.

CPTPP chính thức có hiệu lực: Tận dụng cơ hội để hưởng ưu đãi

Cập nhật: 17:16, 21/01/2019 (GMT+7)

Ngày 14-1-2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Cùng với 6 nước Mexico, Nhật Bản, Singapore, Australia, New Zealand và Canada, các cam kết trong CPTPP đã chính thức được áp dụng với Việt Nam. Các DN Việt Nam đã sẵn sàng tận dụng cơ hội từ các ưu đãi mà CPTPP mang lại? 

CPTPP có hiệu lực đã giúp DN thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên. Trong ảnh: Công nhân Công ty Baseafood chế biến hải sản xuất khẩu.
CPTPP có hiệu lực giúp DN thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên. 
Trong ảnh: Công nhân Công ty Baseafood chế biến hải sản xuất khẩu.

ƯU ĐÃI VỀ THUẾ QUAN

Các nước tham gia CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Theo đó, gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước tham gia CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình. 

Sở Công thương nhận định, ngành may mặc, giày dép, nông lâm thủy hải sản có lợi nhất khi CPTPP có hiệu lực. Theo đó, 78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Canada sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc được hưởng mức cắt giảm 75% so với mức thuế suất hiện tại. Riêng thuế nhập khẩu giày da vào Nhật Bản, Mexico và Peru được giảm dần đều và xóa bỏ vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Trong khi đó, các mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực khi xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản (trước đây chưa được cam kết xóa bỏ thuế quan trong hiệp định Việt Nam - Nhật Bản và ASEAN - Nhật Bản). Cá tra, cá basa là mặt hàng thủy sản duy nhất xuất khẩu lớn sang Mexico sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. 

Về mặt hàng gạo, với việc được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, gạo sẽ có khả năng tiếp cận và tăng trưởng tại thị trường Canada. Mexico cũng là thị trường mới, nhập khẩu khoảng 70.000 tấn gạo/năm từ Việt Nam và sẽ có mức thuế 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

VƯỢT QUA THÁCH THỨC ĐỂ HƯỞNG ƯU ĐÃI

Theo các DN, so với các Hiệp định thương mại tự do khác, các quy định trong CPTPP linh hoạt hơn. Tuy nhiên, các DN vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức để được hưởng lợi từ các ưu đãi của CPTPP. Cụ thể, trong CPTPP có yêu cầu khắt khe là quy tắc xuất xứ của hàng dệt may phải từ sợi (thay vì từ vải như một số hiệp định thương mại tự do khác). Đây là thách thức lớn nhất đối với các DN dệt may, bởi hiện tại ngành công nghiệp phụ trợ dệt may đang phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước ASEAN. 

Do đó, mỗi DN phải tự đề ra chiến lược để gỡ “nút thắt” này mới có thể tận dụng được lợi thế từ việc cắt giảm thuế quan khi thực thi CPTPP. Đối với ngành chăn nuôi, hiện nay năng lực cạnh tranh không đủ lớn, do giá thành cao, hiệu suất và năng suất chưa cao, nguyên liệu đầu vào chiếm 60 - 65% chi phí nhưng 80 - 90% phải nhập khẩu, chưa có hệ thống quản lý trang trại tối ưu. Sản phẩm cũng chưa đáp ứng chất lượng để xuất sang các nước phát triển.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May Vũng Tàu nhận định, Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này được kỳ vọng thúc đẩy hoạt động giao thương hàng hóa một cách mạnh mẽ giữa các nước thông qua việc cắt giảm phần lớn hàng rào thuế quan, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên. Trong đó, ngành dệt may được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng khá tốt, do phần lớn các nước thành viên của Hiệp định CPTPP hầu như ít sản xuất mà chỉ nhập khẩu mặt hàng này để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Tuy vậy, các DN dệt may phải đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ hàng dệt may từ sợi và đây là thách thức không nhỏ. Nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu chính là vải thường được nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc - những nước chưa tham gia CPTPP. “Tuy nhiên, trong cái khó có cái may, hiệu ứng tích cực của Hiệp định là các DN FDI có tiềm lực sản xuất hàng may mặc từ sợi, dệt, may… sẽ tập trung khai thác những ưu đãi giảm thuế từ các nước tham gia CPTPP. Việc này giúp cho các DN còn lại của Việt Nam được thừa hưởng các đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường khác không có yêu cầu về xuất xứ từ sợi. Do đó, triển vọng của ngành dệt may Việt Nam từ năm 2019 trở đi khá sáng sủa”, ông Nguyễn Văn Quý phân tích. 

May mặc là một trong những ngành có lợi nhất khi CPTPP có hiệu lực. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May Tân Mỹ (phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) cắt mẫu tại xưởng.
May mặc là một trong những ngành hưởng lợi nhất khi CPTPP có hiệu lực. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May Tân Mỹ (phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) cắt mẫu tại xưởng.
May mặc là một trong những ngành có lợi nhất khi CPTPP có hiệu lực.  Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May Tân Mỹ (phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) trong giờ sản xuất. Ảnh: ĐÔNG HIẾU
May mặc là một trong những ngành có lợi nhất khi CPTPP có hiệu lực. 
Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May Tân Mỹ (phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) trong giờ sản xuất. Ảnh: ĐÔNG HIẾU

Với riêng Công ty CP May Vũng Tàu, Hiệp định này có hiệu lực là điều kiện thuận lợi trong việc phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong tương lai, vì hầu hết các khách hàng chủ yếu của DN đến từ thị trường châu Âu (EU), Úc và Newzeland. Công ty đang tiếp tục đàm phán và tiếp nhận các đơn hàng sản xuất sang các thị trường là các thành viên trong Hiệp định CPTPP.

Trong khi đó, tại Công ty CP Chế biến XNK thủy sản BR-VT (Baseafood), 90% sản lượng hàng thủy hải sản được xuất sang các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu, Nhật Bản, 10% còn lại xuất sang các thị trường Hồng Kông, Singapore. CPTPP có hiệu lực đã giúp DN thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên. Các lô hàng sang châu Âu, Nhật Bản đã được cắt giảm thuế quan. Chẳng hạn, trước đây khi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, DN phải chịu thuế 10%. Khi CPTPP có hiệu lực, thuế quan vào thị trường này cũng như các nước thành viên khác giảm về 0%. Điều đó giúp hàng hóa của DN rẻ hơn ở thị trường nước ngoài, từ đó tăng sức cạnh tranh, tăng năng lực sản xuất. 

Theo lãnh đạo Baseafood, thời gian tới, ngoài việc giữ vững các thị trường truyền thống, công ty sẽ chủ động nghiên cứu các thị trường mới để mở rộng xuất khẩu. Hiện nay, công nhân của công ty đang tăng tốc sản xuất để hoàn thành các đơn hàng cho các thị trường chủ lực, đồng thời chuẩn bị nguyên liệu cho kế hoạch sản xuất sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi cho các đơn hàng đến tháng 4-2019. Mặt khác, công ty cũng đẩy mạnh đưa các sản phẩm chế biến từ da cá sang hai thị trường Ba Lan và Singapore.

Hiệp định CPTPP đã được 11 nước thành viên sáng lập gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam ký kết vào tháng 3-2018 tại Chile. Là thành viên tham gia Hiệp định, Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước CPTPP. Theo đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 - 10 năm. Đối với một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, Việt Nam có lộ trình trên 10 năm như bia, rượu, thịt gà, sắt thép, ôtô con dưới 3.000 phân khối. Việt Nam áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với đường, trứng, muối (nằm trong lượng hạn ngạch WTO) và ô tô đã qua sử dụng.

NGÔ GIA - ĐÔNG HIẾU

.
.
.