Thị trường nguy cơ thiếu nguồn cung thịt heo
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, theo dự báo của Bộ Công thương, nguồn cung thịt heo sẽ bị thiếu trong thời gian tới, đặc biệt là dịp cuối năm. Do đó, giải pháp cấp bách nhất và cũng là thực tế nhất vào lúc này chính là cấp đông thịt heo để dự trữ, bảo đảm nguồn cung.
Ông Lê Anh Duy, ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức chăm sóc đàn heo. |
Tính đến thời điểm này, BR-VT là một trong số ít tỉnh còn lại chưa xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Đây là thành công lớn, có được nhờ những biện pháp kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chức năng, trang trại và người chăn nuôi. Dù chưa có dịch nhưng theo nhận định của cơ quan chức năng, khả năng thiếu nguồn cung thịt heo vào cuối năm là rất lớn. Nguyên nhân là lượng heo xuất chuồng đã tiêu thụ hết trong khi người chăn nuôi rất ngần ngại, e dè tái đàn.
Ông Lê Anh Duy (ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức), người đang nuôi 5 heo nái và 50 heo thịt cho biết, những ngày qua, giá heo hơi đang có xu hướng tăng lên, hiện ở mức 38-40 ngàn đồng/kg, tăng 8-10 ngàn đồng so với vài tuần trước. Với giá này, trừ chi phí, nông dân đã có lãi khoảng 3-4 ngàn đồng/kg. Giá heo hơi tuy có tăng nhưng không đủ lực hút để người chăn nuôi có ý định tăng đàn. Ông Duy cho biết: “Hiện nay, vẫn đang là cao điểm của dịch tả heo châu Phi, nên tái đàn vào thời điểm này nguy cơ rất cao. Bên cạnh đó, giá heo có xu hướng nhích lên từ nay đến cuối năm cũng khiến giá heo giống và thức ăn chăn nuôi tăng theo. Thậm chí, nhiều hộ muốn tái đàn cũng không thể vì thiếu nguồn cung heo giống dù đã chấp nhận trả giá cao. Vì vậy, tôi cũng giống một số hộ chăn nuôi khác chỉ tập trung nuôi số heo hiện có”.
Theo ông Giao Văn Sỹ, Trưởng phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, thông thường, từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm là thời điểm bà con chăn nuôi tái đàn phục vụ thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay, dịch tả heo châu Phi đang “hoành hành” cả nước. Dù BR-VT chưa phát hiện dịch nhưng cũng khiến các hộ chăn nuôi và cả các trang trại ngần ngại tái đàn. Hiện nay, so với tháng trước, tổng đàn heo của tỉnh đã giảm xuống 45-50 ngàn con, chỉ còn khoảng 360 ngàn con. “Lo nhất là tỉnh xuất hiện dịch tả heo châu Phi khiến tổng đàn giảm mạnh, nguồn cung cấp thịt giảm đột biến. Kể cả trong trường hợp BR-VT thành công trong phòng dịch, khả năng cuối năm vẫn sẽ xảy ra tình trạng cung không đủ cầu…”, ông Sỹ nói thêm.
Lượng người mua thịt heo ở các chợ giảm mạnh trước thông tin về dịch tả heo châu Phi lây lan rộng. Trong ảnh: Người dân mua thịt heo tại chợ Rạch Dừa. Ảnh: ĐÔNG HIẾU |
Theo Bộ NN-PTNT, vấn đề mầm bệnh còn đang tiếp tục phát tán, do vậy các nhà chế biến thịt heo làm thực phẩm phải mua ngay những đàn heo đến tuổi xuất chuồng khỏe mạnh và giết mổ; sau đó cấp đông, tích trữ để bình ổn vào dịp cuối năm.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, dịch tả heo châu Phi là thách thức lớn nhưng mặt khác, cũng là cơ hội để thay đổi thói quen dùng thịt của người tiêu dùng. Theo thống kê, tỷ lệ tiêu thụ thịt của Việt Nam lên đến 65%-70% là heo, 20%-25% gia cầm, còn lại là thịt gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê…). Trong thời điểm người tiêu dùng đang lo ngại, không còn ưa chuộng thịt heo nên đã chuyển sang sử dụng một số loại thịt khác. Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: “Theo nghiên cứu, hàm lượng dinh dưỡng trong các loại thịt bò, gà, vịt tốt hơn thịt heo. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi gà dễ quản lý việc tăng giảm tổng đàn bởi thời gian nuôi ngắn (1,5 tháng so với 6 tháng của heo). Ảnh hưởng của ngành chăn nuôi một số loại động vật khác lên môi trường cũng ít hơn nhiều so với ngành nuôi heo. Do đó, các nước có ngành chăn nuôi phát triển thì heo chỉ chiếm 20-25% trong tổng đàn. Vì vậy, nếu việc chuyển đổi tỷ lệ sử dụng thịt này kéo dài và trở thành thói quen của người tiêu dùng sẽ là dấu hiệu tốt cho ngành chăn nuôi”.
Bài, ảnh: QUANG VINH