Doanh nghiệp tự tin bước vào năm 2019
Theo kết quả khảo sát về triển vọng năm 2019 của Vietnam Supply Chain (Một tổ chức độc lập phi lợi nhuận dành cho hơn 11.000 chuyên gia trong ngành quản lí cung ứng Việt Nam) vừa công bố, có đến 80,6% DN lạc quan tin tưởng rằng 2019 sẽ là một năm tốt hơn 2018.
Du khách đạp xe dạo chơi trong Green Farm. Ảnh: MINH TÂM |
Vietnam Supply Chain cũng đưa ra nhận định, bức tranh kinh tế Việt Nam 2018 nhiều gam màu sáng. Nền kinh tế tăng trưởng khá đồng đều trên các lĩnh vực theo hướng phát triển chiều sâu và bền vững đã tạo động lực cho các DN tự tin đưa ra các chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2019.
NHIỀU LĨNH VỰC KHỞI SẮC
Giữa tháng 12-2018, Cảng quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) đã cán mốc 1,5 triệu TEUS hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) thông qua cảng trong năm 2018. Đây là mức phát triển vượt bậc giúp TCIT trở thành bến cảng nhộn nhịp nhất tại khu vực Cái Mép – Thị Vải. TCIT được thành lập năm 2009, là liên doanh giữa Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cùng 3 đối tác nước ngoài, gồm: Công ty Hanjin Transportation- tiền thân là hãng tàu Hanjin (Hàn Quốc), Hãng tàu Mitsui O.S.K Lines (Nhật Bản) và Hãng tàu Wanhai (Đài Loan). Năm 2018, TCIT tiếp nhận thành công 527 lượt tàu mẹ của 10 tuyến dịch vụ quốc tế, trong đó có gần 30 lượt tàu có sức chở hơn 14.000 TEUS.
Do nhu cầu XNK hàng hóa đang tăng cao, đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh của hàng nội địa trong những tháng đầu năm 2018 đã tạo ra tác động tốt đối với sản lượng thông qua tại TCIT. Trước đó, vào cuối tháng 8-2018, sản lượng thông qua cảng tăng 11%, từ 921.710 TEUS trong năm 2017 lên đến 1.024.841 TEUS trong năm nay. Đây là năm thứ 3 liên tiếp cảng đạt được thành tựu này, sớm hơn 3 tháng so với năm 2016 và 1 tháng rưỡi so với năm 2017. Năm ngoái, sản lượng hàng hóa XNK thông qua tại TCIT đạt hơn 1,4 triệu TEUS. Dự kiến, sản lượng thông qua cảng này năm 2018 đạt hơn 1,6 triệu TEUS, chiếm 55% thị phần toàn khu vực Cảng container nước sâu Cái Mép - Thị Vải, tăng hơn 5 lần so với năm đầu tiên đi vào hoạt động. Để đạt kết quả này, TCIT đã và đang tiến hành nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ bằng việc nâng cao năng suất xếp dỡ, giải đáp các khó khăn thắc mắc của khách hàng 24/7, đơn giản hoá thủ tục thông quan...
Ông Nguyễn Văn Đặng, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: Một trong những lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực nhất từ đầu năm đến nay là dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp về phát triển cảng, dịch vụ và logistics đã được tích cực triển khai. Các chỉ tiêu liên quan như: Doanh thu dịch vụ vận tải kho bãi và hỗ trợ vận tải, khối lượng luân chuyển hàng hoá, khối lượng luân chuyển hành khách... đều tăng trưởng tốt. Cụ thể, doanh thu dịch vụ cảng đạt 3.847 tỷ đồng, tăng 12%. Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng đạt khoảng 69,8 triệu tấn, tăng 13,26%... Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trừ dầu thô và khí đốt ước tăng 8,72%; doanh thu hầu hết các sản phẩm đều tăng. Đặc biệt, nhóm ngành công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng cao nhất. Điển hình như sản xuất 90%; gạch men tăng 42,8%; phôi thép tăng 30,1%; nhựa các loại tăng 20,34%...
KỲ VỌNG VÀO 2019
Bài học thành công trong năm 2018 của BR-VT là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ, sự điều hành linh hoạt, kiên quyết của Chính quyền. Trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, đã luôn bám sát tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới để huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Đặc biệt tỉnh đã chú trọng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tập trung thúc đẩy phát triển công nghiệp – cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài... Tỉnh cũng tập trung triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu các ngành công nghiệp, nông nghiệp như: Tập trung kêu gọi đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Xác định phát triển DN chính là động lực để phát triển kinh tế, ngoài triển khai các chính sách hỗ trợ, định kỳ năm/2 lần lãnh đạo tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại DN, lắng nghe ý kiến của DN để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN…
Theo kết quả khảo sát về triển vọng năm 2019 của Vietnam Supply Chain (Một tổ chức độc lập phi lợi nhuận dành cho hơn 11.000 chuyên gia trong ngành quản lí cung ứng Việt Nam) vừa công bố, có đến 80,6% DN lạc quan tin tưởng rằng 2019 sẽ là một năm tốt hơn 2018. |
Năm 2019, hoạt động của các DN sẽ có nhiều yếu tố chi phối theo hướng tích cực. Ngoài Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng sẽ được thông qua là lợi thế lớn cho các DN trong sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu. DN có thể nhập nguyên liệu giá rẻ từ các nước cùng tham gia hiệp định thương mại tự do (FTA) và xuất khẩu vào những thị trường Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại để hưởng các ưu đãi về thuế quan. Theo khảo sát, có 34 - 40% DN kỳ vọng các hiệp định thương mại tự do mới sẽ giúp họ tăng doanh thu trong thời gian tới.
Về phía tỉnh, năm 2019 được xác định là năm phải tăng tốc hơn nữa so với năm 2018, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế của tỉnh theo hướng tập trung phát triển 5 nhóm ngành chủ lực có lợi thế cạnh tranh, gồm: Công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo kỹ thuật cao, công nghiệp hỗ trợ; Dịch vụ du lịch; Dịch vụ cảng; Dịch vụ logistics và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, thực hiện mạnh mẽ hơn nữa công tác hỗ trợ DN và thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Theo đó, UBND tỉnh và lãnh đạo các cấp, các ngành sẽ thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời tìm ra lối đi tích cực, hiệu quả cho sự phát triển; kiên quyết thực hiện gỡ bỏ các rào cản, trì trệ trong bộ máy để phục vụ cho DN tốt nhất; quan tâm thúc đẩy các giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện, môi trường tích cực cho hoạt động khởi nghiệp; có như vậy mới tạo được sự phát triển vững chắc và nguồn thu ngân sách bền vững cho tỉnh trong thời gian tới.
NGÔ GIA