Thị trường địa ốc BR-VT hấp dẫn các "đại gia"
Với lợi thế về hạ tầng giao thông kết nối, mạnh về công nghiệp, cảng biển, giàu tiềm năng phát triển du lịch biển, thời gian gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) Bà Rịa - Vũng Tàu đã tạo sức hút lớn với các nhà đầu tư, trong đó có nhiều “đại gia” BĐS.
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản tại BR-VT khá sôi động, thu hút sự quan tâm, đầu tư của nhiều công ty, tập đoàn địa ốc lớn.
Trong ảnh: Các chung cư do Công ty CP Phát triển nhà BR-VT đầu tư tại TP.Vũng Tàu. Ảnh: ĐỨC HỢP
|
THU HÚT NHIỀU NHÀ ĐẦU TƯ LỚN
Ngày 29-10 vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp Tập đoàn FLC đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào BR-VT. Tại buổi làm việc này, ông Lê Thành Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC cho biết, FLC mong muốn đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng và nông nghiệp công nghệ cao tại BR-VT. FLC đã khảo sát thực tế các dự án du lịch, khu dân cư, gồm: Khu đô thị Tây Nam TP.Bà Rịa (gần 1.700ha), Khu tổ hợp du lịch Núi Dinh (2.400ha), Vườn thú hoang dã Safari (hơn 600ha), chợ Du lịch Vũng Tàu (3,7ha), khu đất góc đường Thống Nhất - Lý Thường Kiệt (TP.Vũng Tàu). Theo ông Lê Thành Vinh, tất cả các vị trí đất, dự án FLC khảo sát đều có diện tích lớn, vị trí thuận lợi về giao thông kết nối, phù hợp với tiêu chí đầu tư của FLC. Do đó, FLC mong muốn lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện để tập đoàn nghiên cứu từng dự án.
Trước đó, Công ty Korea Infrastructure Company Limited (Hàn Quốc) cũng đã trình bày với UBND tỉnh dự án đầu tư du lịch, nghỉ dưỡng tại khu đất Paradise và khu đô thị mới Bàu Trũng (TP.Vũng Tàu). Korea Infrastructure Company Limited dự kiến đầu tư vào 2 dự án này khoảng 3,2 tỷ USD và sẽ liên doanh cùng các DN Hàn Quốc để điều hành việc kinh doanh. Trong khi đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã chi cả ngàn tỷ đồng để mua 4 dự án có quy mô lớn ngay trung tâm TP.Vũng Tàu. Còn Tập đoàn Novaland thì tham gia vào dự án Palm Beach Vũng Tàu. Công ty BĐS Danh Khôi đã chuyển nhượng thành công 1 dự án có quy mô gần 10ha ngay trung tâm TP.Bà Rịa để phát triển thành khu đô thị mang tên Barya Citi.
Nhà đầu tư tìm hiểu thông tin dự án Barya Citi (TP.Bà Rịa) do Công ty Bất động sản Danh Khôi làm chủ đầu tư. |
THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, BR-VT hội đủ các các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành một tỉnh công nghiệp, cảng biển, du lịch. Về địa lý, BR-VT có vị trí chiến lược, nằm ở cửa ngõ ra biển Đông, tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh trong tứ giác kinh tế trọng điểm phía Nam, chỉ cách TP.Hồ Chí Minh khoảng 100km, thông qua tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Quốc lộ 51. Ngoài ra, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang chuẩn bị đưa vào sử dụng sẽ kết nối khu vực miền Tây với Đồng Nai và BR-VT một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Xuyên Á, sân bay quốc tế Long Thành… đã được quy hoạch hoặc chuẩn bị triển khai đã góp phần thúc đẩy các nhà đầu tư BĐS lớn tìm đến BR-VT.
Ông Dương Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Asia New Time (nhà phân phối dự án Barya Citi) nhận định: “Gần đây, nhiều người có xu hướng tiến ra vùng ven TP. Hồ Chí Minh an cư để hưởng môi trường sống trong lành. BR-VT từ lâu được đánh giá như “trái tim du lịch biển” của khu vực Đông Nam bộ. Hơn nữa, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng ngày càng hoàn thiện cũng giúp BR-VT thúc đẩy phát triển thị trường BĐS”.
Thêm vào đó, các nhà đầu tư địa ốc đang có xu hướng đầu tư vào những địa phương có biển. “Do giao thông thuận lợi nên những ngày cuối tuần, du khách rất dễ dàng về BR-VT tắm biển, nghỉ dưỡng. Việc sở hữu căn hộ nghỉ dưỡng tại BR-VT được các gia đình khá giả lựa chọn. Ngoài ra, nhu cầu nhà ở cho các chuyên gia, kỹ sư làm việc ở các cảng biển, KCN tại BR-VT cũng ngày càng tăng khiến thị trường BĐS trở nên hấp dẫn”, ông Nguyễn Nam Hiền, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh nói.
Theo ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều dự án tiềm năng, quy mô lớn đã được khởi công xây dựng như Hóa dầu Long Sơn hoặc đang đón chờ nhà đầu tư như: Đô thị Gò Găng (gần 1.800ha); Paradise (200ha), Chí Linh-Cửa Lấp (trên 800ha); Đô thị Tây Nam Bà Rịa; KDL Núi Dinh; Bàu Trũng (khoảng 170ha); Vườn thú Safari… Hiện nay, BR-VT đang điều chỉnh quy hoạch, kêu gọi đầu tư nhiều dự án du lịch - nghỉ dưỡng lớn đã bị thu hồi do nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai để giao cho các nhà đầu tư có năng lực và tâm huyết nhằm sớm đưa dự án vào hoạt động.
Công ty Korea Infrastructure Company Limited (Hàn Quốc) đang quan tâm đến dự án Khu đô thị mới Bàu Trũng. Trong ảnh: Một góc khu Bàu Trũng, TP.Vũng Tàu. |
Việc có nhiều nhà đầu tư BĐS lớn về BR-VT sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, du lịch. Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt thì có thể ảnh hưởng đến định hướng quy hoạch tổng thể và gây nên những nguy cơ về môi trường. UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành thanh tra, rà soát toàn diện về cơ sở pháp lý các dự án BĐS trên địa bàn tỉnh. Sở Xây dựng sẽ thường xuyên cập nhật thông tin các dự án BĐS đã được UBND tỉnh phê duyệt và các dự án bán nhà ở hình thành trong tương lai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và website của Sở Xây dựng; đồng thời thanh, kiểm tra việc huy động vốn mua bán nhà ở hình thành trong tương lai của các chủ đầu tư và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. (Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng) |
Bài, ảnh: THÀNH HUY