Đẩy lùi "tín dụng đen" - Bài 1: "Tín dụng đen" hoành hành
Khoảng một năm trở lại đây, nạn cho vay nặng lãi hay còn gọi là “tín dụng đen” đã len lỏi từ thành thị đến các vùng nông thôn, gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp nhằm đẩy lùi tình trạng này. Tuy nhiên, hoạt động cho vay nặng lãi vẫn diễn biến rất phức tạp và đáng lo ngại.
DỤ DỖ BẰNG NHIỀU CHIÊU THỨC
Để tiếp cận người vay, các đối tượng cho vay nặng lãi dùng đủ mọi cách, từ phát tờ rơi, dán quảng cáo trên tường, cột điện, gốc cây đến nhắn tin qua điện thoại, chào mời trên mạng internet, mạng xã hội bằng những lời quảng cáo hấp dẫn.
Đoàn viên, thanh niên huyện Xuyên Mộc ra quân tẩy xóa tờ rơi quảng cáo cho vay trả góp trên các cột đèn đường tại Quốc lộ 55 (đoạn qua thị trấn Phước Bửu). Ảnh: BÙI HƯƠNG
|
Một lần đi làm về, chị N.T.H (tạm trú tại phường 11, TP. Vũng Tàu) được phát tờ rơi với lời quảng cáo hấp dẫn về việc cho vay tiền. Do cần tiền gấp để giải quyết việc riêng, chị H. đã liên hệ qua số điện thoại trên tờ rơi. Chỉ một giờ sau, chị đã được người cho vay mang tiền tận nơi. Nhưng sau đó, chị H. đã phải chật vật trả cả lãi lẫn gốc suốt năm trời cho khoản vay 10 triệu đồng, với mức lãi suất lên đến... 300%/năm.
Tương tự, bà L.T.K.T. (ấp Đức Trung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) cũng “sập bẫy tín dụng đen”. Cuối năm 2017, trong khi đang cần tiền để trang trải một số khoản nợ trong gia đình, bà T. được một người bạn cho xem tờ rơi với nội dung cho vay tiền. Chỉ 30 phút sau khi liên lạc, một thanh niên đã đến tận nhà hướng dẫn bà cách làm thủ tục và giao tiền. Ngoài ra, bà T. còn vay thêm 5 triệu đồng cho một người bạn của mình và giới thiệu cho nhiều người khác cùng vay. Theo thỏa thuận, bà T. vay 5 triệu đồng nhưng số tiền thực nhận chỉ còn 4,5 triệu đồng, 500 ngàn đồng còn lại bị người giao tiền khấu trừ với lý do “trả tiền xăng”. Sau đó, mỗi ngày bà phải trả góp 250 ngàn đồng, trong 25 ngày phải trả đủ cả gốc và lãi. Tính ra bà T. bị “cắt cổ” với mức lãi suất cao gấp nhiều lần so với vay ngân hàng.
Sau khi “con mồi” sập bẫy, các đối tượng cho vay nặng lãi thường cho người đến đòi nợ, quấy phá, khủng bố tinh thần, thậm chí là đe dọa tính mạng của người vay và thân nhân để ép họ trả nợ và lãi. Trường hợp bà P.T.N. (ấp Bình Đức, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) là một ví dụ. Sau 2 lần vay 13 triệu đồng (mỗi ngày phải trả góp 650 ngàn đồng và sau 25 ngày phải trả đủ số tiền 16,25 triệu đồng), bà N. không còn khả năng trả nợ nên tối 27-7-2018, bà bị 4 đối tượng cho vay nặng lãi đến nhà đe dọa, chửi bới.
Các đối tượng đòi nợ thuê bị Công an huyện Châu Đức bắt giữ. |
Nhiều trường hợp, người vay không trả được nợ còn bị các đối tượng ném chất bẩn vào nhà, rắc giấy tiền vàng, đặt bát nhang giữa nhà hoặc bắt giữ, hành hung để gây áp lực trả nợ. Cụ thể, ngày 29-9-2018, ông H.V.X (ấp Nghi Lộc, xã Bình Giã, huyện Châu Đức) bị 2 đối tượng lạ mặt chặn đánh khiến ông bị thương tích vùng mắt phải, rách da vùng mắt trái, chấn thương sống mũi. Theo tìm hiểu, trước đó, ông X. vay của một nhóm người số tiền 15 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận, mỗi ngày ông phải trả 600 ngàn đồng và sau 1 tháng phải trả đủ 18 triệu đồng, nhưng do đến hạn, ông X. không có tiền trả nên bị các đối tượng chặn đánh. Một nạn nhân khác là anh T.S.H. (SN 1988, quê Thanh Hóa) nợ tiền của Nguyễn Trung Kiên (SN 1983, trú tại TP. Vũng Tàu). Do chưa có khả năng chi trả nên ngày 27-2, Kiên cùng 4 người khác bắt giữ anh H. để ép trả nợ. Sau khi nhận được tin báo của thân nhân nạn nhân, Công an TP. Vũng Tàu đã tiến hành điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng trên về hành vi bắt giữ người trái pháp luật.
KHÓ XỬ LÝ HÌNH SỰ
Trung tá Phạm Minh An, Đội trưởng Đội Trinh sát tuyến địa bàn, Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết, tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nhưng rất khó xử lý hình sự. Khi vay nợ, người vay viết giấy nhận nợ nhưng không có thông tin về lai lịch, chỗ ở của người cho vay; không ghi lãi suất cụ thể, dù thực tế lãi suất được thỏa thuận rất cao. Hơn nữa, các đối tượng cho vay thường không trực tiếp giao dịch mà thông qua “đàn em”, núp bóng dưới các hình thức kinh doanh khác. Đại úy Dương Đình Sơn, Đội phó Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an huyện Châu Đức cũng cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến khó xử lý hình sự các đối tượng cho vay nặng lãi là do người dân sợ bị trả thù nên không trình báo các sự việc liên quan lên cơ quan công an, gây khó khăn cho việc nắm bắt thông tin để tiến hành triệt phá.
Công an TP. Vũng Tàu tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh dịch vụ in ấn, photocopy không sản xuất, in ấn các ấn phẩm có nội dung quảng cáo về hoạt động cho vay “tín dụng đen”. |
TP. Vũng Tàu là địa bàn “nóng” nhất về hoạt động cho vay nặng lãi. Theo báo cáo của Công an TP. Vũng Tàu, chỉ trong vòng 1 năm qua, địa phương đã phát hiện, xử lý 64 vụ, 55 đối tượng vi phạm pháp luật, khởi tố 5 vụ, 11 bị can có liên quan đến cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Trung tá Bùi Uy Phừng, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP. Vũng Tàu cho biết, hiện nay số vụ cho vay nặng lãi có xu hướng tăng lên với số tiền ngày một nhiều. Các đối tượng cho vay nặng lãi núp bóng dưới dạng công ty cầm đồ, công ty tài chính; lách luật dưới dạng hợp đồng mua bán nhà đất, xe... nên rất khó có chứng cứ xử lý hình sự.
Còn tại huyện Đất Đỏ, năm 2018, Công an huyện đã phát hiện 5 vụ việc với 11 đối tượng có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó có 3 vụ, 6 đối tượng chuyển qua xử lý hành chính với tổng số tiền 12,5 triệu đồng do hành vi gây rối trật tự công cộng, xâm hại sức khỏe người khác, buộc người khác đưa tiền, tài sản.
Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh cảnh báo, hoạt động cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự tiềm ẩn nhiều yếu tố phát sinh các loại tội phạm có tổ chức như cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng… ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân; gây hậu quả xấu về trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, việc chứng minh được loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn do người vay và cho vay tự thỏa thuận mức lãi suất, các chứng từ đều được hợp thức hóa, các hoạt động phức tạp sau đó (như đòi nợ thuê, gây rối) đều do đối tượng “chân rết” thực hiện, đối tượng cầm đầu dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu, tạo vỏ bọc hợp pháp. Vì vậy, cơ quan chức năng thường chỉ xử lý được đối tượng được thuê đòi nợ về các tội danh như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm chỗ ở người khác.
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. 2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. (Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 |
NHÓM PV THỜI SỰ
Đẩy lùi "tín dụng đen" - Bài 1: "Tín dụng đen" hoành hành
Đẩy lùi "tín dụng đen" - Bài 2: Làm gì để xóa bỏ "tín dụng đen"?