Thanh long rớt giá, nông dân lo lắng
Thời điểm này đang rộ mùa thu hoạch thanh long trái vụ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, giá thanh long giảm mạnh, cộng với chi phí sản xuất tăng cao khiến lợi nhuận của nông dân giảm. Như vậy, nhiều vụ thanh long liên tiếp gần đây, người trồng thanh long gặp khó do giá cả biến động.
Bà Hoàng Thị Lan, ấp Trang Định, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc lo lắng vì giá thanh long giảm trong khi chi phí sản xuất tăng. |
Theo các nhà vườn, khoảng 10 năm trở lại đây, người trồng thanh long trên địa bàn tỉnh đã canh tác thanh long trái vụ. Theo đó, từ tháng 10 dương lịch đến tháng 4 năm sau, các nhà vườn sẽ chong đèn cho thanh long ra trái. Chi phí trồng thanh long trái vụ cao nhưng giá bán và năng suất thường cao hơn chính vụ nên nông dân thu lãi cao hơn 40-50%. Vì vậy, sau đợt rớt giá thanh long cuối năm 2018, nhiều hộ trông chờ vào vụ trái mùa đầu năm 2019 để gỡ lại.
Anh Trần Huy Liệu (ấp Trang Định, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) canh tác 260 trụ thanh long ruột đỏ đã cho thu hoạch năm thứ 3. Vụ thuận mùa cuối năm 2018 vừa qua, loại trái cây này rớt giá mạnh, thậm chí chỉ còn 1-3 ngàn đồng/kg khiến anh thua lỗ nặng. Theo anh Liệu, năng suất thanh long trái vụ bình quân khoảng 15-16 tấn/ha, trong khi năng suất chính vụ chỉ đạt 6-8 tấn/ha. Bên cạnh đó, giá thanh long trái vụ cũng cao gấp 2-3 lần do thị trường Trung Quốc đẩy mạnh thu mua trong thời gian này. Vì vậy, anh kỳ vọng vụ thanh long trái mùa đầu năm 2019 sẽ cho lãi lớn để bù lại vụ thua lỗ vừa qua. Tuy nhiên, kỳ vọng của anh Liệu không thành, bởi giá thanh long trái vụ năm nay giảm mạnh. Anh Liệu cho biết: “Thời điểm này những năm trước, thanh long ruột đỏ loại 1 có giá từ 40-50 ngàn đồng/kg thì năm nay giảm phân nửa, còn 25-28 ngàn đồng/kg. Với giá này, trừ chi phí nhân công, điện… tôi chỉ thu lãi chưa đến 10 triệu đồng cho hơn 3 tháng chăm sóc vườn thanh long”.
Theo nhiều nhà vườn, ngoài việc thanh long rớt giá, chi phí sản xuất tăng mạnh cũng khiến lợi nhuận của người trồng giảm. Ông Nguyễn Thanh Hải (ấp 1, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) cho biết, trước đây, chi phí sản xuất 6 sào thanh long trái vụ khoảng 70-80 triệu đồng/vụ, trong đó khoảng 40% là tiền điện để chong đèn. “Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 vừa qua, giá điện tăng khiến tôi phải tốn thêm 3-4 triệu đồng/tháng so với trước đây. Bên cạnh đó, nhân công khan hiếm, giá thuê liên tục tăng khiến chi phí sản xuất thanh long tăng 50-70%. Cùng với việc giá cả bấp bênh, không còn ổn định như trước khiến nhiều người trồng thanh long như tôi hoang mang”, ông Hải nói.
Thu hoạch thanh long tại vườn nhà ông Nguyễn Thanh Hải (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc). |
Theo các thương lái, nguyên nhân giá thanh long giảm mạnh là do những năm qua, nông dân các tỉnh có diện tích trồng thanh long lớn như Bình Thuận, Ninh Thuận cũng đổ xô trồng thanh long trái vụ, chiếm đến 70% tổng diện tích canh tác khiến nguồn cung dồi dào. Do đó, dù đang là thời điểm trái vụ nhưng lượng thanh long ở các vựa lớn xuất khẩu đi Trung Quốc tồn kho nhiều và không còn nhập hàng.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thanh long là một trong những loại nông sản chủ lực trong quy hoạch phát triển cây ăn trái của tỉnh. Vài vụ gần đây, nông dân trồng thanh long gặp khó do giá cả bấp bênh, chi phí sản xuất tăng mạnh. Nguyên nhân cũng giống như nhiều loại trái cây khác, thanh long vẫn chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Để khắc phục tình trạng trên, theo quy hoạch phát triển nông sản chủ lực, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 300ha trồng thanh long theo hướng an toàn, đạt các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế. Đây là điều kiện để loại đặc sản này của BR-VT có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch và mở rộng sang các thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… Khi đó, đầu ra của trái thanh long mới bớt bấp bênh.
Bài, ảnh: QUANG VINH