.

Ứng dụng khoa học, công nghệ vào trồng cây ăn trái

Cập nhật: 16:34, 29/10/2018 (GMT+7)

BR-VT là địa phương có thế mạnh về cây ăn trái, trong đó có nhiều loại trái cây nổi tiếng. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây ăn trái là cần thiết để phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Vườn sầu riêng của ông Văn Danh (xã Long Phước, TP.Bà Rịa) cho năng suất cao, chất lượng trái tốt hơn nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. 
Vườn sầu riêng của ông Văn Danh (xã Long Phước, TP.Bà Rịa) cho năng suất cao, chất lượng trái tốt hơn nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. 

Dẫn chúng tôi tham quan vườn bơ, anh Nguyễn Cảnh Thái Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thái Dương (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) cho biết, hiện nay, diện tích trồng bơ của HTX khoảng 4 ha, mỗi tháng thu hoạch khoảng 400kg. Trong quá trình chăm sóc, việc bón phân được HTX kiểm soát nghiêm ngặt. Từng công đoạn chăm sóc đều được theo dõi, ghi chép cẩn thận. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), HTX tuân thủ quy trình giãn cách 20 ngày giữa các đợt phun, bảo đảm lượng thuốc đã phân hủy hết. Trước khi thu hoạch, HTX cũng dừng phun thuốc 30 ngày để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. HTX chủ yếu sử dụng phân hữu cơ thân thiện với môi trường để bón cho cây. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, HTX luôn cân nhắc sử dụng thuốc BVTV với liều lượng thấp nhất. Đặc biệt, HTX còn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: sử dụng hệ thống máy giám sát dinh dưỡng, nhiệt độ, độ ẩm của cây để cho ra những quả bơ chất lượng. Hiện nay, ngoài thị trường BR-VT, bơ sáp Thái Dương của HTX đã có mặt ở nhiều địa phương (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Định…), với giá bán cao gần gấp đôi so với bơ thông thường.

Theo tính toán của anh Nguyễn Cảnh Thái Dương, 1ha trồng được 625 cây bơ, mỗi cây cho thu hoạch 50kg. Với bán tại vườn từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, xã viên của HTX lãi khoảng 500 triệu đồng/ha. “HTX đang nghiên cứu quy trình sản xuất các sản phẩm khác từ bơ như: tinh dầu bơ, bột bơ, trà bơ… để đa dạng hóa sản phẩm; đồng thời dán tem truy xuất nguồn gốc cho từng trái bơ để người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về chất lượng”, anh Dương nói.

Theo Sở KH-CN, hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp sạch, theo hướng hữu cơ đang được nhiều nhà vườn áp dụng. Trong canh tác, nhà nông đã hạn chế sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học, thay vào đó là dùng nhiều phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học. Cùng với đó, xu hướng sản xuất các loại cây ăn quả đạt các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt ngày càng được nông dân quan tâm hơn. Toàn tỉnh hiện có hơn 8.000ha cây ăn quả, trong đó có nhiều loại cây nổi tiếng như: mãng cầu ta, bưởi da xanh, nhãn xuồng cơm vàng, thanh long ruột đỏ, sầu riêng, măng cụt, chuối cấy mô, bơ... Nhiều sản phẩm được tiêu thụ trong hệ thống các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài nước. Điều này chứng tỏ việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất cây ăn trái đang được nhiều hộ sản xuất quan tâm đầu tư.

Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, những năm gần đây, Sở KH-CN đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ xây dựng nhiều dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây ăn quả và đã cho những kết quả tích cực. Đơn cử, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Sông Xoài” được Sở KH-CN triển khai thực hiện từ năm 2013. Ban đầu, có 5 hộ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau đó, nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả cao, 7 hộ khác tự đầu tư kinh phí để sản xuất theo mô hình này. Theo các hộ trồng bưởi da xanh, trồng theo hướng VietGAP đã giảm được 50% lượng phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm nước nhờ phương pháp tưới nhỏ giọt công nghệ Israel, sản lượng tăng gấp đôi so với phương pháp trồng thông thường.

Ngoài ra, Sở KH-CN còn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ thực hiện đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất nhãn xuồng cơm vàng theo tiêu chuẩn GAP”. Hiện đã có 6ha nhãn xuồng cơm vàng của HTX Nông nghiệp dịch vụ Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc) được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Theo ông Lê Văn Tường, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Nhân Tâm, nhãn xuồng của HTX hiện đang được tiêu thụ ổn định tại hệ thống các siêu thị, với sản lượng 40-50 tấn/năm, tạo thu nhập ổn định cho bà con xã viên.

Mới đây, Sở KHCN triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và thâm canh vườn cây ăn quả xã Long Phước, TP.Bà Rịa”, do thạc sĩ Mai Văn Trị (Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ) làm chủ nhiệm. Mục tiêu của dự án là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cải tạo, thâm canh vườn cây ăn quả nhằm cải thiện chất lượng cây, tăng năng suất và góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất một số cây ăn quả (sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh) tại xã Long Phước. Kết quả thực tế của dự án cho thấy, năng suất cây tăng 40-63% và hiệu quả kinh tế tăng 69-125% so với phương pháp sản xuất thông thường.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Theo Thạc sĩ Nguyễn An Đệ (Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ), để phát huy hết tiềm năng cây ăn quả của BR-VT, các nhà vườn cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Cụ thể: Ứng dụng công nghệ sinh học phân tử trong giám định bệnh hại cây ăn quả; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các chế phẩm sinh học nhằm tạo ra phân hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả; ứng dụng công nghệ nhân giống nuôi cấy mô (chuối, đu đủ); ứng dụng công nghệ nhân giống vô tính bằng biện pháp ghép với gốc có nhiều ưu thế được chọn lọc.

 

.
.
.