.

Làm nông ở huyện đảo

Cập nhật: 16:30, 03/01/2019 (GMT+7)

Một hình ảnh Côn Đảo rất ít người biết đến là những khoảnh vườn xanh tốt với những người nông dân chất phác, một nắng hai sương chăm chỉ cấy trồng để vươn lên thoát nghèo và cung ứng cho cư dân trên đảo nhiều loại rau - củ - quả tươi, ngon, chất lượng.

Nông dân Triệu Chí Tâm (khu 1, huyện Côn Đảo) thăm vườn trồng khổ qua của gia đình.
Nông dân Triệu Chí Tâm (khu 1, huyện Côn Đảo) thăm vườn trồng khổ qua của gia đình.

Ông Triệu Chí Tâm, Chi hội trưởng Chi hội nông dân 19-5 (khu dân cư-KDC số 1, huyện Côn Đảo) dẫn chúng tôi tham quan một vòng cánh đồng trồng màu tập trung lớn nhất đảo thuộc KDC số 1. Cuối tháng 12, Côn Đảo đang vào vụ rau Tết. Trời đã chiều muộn, nhưng trên đồng nhiều nông dân vẫn mải miết bắt sâu cho vườn khổ qua, súp lơ hay lót rơm những trái dưa hấu đẹp giữ cho vỏ đều màu bán vào dịp Tết. 

Theo ông Tâm, vài năm gần đây, dưa hấu, khổ qua, dưa leo, súp lơ trồng tại địa phương được người dân Côn Đảo ưa chuộng trong dịp Tết, dù giá luôn cao hơn rau từ đất liền đưa ra. Vì vậy, nông dân phải dày công chăm bón để có những trái ngon, đẹp, bán được giá dịp Tết.     

Ông Tâm cũng cho biết thêm, Côn Đảo có gần 60 hộ gia đình làm nông, phân bố ở các KDC 1, 2, 3 và 9, trong đó, KDC số 1 chiếm đông nhất, với 37 hộ, tổng diện tích 6,6ha. “KDL số 1 có tổng số 66 hộ gia đình. Nông nghiệp cũng là nghề áp đảo so với những ngành nghề khác. Nông nghiệp đã giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, kinh tế khấm khá hơn”, ông Tâm tự hào nói. 

Ông Tâm là một trong số đó. Quê ở Hậu Giang, năm 2007, ông Tâm ra Côn Đảo lập nghiệp theo lời rủ rê của bạn bè. Ban đầu, ông thuê 5.000m2 đất ở KDC số 1 trồng lúa, hết vụ lúa lại đi làm thuê. Công việc khi có khi không nên thu nhập bấp bênh, cuộc sống thường xuyên thiếu trước hụt sau. “Đất ở khu vực này xốp, lại ẩm quanh năm, sâu bệnh cũng ít nhưng làm lúa năng suất không cao vì phụ thuộc vào thời tiết, trồng màu có lẽ sẽ tốt hơn”. Nghĩ là làm, năm 2008, ông Tâm bắt tay cải tạo đất, vun luống, trồng rau. Năm đầu, ông thất bại vì rau màu thường xuyên bị dập nát, cháy lá do gió mạnh. Sau đó, ông thử nghiệm trồng xen canh. Từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, Côn Đảo gió nhiều, ông trồng các loại rau quả leo giàn như: dưa leo, mướp đắng và xen canh bên dưới bầu, bí, đậu cô ve, dưa hấu, dưa lưới, rau thơm... Mùa hè mưa nhiều, ít gió hơn, ông chuyển sang trồng rau muống, mùng tơi, dền, cải… “Năm 2009, tôi dư được hơn 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí phân, thuốc, chi tiêu trong gia đình”, ông Tâm nhớ lại. 

Tiếp tục phát huy cách trồng xen canh theo mùa, năng suất cây trồng cải thiện qua từng năm, hiệu quả kinh tế gia đình ông Tâm tăng lên rõ rệt. Vừa làm vườn, ông Tâm còn chăn nuôi gà, vịt và mở quán ăn tại nhà để tiêu thụ sản phẩm do gia đình sản xuất. Năm 2018, ông thu lãi khoảng 100 triệu đồng từ trồng rau, chăn nuôi và bán quán ăn. “Từ 2 bàn tay trắng, sau 11 năm ra Côn Đảo lập nghiệp, tôi dư được mảnh đất 1.500m2”, ông Tâm khoe. 

Ở Côn Đảo, những người gắn bó với nông nghiệp thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá ngày một nhiều hơn. Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng (cũng ở KDC số 1) bán rau, củ ở chợ Côn Đảo. Chồng bà Hằng nuôi heo và làm vườn. Sản vật trồng cấy được từ vườn nhà bà Hằng kiêm luôn đầu mối tiêu thụ. Mùa này vườn nhà bà Hằng đang thu hoạch dưa leo. “Bà con ở đảo rất chuộng rau quả trồng trên đảo vì chúng tôi hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Rau thu hoạch tới đâu là bán hết tới đó. Giá dưa leo hiện 15 ngàn đồng/kg. Tôi bán gần 30kg dưa leo/ngày, cộng với lãi từ các loại rau củ khác cũng kiếm được 600-700 ngàn đồng/ngày”, bà Hằng nói. 

Gia đình ông Nguyễn Công Định, bà Cao Xuân Hải (KDC số 2) chuyên nuôi cá trê và nuôi heo, mỗi năm xuất chuồng từ 170-200 con heo thịt và 3-4 tạ cá trê cung ứng trực tiếp cho thị trường Côn Đảo với mức thu nhập bình quân 500 triệu đồng/năm.

Theo Phòng Kinh tế huyện Côn Đảo, dù sản phẩm nông nghiệp do bà con sản xuất ra được ưa chuộng nhưng hiện nay sản lượng còn khá thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Theo Quy hoạch phát triển nông nghiệp huyện Côn Đảo đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND huyện công bố vào đầu năm 2018, Côn Đảo phấn đấu đến năm 2020 sẽ đáp ứng 75-80% nhu cầu rau xanh và từ 30-35% trái cây tươi trên địa bàn, trong đó có ít nhất 50% sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và có thể truy xuất được nguồn gốc.

Để đạt mục tiêu trên, từ nay đến năm 2020, huyện Côn Đảo khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng rau lên 20ha, nâng sản lượng khoảng 700 tấn/năm; diện tích trồng cây ăn quả đến năm 2020 khoảng 13ha với sản lượng 102 tấn/năm. Huyện cũng quy hoạch hơn 10ha để phát triển ngành thủy sản, nhằm đạt sản lượng 15-20 tấn/năm. Đối với ngành chăn nuôi, huyện sẽ giảm dần số lượng đàn vật nuôi so với hiện tại, đồng thời đầu tư một cơ sở giết mổ tại cụm công nghiệp Bến Đầm với công suất khoảng 20-40 con heo và 250-300 con gia cầm/ngày. Bên cạnh đó, Côn Đảo cũng hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. “UBND tỉnh cũng đã quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 2ha. Đến thời điểm này, đã có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ xin chủ trương đầu tư dự án, trên diện tích 1ha, vốn đầu tư 12 tỷ đồng”, đại diện Phòng Kinh tế huyện Côn Đảo cho biết.

Bài, ảnh: BẢO KHÁNH-ĐAN CHÂU

 
.
.
.