5 tháng, không có tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài
Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, tình trạng tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài trong năm 2018 đã giảm rõ rệt. Tính từ tháng 7-2018 đến nay, không có trường hợp nào tàu cá của ngư dân trong tỉnh bị nước ngoài bắt giữ về hành vi trên.
LỠ MỘT LẦN MẤT TIỀN TỶ
Đi cùng Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển (BTLVCSB) 3 đến cảng Hưng Thái (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) để tuyên truyền cho chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá không đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài vào ngày 11-10 vừa qua, chúng tôi nhận thấy ngư dân rất quan tâm chăm chú lắng nghe. Tại buổi tuyên truyền, đại diện BTLVCSB 3 phát tờ rơi, đồng thời giới thiệu cho ngư dân khái quát về biển, đảo Việt Nam; đường phân định giữa Việt Nam với các nước trên vùng biển phía Nam; các quy định của pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hoạt động xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản và chủ trương, biện pháp của nước ngoài xử lý đối với tàu cá xâm phạm chủ quyền vùng biển của họ…
Ngư dân làm lưới tại cảng Hưng Thái (huyện Long Điền) chuẩn bị cho chuyến đánh bắt dài ngày trên biển. |
Vừa đưa tàu trở về neo đậu tại cảng Hưng Thái sau chuyến đánh bắt kéo dài hơn 3 tháng, anh Nguyễn Hồng Thơ (ngụ xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) tài công tàu cá BV 92474 TS có mặt từ rất sớm để đi cùng cán bộ BTLVCSB 3 đến từng tàu để tuyên truyền cho ngư dân. Có lẽ nhiều người sẽ bất ngờ về việc làm của anh Thơ, bởi chính tàu của anh đã từng bị Indonesia bắt giữ cách đây 2 năm do đánh bắt xâm phạm vùng biển nước họ. Hậu quả làm mất trắng tài sản và còn phải trải qua những ngày tháng bị giam cầm ở xứ người, khiến vợ con ở nhà lo lắng, nên anh Thơ quyết tâm không tái phạm. Từ đó, anh Thơ luôn tích cực tham gia các buổi tuyên truyền để nắm rõ các quy định pháp luật về khai thác hải sản, tọa độ nào trên biển được phép đánh bắt để phổ biến lại cho thuyền viên và ngư dân khác. “Nhờ lực lượng chức năng thời gian qua thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, có những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi xâm phạm vùng biển nước ngoài, nên hiện nay nhiều chủ tàu, thuyền trưởng đã có ý thức hơn trong hoạt động khai thác hải sản, không còn tái phạm”, anh Thơ cho hay.
Cũng từng bị Indonesia bắt giữ tàu và thuyền viên cách đây vài năm do xâm phạm vùng biển nước họ, ngư dân Nguyễn Văn Lâm (ngụ ấp Phước Lâm, xã Phước Hưng, huyện Long Điền) cho biết, thời điểm tàu bị bắt và sau đó đánh mìn tiêu hủy, ông không chỉ bị mất tàu mà hàng tháng còn phải gửi tiền ăn uống, sinh hoạt cho các thuyền viên bị giam giữ chờ ngày xét xử ở nước ngoài. Lần đó, tổng thiệt hại gần 2 tỷ đồng. “Đây là bài học cay đắng nhất đối với tôi trong hơn chục năm làm nghề khai thác hải sản. Hiện nay, tôi và người thân sở hữu 6 cặp ghe giã cào, trước mỗi chuyến đi biển đều nhắc nhở tài công không đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, dễ dẫn đến mất tàu, còn thuyền viên bị giam cầm nơi xứ người khổ lắm!”, ông Lâm chia sẻ.
NỖ LỰC GỠ “THẺ VÀNG EC”
Theo Đại tá Đào Quang Hiển, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, để Ủy ban châu Âu (EC) xem xét sớm rút lại “thẻ vàng” cảnh báo đối với thủy sản Việt Nam, thời gian tới, ngư dân cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong hoạt động khai thác hải sản xa bờ. Theo đó, cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến hoạt động của tàu cá cho Sở NN-PTNT, BĐBP tỉnh như: Nhật ký khai thác thủy sản, báo cáo khai thác thủy sản, cam kết thực hiện các nội dung quy định khi hành nghề khai thác thủy sản trên biển, chấp hành và chịu sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan chức năng trong hoạt động khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, ngư dân cũng cần thực hiện đúng theo Công văn số 9559/UBND-VP ngày 25-9-2018 của UBND tỉnh về việc bắt buộc tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
“Ngoài việc tuyên truyền, vận động thuyết phục ngư dân, BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát phương tiện xuất, nhập bến để phát hiện các dấu hiệu, công cụ của việc đưa phương tiện ra vùng biển nước ngoài như mang theo sổ kiểm soát giả, biển kiểm soát, cờ nước ngoài; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời trao đổi thông tin, phát hiện ngăn chặn, xử lý nghiêm tàu cá, ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép”, Đại tá Đào Quang Hiển nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền cho ngư dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật trong quá trình đánh bắt trên biển. |
Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 10-10-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc thực hiện các giải pháp chấm dứt tàu cá và ngư dân tỉnh BR-VT vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái pháp luật”, Sở NN-PTNT sẽ kiện toàn và xây dựng các Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá Cát Lở, Bến Đá, Incomap, Lộc An, Tân Phước, Phước Hiệp, Hưng Thái và Bình Châu. Theo đó, đối với tàu cá xuất bến, 100% tàu cá được kiểm tra hồ sơ giấy tờ và kiểm tra thực tế trước khi xuất bến, đặc biệt chú trọng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với tàu cá nằm trong danh sách vi phạm, có dấu hiệu nghi ngờ đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài; đối với tàu về bến, 100% tàu cá được kiểm tra, giám sát, khai báo khi cập cảng, thu nộp sổ nhật ký khai thác, kiểm tra các thông tin ghi trong sổ nhật ký khai thác, kiểm tra ngư cụ, kích thước mắt lưới, bảo đảm kiểm tra, thanh tra tại cảng ít nhất 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ, 5% sản lượng lên bến đối với thủy sản khác theo khuyến cáo của EC.
Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, nếu hải sản Việt Nam bị “thẻ vàng” hay “thẻ đỏ” thì ngư dân là những người chịu thiệt hại đầu tiên vì không xuất khẩu được hải sản. Do vậy, ngư dân cần hiểu và nhận thức rõ hệ lụy nếu tiếp tục vi phạm vùng biển nước ngoài. Đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá không chỉ góp phần ngăn chặn tình trạng đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài với mục tiêu gỡ “thẻ vàng” của EC, mà còn hướng đến phát triển nghề khai thác hải sản bền vững. Theo đó, ngành thủy sản tỉnh tiếp tục thực hiện một số biện pháp như khuyến khích ngư dân đóng mới tàu cá vỏ thép, vỏ composite; triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá theo hướng tích hợp các thông tin về tàu thuyền, hoạt động khai thác, lao động; ban hành các quy hoạch, quy định về phát triển nghề cá theo hướng bảo vệ, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản…
Trước ngày 31-10-2018, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên bắt buộc phải tự lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Trường hợp chủ tàu không chấp hành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và không tuân thủ việc mở máy 24/24 giờ khi khai thác hải sản trên các vùng biển, sẽ bị áp dụng hình thức không cấp, gia hạn giấy phép khai thác thuỷ sản cho đến khi chấp hành xong việc lắp đặt thiết bị. Đối với tàu cá có chiều dài từ 15 đến dưới 24m, bắt buộc phải tự lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1-1-2019, bảo đảm việc thực thi các quy định ngay khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực thi hành. (Công văn số 9559/UBND-VP ngày 25-9-2018 của UBND tỉnh) |
Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM