.

Nông sản BR-VT tìm đường xuất ngoại

Cập nhật: 17:24, 01/11/2018 (GMT+7)

Hiện nay, một số nông sản của BR-VT đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Tuy nhiên, con đường xuất ngoại của nhiều loại nông sản BR-VT vẫn còn gian nan. 

TỪNG BƯỚC CHINH PHỤC THỊ TRƯỜNG NƯỚC NGOÀI 

Vài năm gần đây, nhiều mặt hàng nông sản của BR-VT như tiêu, ca cao, điều, rau củ đã có chỗ đứng ở một số thị trường như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong đó, sản phẩm hồ tiêu của HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) là một ví dụ. Hiện nay, HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây đang canh tác gần 100ha tiêu, với các sản phẩm chủ lực: Tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu sọ, tiêu ngũ sắc, tiêu lốp, tiêu đông lạnh, tiêu không hạt. Ngoài thị trường trong nước, tiêu Bầu Mây đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Từ năm 2015, HTX đã xây dựng quy trình sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) để nâng cao giá trị cho hạt tiêu. Ông Lâm Ngọc Nhâm, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây cho biết, đầu năm 2018, 15ha hồ tiêu của HTX chính thức được cấp chứng nhận GlobalGAP. Đây là bước ngoặt quan trọng để HTX xây dựng vùng nguyên liệu lớn và phát triển thương hiệu tiêu Bầu Mây, chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ, EU. Gần đây, HTX đã chuyển dần từ xuất khẩu thô sang chế biến các sản phẩm tinh chế như: Mắm tiêu xanh, tiêu không hạt, nước chấm địa liền. Việc này giúp tăng giá trị của sản phẩm lên gấp 10 lần so với xuất khẩu thô; riêng sản phẩm tiêu không hạt hiện được HTX xuất bán với giá khoảng 15 triệu đồng/kg, tăng hơn 200 lần so với xuất khẩu hạt tiêu thô. Dự kiến năm 2018, HTX sẽ xuất khẩu hơn 1.000 tấn sản phẩm các loại, tăng gấp 3 lần so với năm 2017.

Còn với Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Thiện Thoa, DN này chọn trồng chuối già hương để xuất khẩu. Hiện nay, công ty có vùng trồng chuối tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, BR-VT. Tại BR-VT, trang trại chuối của công ty có quy mô hơn 100ha tại xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức, được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch đến đóng gói, bảo quản, xuất khẩu. Công ty đã nhập nhiều thiết bị tiên tiến để áp dụng vào sản xuất chuối như: Máy phun diệt sâu bọ bằng khói, tưới nước tiết kiệm… nhằm giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất. Theo ông Lê Quốc Trầm, cán bộ xuất nhập khẩu công ty, với quy trình này, công ty bảo đảm được 62 tiêu chí để xuất khẩu 2.400 tấn chuối già hương/tháng sang các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản. 

Vài năm trở lại đây, một số nông sản khác như ca cao, cà phê cũng đã tìm được đường xuất ngoại. Trong đó, sản phẩm ca cao của Công ty TNHH ca cao Thành Đạt (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) đã xuất khẩu sang thị trường Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, với sản lượng khoảng 200 tấn/năm. Hiện nay, công ty đã xây dựng nhà máy chế biến với dây chuyền sản xuất, lên men đạt chuẩn ISO 9001- 2000 tại xã Xà Bang để sản xuất các sản phẩm như: Bột ca cao, bơ ca cao, rượu ca cao, chocolate. “Dự báo thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu ca cao sẽ tăng nên công ty đầu tư thêm dây chuyền chế biến từ Đức, Hà Lan, với tổng kinh phí 130 ngàn euro để sản xuất ca cao nhão cho thị trường châu Âu”, ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Thành Đạt cho biết.

Sản xuất chocolate tại Công ty TNHH ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức). Hiện nay, sản phẩm do công ty sản xuất đã được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.
Sản xuất ca cao tại Công ty TNHH ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức). Hiện nay, sản phẩm do công ty sản xuất đã được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Ảnh: ĐÔNG HIẾU
Đối tác nước ngoài tìm hiểu quy trình sản xuất ca cao của Công ty TNHH ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức). Hiện nay, sản phẩm do công ty sản xuất đã được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.
Đối tác nước ngoài tìm hiểu quy trình sản xuất ca cao của Công ty TNHH ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức). Hiện nay, sản phẩm do công ty sản xuất đã được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.

ĐƯỜNG ĐI VẪN CÒN GIAN NAN

Mặc dù đã có một số nông sản vào được các thị trường khó tính như Australia, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh vẫn còn rất khiêm tốn. 9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông - lâm sản của tỉnh đạt 123 triệu USD, chỉ chiếm 3,72% về tỷ trọng xuất khẩu của cả tỉnh. Theo đánh giá, rào cản lớn nhất đối với nông sản BR-VT khi xuất khẩu là vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm và khả năng đáp ứng các rào cản kỹ thuật của thị trường nhập khẩu còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính là do quy trình sản xuất nông sản còn nhỏ lẻ, phân tán, việc kiểm soát khâu tổ chức sản xuất chưa chặt chẽ.

Theo ông Lê Quốc Trầm, do sản xuất nhỏ lẻ, tự phát nên sản lượng không đủ, chất lượng nông sản cũng không bảo đảm. Trong khi đó, yêu cầu của các đối tác nước ngoài rất khắt khe về chất lượng và cần với số lượng lớn. “Để nông sản Việt nói chung, BR-VT nói riêng xuất khẩu ổn định, điều quan trọng nhất là phải xây dựng các vùng chuyên canh lớn, sản xuất phải bảo đảm theo quy chuẩn quốc tế GlobalGAP, có thương hiệu, bao bì mẫu mã bắt mắt…”, ông Trầm nói.

Còn ông Phan Thế Hoành, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc) cho biết, sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng của HTX chưa tiếp cận được thị trường nước ngoài, dù chất lượng được đối tác đánh giá cao. Nguyên nhân lớn nhất là do diện tích canh tác nhãn còn hạn chế (chỉ khoảng 9ha) nên sản lượng không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. “Theo tôi, ngoài việc canh tác theo quy trình chất lượng cao, ngành nông nghiệp và tỉnh cần nghiên cứu, quy hoạch vùng canh tác tập trung lớn. Đồng thời, tăng cường dự báo, định hướng thị trường và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để nông sản BR-VT, trong đó có nhãn xuồng có cơ hội xuất ngoại”, ông Hoành kiến nghị.

Trái nhãn xuồng cơm vàng của BR-VT thơm ngon nhưng hiện vẫn chưa thể xuất khẩu.  Trong ảnh: Sơ chế nhãn xuồng cơm vàng tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc).
Trái nhãn xuồng cơm vàng của BR-VT thơm ngon nhưng hiện vẫn chưa thể xuất khẩu. Trong ảnh: Sơ chế nhãn xuồng cơm vàng tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc).

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT nhận định, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh khá đa dạng, phong phú, trong đó một số sản phẩm như nhãn xuồng cơm vàng, bưởi da xanh Sông Xoài, ca cao hữu cơ… được các đối tác nước ngoài đánh giá cao. Tuy nhiên, các sản phẩm này mới chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa. Ngoài diện tích hạn chế, sản lượng chưa nhiều, bà con nông dân vẫn chưa thực hiện đầy đủ kỹ thuật canh tác theo khuyến cáo của cơ quan chức năng như: Chưa tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, còn làm theo phong trào, chất lượng sản phẩm làm ra không đều. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp vẫn còn hạn chế, trong khi công nghệ tiên tiến sẽ giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong việc minh bạch thông tin sản phẩm như nguồn gốc, quy trình chăm sóc… Đây chính là những rào cản khiến nông sản của tỉnh khó cạnh tranh khi xuất khẩu.

Cần giải bài toán chế biến và xây dựng thương hiệu

Để nông sản BR-VT vươn ra thế giới, cần giải bài toán chế biến và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị nông sản. Đồng thời, DN cần tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại, tích cực, chủ động hơn trong việc tìm hiểu thông tin về thị trường và những ưu đãi mà hàng xuất khẩu Việt Nam được hưởng trong các Hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh đó, các DN cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới, đặc biệt cần hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, an toàn hơn cho người tiêu dùng. 

(Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương)

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.