Xóm thuyền thúng Phước Hải
Thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ có 5.513 hộ với 25.727 nhân khẩu, trong đó hơn 70% hộ sống bằng nghề khai thác hải sản. Bên cạnh những con tàu công suất lớn vươn khơi đánh bắt xa bờ, Phước Hải cũng còn nhiều hộ ngư dân mưu sinh bằng nghề lưới thúng truyền thống.
Ngư dân Phước Hải xếp lưới để chuẩn bị cho chuyến đi biển ngày hôm sau. |
Theo ông Võ Thanh Phượng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Hải, trên địa bàn Phước Hải hiện có 172 hộ dân hành nghề lưới thúng, với hơn 320 thuyền thúng, tập trung chủ yếu tại các khu phố Lộc An, phước Trung, Hải Lạc. Nhận thấy hiệu quả trong đánh bắt, lại di chuyển nhanh nên từ 5 năm trước, ngư dân Phước Hải đã đầu tư thuyền thúng bằng vật liệu composite có gắn máy, thay thế thúng nan chèo tay truyền thống.
Xóm thuyền thúng Phước Hải, nằm sát mé biển, được bao quanh bởi 2 con đường Lê Lai và Trần Hưng Đạo luôn tấp nập người. 9 giờ, chị Trần Thị Hiền (SN 1983, ở khu phố Lộc An), tay mang thùng nhựa, chờ sẵn trên bờ biển đón chồng là anh Trương Văn Ghe lái thuyền thúng chuẩn bị cập bờ. Khi chiếc thuyền thúng được kéo lên, anh Ghe nhanh tay trút mớ cá, mực, ghẹ qua thùng cho vợ đưa đi bán. Anh Ghe tranh thủ ăn cơm rồi gỡ lưới, bắt những con cá, con tôm còn sót lại, sau đó rửa thuyền, xếp lưới gọn gàng để chuẩn bị cho chuyến đi biển hôm sau.
Niềm vui của vợ chồng anh Trương Văn Ghe và chị Trần Thị Hiền (khu phố Lộc An, thị trấn Phước Hải) sau chuyến biển. |
Gia đình anh Ghe làm nghề lưới thúng cha truyền con nối mấy chục năm nay. Trước đây, do dùng thúng chèo tay, chỉ ra khoảng chừng 1 hải lý thì thả lưới nên tôm cá ít. Từ ngày sắm được thuyền thúng composite có gắn máy (53 triệu đồng/chiếc) và đầu tư thêm 20 triệu đồng mua ngư, lưới cụ… Ghe anh đi xa được 2-3 hải lý nên đánh bắt được nhiều tôm, cá hơn. “Mỗi ngày tôi kiếm được khoảng chục kg cá các loại. Sau khi trừ chi phí, còn dư khoảng 500 ngàn đồng. Hôm nào “trúng mánh” được mấy kg mực nang hoặc cua, ghẹ có thể được vài triệu đồng. Nghề lưới thúng quanh năm suốt tháng không có ngày nghỉ, nhưng đã đi biển là không sợ đói”, anh Ghe cho biết.
Hàng ngày, khoảng 2-3 giờ sáng, anh Ghe cũng như nhiều ngư dân ở khu phố Lộc An lại bắt đầu ra biển. Ánh đèn sáng rực một góc, tiếng máy kéo nổ bình bình để kéo những chiếc thuyền thúng xuống biển làm náo động cả khu phố. Bao năm bám biển mưu sinh, nhiều gia đình đã có cuộc sống ổn định, nuôi con ăn học thành tài. Anh Trần Văn Tám (SN 1970, ở khu phố Lộc An) có thâm niên gần 30 năm hành nghề lưới thúng. Hiện gia đình anh Tám đang có 2 thuyền. Nhờ cặp thuyền thúng này mà kinh tế gia đình anh ngày càng khấm khá, các con được học hành và có việc làm ổn định. Theo kinh nghiệm của anh Tám, mùa mưa ra khơi vào ban đêm thì đánh được nhiều cá hơn. “Làm nghề lưới thúng tuy không giàu, nhưng ngày nào ra khơi cũng được gần triệu đồng. Vào dịp cuối năm, biển thường động nên có nhiều cá hơn, nhất là sau các đợt áp thấp”, anh Tám chia sẻ kinh nghiệm.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Trung (khu phố Hải An, thị trấn Phước Hải) phân loại cá để đưa đi bán. |
Theo ông Võ Thanh Phượng, từ năm 2015 đến nay, UBND thị trấn Phước Hải đã phối hợp với các ngành lập 3 dự án cho 55 hộ ngư dân vay vốn 1,2 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh và huyện nhằm hỗ trợ một phần vốn cho ngư dân đầu tư thuyền thúng máy hoặc mua sắm các loại ngư, lưới cụ phục vụ cho việc đánh bắt hải sản. Hiện nay, UBND thị trấn đang tiếp tục triển khai đề án cho 20 hộ ngư dân vay 500 triệu đồng để đầu tư thêm ngư, lưới cụ, có điều kiện cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.
Mặt trời đứng bóng, những ngư dân cuối cùng cũng đã hoàn tất việc đưa những chiếc thuyền thúng lên bờ, dọn rửa sạch sạch sẽ, xếp lưới rồi về nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chuyến ra khơi sớm hôm sau.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG