.

Ngân hàng tăng độ phủ mạng lưới vùng nông thôn

Cập nhật: 16:57, 05/05/2019 (GMT+7)

Trong thời gian qua, hệ thống các ngân hàng đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô hoạt động và chất lượng tín dụng. Nhiều ngân hàng được cấp phép mở rộng mạng lưới, thêm điểm giao dịch tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, nhất là ở các vùng nông thôn. Qua đó, gia tăng độ phủ thương hiệu, tiếp cận những khách hàng mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi nạn tín dụng đen.

Khách hàng giao dịch tại BIDV Long Sơn.
Khách hàng giao dịch tại BIDV Long Sơn.

Đua nhau mở mạng lưới

Ông Hoàng Việt Cường, Giám đốc Khối kinh doanh Nam A Bank cho biết: Từ cuối năm 2018 đến giữa 2019, Nam A Bank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho mở mới 35 đơn vị kinh doanh trên toàn quốc.  Riêng tại BR-VT, năm 2019, Nam A Bank mở rộng 3 phòng giao dịch ở Châu Đức, TX. Phú Mỹ, Bà Rịa. Trong đó, phòng giao dịch Châu Đức đã đi vào hoạt động tháng 1 vừa qua. 2 phòng giao dịch còn lại sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới.  

Hệ thống BIDV năm 2018 cũng mở thêm 17 điểm giao dịch trong cả nước. Tại BR-VT, hệ thống BIDV cũng mở rộng thêm phòng giao dịch tại một số địa phương trong tỉnh như: Long Sơn,  TP. Vũng Tàu…. Mới đây nhất, cuối tháng 4 vừa qua, ngân hàng BIDV, chi nhánh Bà Rịa đã khai trương phòng giao dịch tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (TX. Phú Mỹ). 

Không riêng gì hệ thống ngân hàng BIDV, Nam A bank, mà qua khảo sát tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong vài năm gần đây cho thấy, các ngân hàng đã chú trọng đến việc mở rộng mạng lưới hoạt động, gia tăng độ phủ thương hiệu, tiếp cận những khách hàng mới. Chẳng hạn như Sacombank mở thêm phòng giao dịch Đất Đỏ, TP. Vũng Tàu…,  Kienlongbank mở rộng thêm phòng giao dịch Long Điền.

Ngân hàng mở rộng mạng lưới mạnh nhất trong năm qua phải kể đến HDBank. Năm 2018, ngân hàng này đã hoàn tất mở mới 45 chi nhánh, phòng giao dịch, nâng tổng số điểm giao dịch lên 285 điểm. Số lượng điểm giao dịch tài chính tiêu dùng cũng tăng thêm 2.323, đạt 13.825 điểm giao dịch, dẫn đầu toàn ngành tài chính tiêu dùng về quy mô mạng lưới. Riêng tại BR-VT, HDBank có tổng cộng 6 chi nhánh và phòng giao dịch được đặt tại 4 huyện, thành phố là: TP. Vũng Tàu, Châu Đức, TP. Bà Rịa, Long Điền. Với tiềm lực tài chính vững mạnh,  HDBank đã trở thành một trong số rất ít ngân hàng được NHNN phê chuẩn kế hoạch mở mới 23 chi nhánh, phòng giao dịch trong năm 2019. 

Đầu tư nhiều hơn về địa bàn nông thôn 

Khảo sát các điểm giao dịch của các ngân hàng trong thời gian gần đây cho thấy, các ngân hàng hướng việc mở rộng mạng lưới về vùng nông thôn. Xu hướng này cũng nằm trong chủ trương của NHNN là nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ ngân hàng của tổ chức tín dụng và khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân vùng nông thôn.

Nếu nói về mạng lưới rộng khắp, thì Agribank chiếm ưu thế nhất trên thị trường hiện nay, nhất là vùng nông thôn. Trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, Agribank tiếp tục dẫn đầu về số lượng 2.200 điểm giao dịch trên cả nước.

Với độ phủ rộng, Agribank cũng là ngân hàng có tổng tài sản, dư nợ cho vay và tiền gửi lớn nhất trong hệ thống. Tuy nhiên, không vì thế mà ngân hàng này không cạnh tranh về các dịch vụ khác. Điển hình, cuối năm 2018, Agribank đã đưa vào hoạt động điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, thực hiện trên địa bàn thị trấn Long Hải. Điểm giao dịch lưu động này cung cấp các dịch vụ: Tín dụng, tiếp nhận và hướng dẫn hồ sơ vay vốn, cho vay cầm cố sổ tiết kiệm do Agribank phát hành, thu nợ, thu lãi các món vay của cá nhân thuộc địa bàn hoạt động, chi trả kiều hối, các dịch vụ ngân hàng trên điện thoại, internet…Ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Agribank- Chi nhánh Long Điền cho biết: Việc mở điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng nhằm cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn, vùng sâu - vùng xa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi nạn tín dụng đen. 

Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, hiện nay 65% dân số Việt Nam sinh sống ở vùng nông thôn. Trước đây, các ngân hàng chỉ tập trung mở chi nhánh ở các thành phố lớn, tạo khoảng trống ở vùng nông thôn nên việc tiếp cận với dịch vụ ngân hàng khó khăn. Sự phát triển mạnh mẽ mạng lưới hoạt động của các ngân hàng về các vùng nông thôn không chỉ tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng- tài chính tiêu dùng hiện tại, tiết kiệm được chi phí mà còn góp phần đầy lùi tín dụng đen. 

Bài, ảnh: PHAN HÀ

.
.
.