Siết chặt quy định lắp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá
Một trong những biện pháp quan trọng để gỡ “thẻ vàng” mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra đối với thủy sản Việt Nam là tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) để cơ quan chức năng quản lý khi hành nghề trên biển. Tại BR-VT, cơ quan chức năng đã đưa ra quy định cụ thể về việc lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá; đồng thời có chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp không thực hiện.
Từ năm 2019, tất cả tàu cá dài trên 15m phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mới được ra khơi.
Trong ảnh: Hệ thống máy định vị VX-1700 trên tàu của ngư dân Phạm Ngọc Hoàng (phường 5, TP.Vũng Tàu).
|
GẦN 1.000 TÀU CÁ ĐÃ GẮN THIẾT BỊ GSHT
Ngày 25-9-2018, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 9559/UBND-VP quy định thời hạn các tàu cá phải lắp thiết bị GSHT. Theo đó, trước ngày 31-10-2018, tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên bắt buộc phải lắp đặt thiết bị GSHT. Đến trước ngày 1-1-2019, các tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m bắt buộc phải lắp đặt thiết bị GSHT. Trường hợp chủ tàu không chấp hành việc lắp đặt thiết bị GSHT và không tuân thủ việc mở máy 24/24 giờ khi khai thác hải sản trên các vùng biển, cơ quan chức năng sẽ không cấp, gia hạn giấy phép khai thác thuỷ sản.
Hiện nay, toàn tỉnh có 5.912 phương tiện khai thác thủy hải sản, trong đó có 2.900 tàu dài từ 15m trở lên. Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, qua thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, mới có khoảng 1.000 tàu cá dài từ 15m trở lên đã gắn thiết bị GSHT. Trong đó, có 270 tàu được hỗ trợ lắp đặt miễn phí máy Movimar, trị giá 135 triệu đồng/máy. Đây là hệ thống thiết bị GSHT tàu cá bằng công nghệ kết nối vệ tinh, với nhiều ứng dụng, trong đó quan trọng nhất là xác định vị trí, hành trình tàu cá hoạt động trên biển. Tàu cá được trang bị máy Movimar sẽ nhận được tín hiệu GPS và được định vị 24/24 giờ, mỗi tàu có ăng-ten thu phát và mã số. Hệ thống giám sát trên bờ sẽ thu được hình ảnh hiển thị của tàu trên biển. Nhờ đó, cơ quan quản lý có thể chủ động kiểm tra và giám sát đối với từng tàu cá có lắp thiết bị. Hơn 700 tàu còn lại, ngư dân tự đầu tư thiết bị GSHT.
CẦN SỚM THÁO GỠ NHỮNG VƯỚNG MẮC
Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, trước đây, công tác kiểm tra, giám sát việc ngư dân lắp đặt thiết bị GSHT còn hạn chế. Thêm vào đó, pháp luật chưa hoàn thiện nên khó xử lý các tàu cá không gắn hoặc gắn nhưng không bật thiết bị GSHT khi hoạt động.
Trong Luật Thủy sản năm 2017 (sẽ có hiệu lực từ 1-1-2019) đã có quy định bắt buộc các tàu dài trên 15m phải lắp đặt thiết bị GSHT. Hiện tại, trong khi Luật Thủy sản năm 2017 chưa có hiệu lực, để khẩn trương khắc phục “thẻ vàng” của EC, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh BR-VT đã có quy định bắt buộc các tàu cá phải lắp đặt và bật thiết bị GSHT. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ NN-PTNT vẫn chưa ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn của thiết bị GSHT như thế nào phù hợp, thống nhất mẫu trên cả nước. Do đó, ngành NN-PTNT tỉnh kiến nghị Bộ NN-PTNT cần nhanh chóng ban hành mẫu, quy chuẩn, thông số kỹ thuật của thiết bị GSHT; đồng thời thống nhất kết nối việc giám sát giữa các địa phương trong cả nước với nhau.
Bài, ảnh: NGÔ THANH