Xuất khẩu tăng trưởng nhờ Hiệp định CPTPP
Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh tiếp tục giữ đà tăng trưởng. Theo đánh giá của ngành công thương, kết quả này là nhờ các DN đã tiếp cận được các thị trường mới, đặc biệt là tận dụng được cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Công nhân Công ty CP Binon ca cao chế biến chocolate tại xưởng. |
XUẤT KHẨU KHỞI SẮC
Ông Đào Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tứ Hải (78, Phước Thắng, TP. Vũng Tàu) cho biết, so với năm trước, thị trường xuất khẩu năm 2019 khởi sắc hơn. Các đơn hàng xuất khẩu ổn định và có sự tăng trưởng, công nhân phải tăng ca liên tục để kịp giao hàng. Tính đến hết tháng 5/2019, công ty đã xuất sang thị trường Australia và Nhật Bản khoảng 400 tấn sản phẩm hải sản các loại, kim ngạch đạt khoảng 3 triệu USD. Dự kiến cả năm 2019, công ty sẽ xuất khẩu 2.000 tấn thành phẩm, kim ngạch xuất khẩu 10 triệu USD, tăng 2 triệu USD so với năm 2018. “Để bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất, công ty đã thu mua từ một số tỉnh, thành trong nước và nhập thêm 2.000 tấn nguyên liệu từ thị trường Australia, Indonesia. Ngoài ra, công ty cũng đang đầu tư xây dựng kho lạnh 500 tấn để dự trữ nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh của DN”, ông Đào Quốc Tuấn nói.
Công nhân Công ty TNHH May mặc Thăng Long kiểm tra các sản phẩm túi xách, vỏ gối xuất khẩu tại xưởng. |
Công ty CP Binon ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức) cũng đã xuất khẩu được các sản phẩm bột ca cao, chocolate cùng nhiều sản phẩm từ hạt ca cao sang Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan… Tính đến tháng 6/2019, công ty đã xuất khẩu gần 100 tấn ca cao hạt và các sản phẩm làm từ ca cao. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 30-40% so với cùng kỳ năm 2018. Ông Trịnh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, hiện công ty không đủ hạt ca cao để cung cấp cho các thị trường mới. Dự kiến năm 2019, công ty chế biến và xuất khẩu khoảng 300 tấn ca cao, tăng 60% so với năm 2018, kim ngạch tăng khoảng 30-40%. “Công ty chú trọng phát triển các dòng sản phẩm tinh chế như bột ca cao, bơ ca cao, rượu ca cao, chocolate. Ngoài thị trường truyền thống, công ty đang đàm phán với đối tác Pháp, Mỹ để cung cấp hạt ca cao. Nếu thành công, mỗi năm công ty sẽ cung cấp cho 2 thị trường này 100 tấn ca cao”, ông Trịnh Văn Thành cho biết thêm.
Còn tại Công ty TNHH May mặc Thăng Long, năm 2019, ngoài thị trường nội địa, DN cũng đã xuất khẩu được các đơn hàng sang thị trường Malaysia, Đài Loan, Nga, Mỹ. 6 tháng đầu năm 2019, công ty đã xuất khẩu được hơn 10 ngàn sản phẩm các loại, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 44 ngàn USD, dự kiến cả năm kim ngạch sẽ tăng 5-10% so với năm 2018. “Công ty đang nỗ lực tiếp cận các thị trường là thành viên Hiệp định CPTPP. Đây là thị trường tiềm năng, đòi hỏi chất lượng cao, nhưng nếu xuất khẩu được vào các thị trường này, DN sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh do các ưu đãi của hiệp định”, ông Lê Hoàng Phong, phụ trách xuất nhập khẩu công ty cho biết.
TẬN DỤNG CƠ HỘI TỪ CPTPP
Theo đánh giá của ngành công thương, tình hình xuất khẩu từ đầu năm đến nay đang có nhiều tín hiệu tích cực và với đà này, việc hoàn thành chỉ tiêu trong năm 2019 (hơn 4,94 tỷ USD) là trong “tầm tay”. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng là do nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân trên thế giới tăng cao, sức tiêu thụ các mặt hàng phục vụ cho các kỳ nghỉ lễ, vui chơi hè như túi xách, ví, ba lô, mũ tăng mạnh. Các mặt hàng phục vụ cho sản xuất CN-TTCN như quặng sắt, sắt, thép vụn, xơ sợi, nguyên liệu dệt may… trên thế giới tăng mạnh cả lượng và giá, kéo theo kim ngạch xuất khẩu tăng. Có thể kể đến sự tăng trưởng của các DN như: Công ty TNHH Polystyrene tăng 157,85%; Công ty TNHH Hy Vọng tăng 119,25%; Công ty TNHH Thép SMC tăng 144,58%; Công ty TNHH CS Wind Việt Nam tăng 193,35%...
Công nhân Công ty TNHH Tứ Hải chế biến cá đục khô xuất khẩu. |
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, bên cạnh những yếu tố về nhu cầu, giá cả, những tác động từ CPTPP cũng đã giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước nói chung, BR-VT nói riêng có sự tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, hầu hết các mặt hàng xuất sang Nhật Bản đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Nhật Bản cũng đã cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam theo Hiệp định CPTPP. Bên cạnh đó, với 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) là Việt Nam - Nhật Bản và ASEAN - Nhật Bản, một số mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản cũng được xóa bỏ rào cản thuế quan.
Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Baseafood cho biết, năm 2019 tình hình xuất khẩu của công ty có nhiều thuận lợi hơn do nhu cầu của thị trường thế giới tăng, các đơn hàng xuất khẩu cũng nhiều hơn. Thêm vào đó, tận dụng các ưu đãi từ CPTPP, công ty tiếp tục phát triển thị trường, tăng sức cạnh tranh. Nếu như trước đây nguồn nguyên liệu nhập từ Newzealand, Australia để chế biến sản phẩm xuất sang Nhật đều bị đánh thuế cao thì hiện nay, thuế xuất khẩu vào các nước thuộc CPTPP giảm về 0%. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc DN giảm chi phí đầu vào, hàng hóa có sức cạnh tranh cao hơn.
Cùng quan điểm, ông Đào Quốc Tuấn cũng cho rằng, CPTPP đã giúp DN xuất khẩu nói chung, DN ngành thủy sản nói riêng gỡ được các rào cản về thuế quan trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Tại Công ty TNHH Tứ Hải, trước đây các lô hàng xuất đi Nhật đều phải chịu thuế 10% thì nay đều được miễn thuế. Tuy nhiên, để được hưởng những ưu đãi đó, DN phải tuân thủ các điều kiện của CPTPP, trong đó có nguyên tắc bảo đảm xuất xứ hàng hóa.
Dự kiến 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh (trừ dầu thô) ước đạt 2,17 tỷ USD, tăng 12,59% so với cùng kỳ. Khối DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu thô) khi đạt 1,22 tỷ USD (66,13%); DN 100% vốn trong nước đạt 625,89 triệu USD, chiếm 33,87% và tăng 48,52%. |
Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết, nhằm giúp các DN xuất khẩu tận dụng được các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ cho DN, đặc biệt là hỗ trợ DN nâng cao năng lực sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, ngành sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, tổ chức hoạt động cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho DN xuất nhập khẩu.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU