Ngăn chặn, không để heo bệnh vào Bà Rịa-Vũng Tàu
Từ ngày 5-3, UBND tỉnh đã thành lập 3 tổ kiểm tra liên ngành kiểm dịch động vật tại các tuyến đường huyết mạch nhằm ngăn chặn heo có mầm bệnh vào BR-VT. Những ngày qua, lực lượng này đang làm việc nghiêm túc, chốt trực 24/24 giờ để giảm nguy cơ dịch tả heo châu Phi lây lan vào BR-VT.
Cán bộ tổ kiểm tra liên ngành trên Quốc lộ 56, đoạn qua xã Xà Bang, huyện Châu Đức phun thuốc tiêu độc, khử trùng xe chở heo. |
TÚC TRỰC 24/24
14 giờ 30 ngày 18-3, xe tải biển kiểm soát 60C-20477 của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam chở 50 con heo thịt từ tỉnh Đồng Nai vào BR-VT qua trạm kiểm dịch trên km20, Quốc lộ 56 (xã Xà Bang, huyện Châu Đức). Lực lượng CSGT nhanh chóng ra hiệu để xe vào bãi đỗ. Nhóm kiểm dịch viên khẩn trương tiến hành các thủ tục kiểm tra. Tài xế xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Sau khi xác định số heo trên xe không có tình trạng bất thường, cán bộ thú y đã tiến hành khử trùng trong và ngoài xe, đóng dấu phúc kiểm và cho xe tiếp tục lưu thông vào tỉnh. Tất cả các thủ tục này chưa đến 10 phút.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày 18-3, có thêm 4 chuyến xe chở heo vào BR-VT với tổng cộng khoảng 100 con qua Quốc lộ 56. Ông Vũ Đình Thắng, Trưởng Trạm kiểm dịch huyện Châu Đức cho biết, heo qua trạm vào BR-VT tiêu thụ chủ yếu được mua từ các trại nuôi ở Đồng Nai. “Qua kiểm tra mấy ngày gần đây, chúng tôi chưa phát hiện trường hợp vi phạm. Các tài xế đều xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc heo. Chúng tôi cũng đã thực hiện công tác kiểm dịch kỹ lưỡng, đúng quy trình, nhất là khâu kiểm tra lâm sàng heo và khử trùng trước khi cho xe qua trạm”.
Tại các trạm kiểm dịch khác trên Quốc lộ 51 (phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ) và Quốc lộ 55 (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc), không khí làm việc cũng rất khẩn trương, nghiêm túc. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát xe chở heo được tiến hành suốt ngày đêm. Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Dù hoạt động vận chuyển heo vào BR-VT không phức tạp như một số tỉnh, thành lân cận nhưng các trạm vẫn làm việc 24/24 giờ với đầy đủ các lực lượng theo Quyết định của UBND tỉnh. Ban đêm, công tác tuần tra, kiểm soát càng được thực hiện chặt chẽ, bởi đây là thời điểm lái xe dễ lợi dụng để chở heo không rõ nguồn gốc vào địa bàn tiêu thụ”.
Giết mổ heo tại cơ sở giết mổ tạm thời ở phường 12, TP. Vũng Tàu. |
QUYẾT LIỆT CHỐNG DỊCH
Cùng với tổ kiểm tra liên ngành, cơ quan chức năng các địa phương và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch. Bà Nguyễn Thị Bạch Liên (ấp Liên Hiệp 1, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) đang nuôi khoảng 200 heo nái và heo thịt. Bà Liên cho biết, từ khi có thông tin dịch tả heo châu Phi vào Việt Nam, bà đã thực hiện các công việc như tiêu độc khử trùng chuồng trại, lắp thêm đèn giữ ấm tại chuồng trại, cũng như hạn chế tối đa người và phương tiện ra vào trại. “Bên cạnh đó, tôi thêm vào khẩu phần ăn cho heo các loại vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng. Dù chi phí tăng lên đôi chút nhưng tôi cũng yên tâm hơn bởi nếu heo bị dịch, thiệt hại sẽ rất nặng nề”, bà Liên cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hiếu, cán bộ nông nghiệp xã Xà Bang, toàn xã có gần 30.000 con heo. Nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của dịch tả heo châu Phi nên chính quyền xã đã và đang tiến hành các biện pháp nhằm phòng dịch. “Chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ đặc điểm và phương pháp phòng bệnh. Xã cũng đã xây dựng kế hoạch tiêm phòng và tiêu độc khử trùng chuồng trại và sẽ được thực hiện trong vài ngày tới. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tuyên truyền để người tiêu dùng nắm rõ về loại bệnh dịch này, không hoang mang, không tẩy chay thịt heo”, bà Hiếu cho hay.
Sức tiêu thụ heo giảm mạnh
Theo khảo sát, sau khi dịch tả heo châu Phi lan rộng tại Việt Nam, giá cả và lượng heo tiêu thụ trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Ông Nguyễn Đức Vinh, thương lái buôn heo từ Đồng Nai vào BR-VT cho biết, trước đây, mỗi ngày ông chở khoảng 40 con heo vào lò mổ ở phường 12, TP. Vũng Tàu tiêu thụ thì nay chỉ còn 20 con. Lượng heo được giết mổ tại các cơ sở cũng chỉ còn 30-40% so với trước đây. Cùng với đó, giá heo hơi cũng “tuột dốc”, từ 55 ngàn đồng/kg nay chỉ còn 43 ngàn đồng/kg và tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới. Điều này khiến nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khăn.
|
Còn tại huyện Xuyên Mộc, UBND huyện cũng đã tổ chức họp khẩn để triển khai công tác phòng chống dịch. Theo đó, cơ quan chức năng của huyện sẽ tăng cường kiểm soát, ngăn chặn dịch do việc vận chuyển heo từ ngoài tỉnh vào, nhất là ở các chốt cửa ngõ của các xã Tân Lâm, Bình Châu và Hòa Hiệp; tuyên truyền nâng cao ý thức của người chăn nuôi về cách phòng, chống và tác hại của dịch; bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch; chính sách hỗ trợ cũng như kế hoạch ứng phó khi xuất hiện dịch.
Không nên tẩy chay thịt heo
Dịch tả heo châu Phi không lây bệnh qua người nhưng hiện nay nhiều người dân vẫn có tâm lý e ngại sử dụng thịt heo. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không nên tẩy chay thịt heo mà nên mua thịt an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ và địa chỉ sản xuất uy tín. Thịt mắc dịch tả heo châu Phi, thịt nhiễm dịch sẽ có nốt xuất huyết dưới da, trên vành tai trông như vết muỗi đốt; các phần chi, bụng, ngực của heo có màu xanh tím. Đối với thịt heo nhiễm sán, người tiêu dùng có thể quan sát bằng mắt thường xem thịt có những hạt trắng nhỏ như gạo nằm giữa các thớ cơ hay không. Ngoài ra, người dân nên ăn chín uống chín, không ăn tiết canh heo hay thịt heo chưa được chế biến kỹ.
|
Ông Nguyễn Xuân Trung cho biết thêm, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền, tăng cường giám sát dịch tễ, chú trọng phòng chống dịch bệnh bằng phương pháp sinh học. Khi thấy heo có biểu hiện, triệu chứng khác thường, cơ quan thú y sẽ lấy mẫu xét nghiệm ngay nhằm phát hiện nhanh, chủ động các biện pháp khống chế, không để dịch lây lan. Tháng 4 tới, lực lượng thú y trong tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng, hạn chế tối đa các mầm bệnh có thể có trong môi trường, giảm nguy cơ dịch lây lan.
Bài, ảnh: QUANG VINH