.

Giải pháp xen canh cho vườn tiêu

Cập nhật: 17:40, 19/03/2019 (GMT+7)

Giá tiêu ở mức thấp, thu không đủ bù chi khiến nhiều nông dân ở tỉnh BR-VT nói chung và huyện Xuyên Mộc lao đao và không đủ sức để giữ vườn tiêu. Nhưng anh Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bầu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) đã sớm tìm được giải pháp khá phù hợp. 

Anh Lâm Ngọc Nhâm và củ Hoài Sơn trong vườn tiêu
Anh Lâm Ngọc Nhâm và củ Hoài Sơn trong vườn tiêu

Dẫn chúng tôi tham quan vườn tiêu trồng xen với cây hoài sơn (còn gọi là củ mài) rộng 10ha, anh Nhâm cho biết, cách đây 3 năm (năm 2015) khi giá hồ tiêu xuống thấp, Công ty đã thử nghiệm cây trồng cộng sinh trong vườn tiêu và thành công với cây hoài sơn.

Cây hoài sơn là cây dại, thường mọc tự nhiên dưới tán rừng. Cây hoài sơn được anh Nhâm trồng xen trong vườn tiêu được lấy từ vùng núi Mây Tàu (huyện Xuyên Mộc). Vốn là cây leo, nhưng khi đưa vào trồng trong vườn tiêu, cây được điều khiển phát triển trên mặt đất. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây hoài sơn giữ độ ẩm cho đất, làm đất tơi xốp. Điều đó giúp cho vườn tiêu sạch cỏ. Ngoài ra, mỗi trụ tiêu thường chỉ cao 5- 6m. Dưới tán tiêu là môi trường lý tưởng cho cây hoài sơn phát triển. Sự sinh trưởng cộng sinh này không cạnh tranh về ánh sáng và cũng ít có sự cạnh tranh về dinh dưỡng nên việc bón phân cho cả 2 loại cây khá tiết kiệm. Cây tiêu vẫn phát triển ổn định, trong khi cây hoài sơn lại cho năng suất cao.

“Cây hoài sơn thường trồng vào đầu mùa mưa. Mỗi một hàng tiêu thì trồng xen một hàng hoài sơn. Khoảng cách giữa các cây hoài sơn là 20cm. Trung bình 1ha tiêu xen hoài sơn, trước khi trồng cần bón lót 15 tấn phân chuồng ủ hoai, 250kg phân NPK loại 16-16-8. Sau một tháng, thời điểm bón thúc thì tăng lượng phân NPK lên khoảng 500-700kg/ha. Mỗi ha đất trồng tiêu, có thể trồng xen được khoảng 20.000 gốc cây hoài sơn. Trong vòng 6 tháng là cây có thể cho thu hoạch củ. Mỗi cây cho một củ có trọng lượng khoảng từ 0,5-3kg. Mỗi ha trồng tiêu khi trồng xen cây hoài sơn nếu chọn được giống tốt, rõ nguồn gốc, bón phân cân đối, áp dụng kỹ thuật canh tác thì năng suất có thể cho từ 30-40 tấn củ”, anh Nhâm giới thiệu về kỹ thuật xen canh.

Hiện nay, củ hoài sơn có giá bán khá cao, khoảng 120-150 ngàn đồng/kg. Ngoài việc chế biến món ăn, cây hoài sơn còn là dược liệu điều chế thuốc chữa các bệnh như ăn uống khó tiêu, mồ hôi trộm, tiểu đường...

Hiện nay, Công ty CP Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bầu Mây mỗi năm đang thu hoạch được khoảng hơn 300 tấn hoài sơn. “Sắp tới, Công ty sẽ cố gắng chế biến củ hoài sơn thành sản phẩm sữa hoài sơn, đưa ra tiêu thụ thị trường trong nước và quốc tế”, anh Nhâm chia sẻ thêm về ý tưởng kinh doanh từ cây hoài sơn. 

TRỌNG HOÀNG

.
.
.