.
HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG:

Cấp bách bảo vệ môi trường các hồ cấp nước sinh hoạt

Cập nhật: 15:56, 03/05/2019 (GMT+7)

Hiện nay, các hồ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đang đối mặt nhiều nguy cơ ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất… Việc bảo vệ môi trường tại các hồ cấp nước là vấn đề cấp bách nhằm cung cấp nguồn nước sạch, an toàn cho hàng triệu người dân.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát ô nhiễm môi trường tại trại chăn nuôi bò Anh Khải Ký (xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) - trang trại có nguy cơ gây ô nhiễm hồ Sông Hỏa (tháng 1-2019).
Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát ô nhiễm môi trường tại trại chăn nuôi bò Anh Khải Ký (xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) - trang trại có nguy cơ gây ô nhiễm hồ Sông Hỏa (tháng 1-2019).

NHIỀU NGUY CƠ GÂY Ô NHIỄM

Con đường sâu hun hút của xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) dẫn chúng tôi đến đầu nguồn hồ chứa nước sông Ray. Buổi trưa, trời nắng như đổ lửa, nhưng trên lô đất rộng hàng chục ha trên gò đồi hồ sông Ray, những người nông dân vẫn chăm chỉ làm việc. Cách hồ sông Ray khoảng hơn 100m, nhiều người trồng dưa hấu đang phun xịt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho những luống dưa chừng 2-3 tuần tuổi. Xung quanh, nhiều chai, lọ, bao bì thuốc BVTV vứt ngổn ngang. Anh Nguyễn Duy Dũng (xã Bình Giã, huyện Châu Đức) cho biết, anh cùng một số hộ dân thuê đất của người dân xã Lâm San để trồng dưa, mỗi năm 2 vụ. Để phòng chống sâu bệnh, mỗi vụ dưa, anh thường phun xịt các loại thuốc trừ sâu 5-6 lần.

Hồ chứa nước sông Ray có diện tích hơn 2.532ha, nằm trong địa phận xã Sơn Bình (huyện Châu Đức) và các xã Hòa Bình, Bàu Lâm, Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc) và một phần huyện Cẩm Mỹ. Với dung tích 215 triệu m3, hồ sông Ray có chức năng cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Việc các hộ dân sử dụng thuốc BVTV phun xịt rau màu khiến thuốc có nguy cơ thấm vào lòng đất và ảnh hưởng đến nguồn nước hồ sông Ray.

Cán bộ kỹ thuật Công ty CP Cấp nước BR-VT lấy mẫu nước ở hồ Đá Đen để xét nghiệm. Ảnh: QUANG VŨ
Cán bộ kỹ thuật Công ty CP Cấp nước BR-VT lấy mẫu nước ở hồ Đá Đen để xét nghiệm. Ảnh: QUANG VŨ

Bên cạnh đó, các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh còn đối mặt nguy cơ ô nhiễm từ các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều trang trại chăn nuôi chỉ cách các hồ chứa nước như: hồ sông Hỏa, sông Kinh (huyện Xuyên Mộc) khoảng 100m; ao chứa nước thải cách sông, suối, mương dẫn nước tự nhiên từ 5-10m. Phần lớn các trang trại chăn nuôi này đều đã được Sở TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường nhưng khi triển khai không như cam kết. Bên cạnh đó, quy mô chăn nuôi của một số trang trại vượt công suất thiết kế, dẫn đến hệ thống xử lý nước thải quá tải và nước thải tràn ra khu vực xung quanh. Một số chủ trang trại còn xả nước thải trực tiếp ra sông, suối.

Hồ Đá Đen nằm trên địa bàn giáp ranh 2 huyện Châu Đức và TX. Phú Mỹ, có nhiều suối ở thượng nguồn đổ vào cũng đang chịu nhiều áp lực từ các trang trại chăn nuôi. Ông Phạm Quý Nhân, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Châu Đức cho biết, trên địa bàn huyện có 3 hồ cấp nước sinh hoạt là Đá Đen, Kim Long và Sông Ray. Qua khảo sát, có 42 hộ chăn nuôi có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước hồ Đá Đen, 13 hộ chăn nuôi có nguy cơ ảnh hưởng đến hồ Sông Ray. Đến nay, huyện đã di dời 10 hộ ra khỏi khu vực có nguy cơ ô nhiễm hồ cấp nước. “Các hộ còn lại đều đã đầu tư hầm biogas và chuyển sang chăn nuôi bằng đệm lót sinh học để xử lý chất thải sau chăn nuôi nhưng nếu chưa di dời các hộ này vào các khu chăn nuôi tập trung thì nguy cơ ô nhiễm hồ chứa nước vẫn còn”, ông Nhân nói.

Anh Nguyễn Duy Dũng phun thuốc BVTV trên vườn dưa hấu.
Anh Nguyễn Duy Dũng phun thuốc BVTV trên vườn dưa hấu.

CẦN GIẢI PHÁP BỀN VỮNG

Thống kê của Sở NN-PTNT cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 29 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế 316,28 triệu m3. Điều nguy hiểm là nhiều hộ dân sống gần các hồ chứa nước và các DN sản xuất có nguồn thải chưa có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường (BVMT). Các hành vi như: vứt bao bì thuốc BVTV bừa bãi trong khu vực sản xuất; chăn nuôi xả thải ra môi trường; vứt rác, túi nilon bừa bãi ở các hồ chứa nước; khai thác cát trái phép, sai quy định; nạo vét lòng hồ… là những nguy cơ dẫn đến ô nhiễm các hồ chứa nước, thiếu nước ngọt để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, để bảo vệ các nguồn nước trên địa bàn tỉnh, năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công bố danh mục các dự án không thu hút đầu tư, hạn chế thu hút đầu tư tại vùng thượng nguồn thuộc bản đồ khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế các ngành nghề có tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Theo đó, có 23 ngành nghề thuộc các dự án không thu hút đầu tư tại vùng thượng nguồn thuộc bản đồ khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, có 5 dự án thuộc nhóm hạn chế đầu tư, trong đó nước thải phát sinh phải xử lý đạt loại A theo quy chuẩn chất lượng nước thải hiện hành và dẫn xả nước thải vào hạ nguồn các nguồn nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt hoặc tái sử dụng nước cho hoạt động của đơn vị như: Dự án chế biến nông - lâm - sản có công nghệ lạc hậu, ngâm tẩm hóa học; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô công nghiệp; chế biến thực phẩm (đồ hộp, nước giải khát, dầu ăn); giết mổ gia súc, gia cầm; xây dựng nghĩa trang...  

Chi cục BVMT (Sở TN-MT) đang xây dựng đề án truyền thông “Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh BR-VT”. Đề án gồm nhiều nội dung, trong đó có những hoạt động chính như: chương trình truyền thông “Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh”; Tập huấn cho các DN nhằm phổ biến danh mục các dự án không thu hút đầu tư, hạn chế thu hút đầu tư tại vùng thượng nguồn thuộc bản đồ khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; Tập huấn, xây dựng mô hình CLB Bảo vệ môi trường các hồ chứa nước; Phối hợp với UBMTTQ Việt Nam, Hội Nông dân tuyên truyền vận động người dân BVMT các hồ chứa nước bằng việc không vứt rác, bao bì thuốc BVTV ra môi trường; hạn chế sử dụng thuốc BVMT trong trồng trọt; không xả thải chăn nuôi ra môi trường…

Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn cho các tuyến dẫn nước về hồ cấp nước sinh hoạt của tỉnh, Sở TN-MT còn tham mưu UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở NN-PTNT di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp quy hoạch, nằm trong khu dân cư; Ban hành Quy định về tiêu chí xác định các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thuộc đối tượng di dời vào các KCN, CCN, vùng tập trung… Đồng thời, Sở TN-MT đầu tư 3 trạm quan trắc tự động nước mặt hồ chứa nước nhằm cung cấp số liệu chính xác, kịp thời, góp phần hỗ trợ các cơ quan chức năng của tỉnh trong công tác bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của tỉnh.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.