp và túi ni lông. Tất cả các loại hộp xốp và túi ni lông này đều xếp vào nhóm nhựa khó phân hủy, tác hại đến môi trường.
Thực tế, việc sử dụng túi ni lông hiện nay đang là một thói quen phổ biến và ít ai nghĩ đến việc từ bỏ thói quen này. Theo chị Nguyễn Thị Cẩm Hằng, tiểu thương chợ Côn Đảo, do túi ni lông tiện lợi, giá rẻ nên chị vẫn sử dụng túi ni lông để đựng rau, củ, quả cho khách. Trung bình mỗi ngày chợ, chị Hằng sử dụng 30-50 túi ni lông lớn nhỏ khác nhau. Những hôm bán chạy, chị phải dùng đến cả trăm túi ni lông. Để tiện cho việc buôn bán, chị Hằng thường mua túi ni lông đóng gói, mỗi gói 50-550 chiếc, giá từ 15.000-40.000 đồng/kg tùy kích cỡ túi.
7-8% lượng chất thải rắn sinh hoạt thải ra là túi ni lông. Trong ảnh: Túi ni lông chất đầy tại bãi rác Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc). Ảnh: QUANG VŨ |
Túi ni lông là “thủ phạm” nguy hiểm gây ô nhiễm môi trường. Có thể thấy rõ điều này vì ở đâu có rác ở đó hầu như đều có túi ni lông. Túi ni lông với đủ các kích cỡ, màu sắc nằm xen lẫn trong các loại rác thải, phế thải. Có mặt tại bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt của Công ty TNHH Kbec Vina (xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ), mỗi ngày có 700 tấn rác được đưa về đây xử lý. Trong đó theo thống kê của Sở TN-MT, 7-8% lượng chất thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh là túi ni lông. Theo Trung tâm Quản lý các khu xử lý chất thải tỉnh BR-VT, hiện nay, tại BR-VT chưa có công nghệ tái chế túi ni lông. Trong khi đó, BR-VT cũng chưa thực hiện được việc phân loại rác tại nguồn, do đó, túi ni lông vẫn được chôn lấp chung với các loại rác thải khác.
GIẢI PHÁP THAY THẾ TÚI NI LÔNG
Qua khảo sát cho thấy, hầu hết người tiêu dùng đều biết đến tác hại của túi ni lông, nhưng người tiêu dùng vẫn còn sử dụng rất nhiều túi ni lông bởi giá thành rẻ và tiện lợi. Trong khi đó, túi tự hủy, túi thân thiện môi trường đã được Nhà nước vận động, khuyến khích DN sản xuất nhưng hiện trên thị trường vẫn còn chưa phổ biến. Hầu hết người tiêu dùng đều cho rằng, việc hạn chế sử dụng túi ni lông là rất cần thiết, nhưng việc tìm nguồn túi thân thiện với môi trường với mức giá vừa túi tiền vẫn còn khó khăn.
Qua khảo sát cho thấy, giá thành của các loại túi tự hủy thân thiện môi trường luôn cao hơn nhiều so với túi ni lông thông thường, do phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, từ máy móc công nghệ cho đến nguyên liệu sản xuất. Nếu túi ni lông thông thường có mức giá từ 20.000-40.000 đồng/kg thì túi tự hủy có mức giá cao hơn 10-20%.
Ngày 29/5, UBND tỉnh tại Quyết định số 1334/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phong trào “Chống rác thải nhựa” được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái. |
Theo các chuyên gia, để khuyến khích người dân sử dụng túi thân thiện với môi trường, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Nhà nước cần áp thuế cao đối với các loại túi ni lông khó phân hủy và có chính sách hỗ trợ, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất túi thân thiện môi trường. Khi giá thành túi thân thiện với môi trường giảm thì người dân sẽ tự chuyển đổi và nói không với túi ni lông.
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, ngoài việc kêu gọi người dân sử dụng túi dễ phân hủy, tỉnh cũng kêu gọi người dân sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường (như vải, túi giấy, túi lưới, làn nhựa…) và các sản phẩm từ thủy tinh, sứ thay thế dần túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần.
Bài, ảnh: QUANG VŨ