.

Mua, bán ngoại tệ ở đâu để không bị phạt?

Cập nhật: 16:38, 25/10/2018 (GMT+7)

Trong những ngày gần đây, thông tin một người dân tại TP.Cần Thơ đến tiệm vàng đổi 100 USD bị cơ quan chức năng phạt 90 triệu đồng vì hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ đã khiến dư luận xôn xao. Trong khi đó, nhiều người dân cho biết, lâu nay, họ vẫn thường ra các tiệm vàng để mua bán ngoại tệ mà không hề hay biết có đúng quy định hay không?

Kiểm tra ngoại tệ để giao dịch cho khách tại Ngân hàng Vietinbank, Chi nhánh BR-VT. 
Kiểm tra ngoại tệ để giao dịch cho khách tại Ngân hàng Vietinbank, Chi nhánh BR-VT. Ảnh: THU THẢO 

Chị Nguyễn Thị Hậu (khu phố 4, phường 9, TP.Vũng Tàu) cho biết, thỉnh thoảng, chị được người thân ở nước ngoài cho 100-200 USD. Khi có nhu cầu đổi sang tiền Việt, chị vẫn thường ra các tiệm vàng gần nhà để trao đổi. Theo chị Hậu, khi đọc báo, xem tivi thấy thông tin về một người dân tại Cần Thơ bị phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD tại tiệm vàng không được phép thu đổi ngoại tệ, chị khá bất ngờ. Bản thân chị không hề biết về quy định này.

Việc xử phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, Nghị định này quy định, người nào mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được cấp giấy phép sẽ bị xử phạt 80 - 100 triệu đồng. Cơ sở kinh doanh không có giấy phép nhưng vẫn thực hiện thu mua, quy đổi ngoại tệ cũng sẽ bị xử phạt 500 - 600 triệu đồng. Thậm chí, với hành vi mua, bán ngoại tệ giữa các cá nhân với nhau, hay quy đổi không đúng tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước quy định... cũng sẽ bị phạt tiền từ 40 - 80 triệu đồng. Ngoài ra, mức phạt bổ sung với hoạt động vi phạm này sẽ là tịch thu số ngoại tệ và tiền Việt Nam đồng trong giao dịch trái phép này.

Theo ông Nguyễn Trọng Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), hiện nay, việc thu đổi ngoại tệ hiện rất thuận tiện. Các điểm thu đổi ngoại tệ “phủ sóng” từ thành thị đến nông thôn, từ trung tâm đến ngoại thành… Các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch đều có chức năng thu đổi ngoại tệ. Muốn mua bán ngoại tệ, người dân có thể đến các ngân hàng thương mại. Ngoài mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại, tính đến ngày 30-9, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 580 đại lý thu đổi ngoại tệ khác trên toàn quốc. Quy định của Ngân hàng Nhà nước đã nêu rõ, các tổ chức tín dụng phải thông báo danh sách các địa điểm mua, bán ngoại tệ tiền mặt của toàn hệ thống trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng. Ngoài  ra, người dân có thể truy cập website của các tổ chức tín dụng để biết chính xác địa điểm mua, bán ngoại tệ hợp pháp và thực hiện mua, bán ngoại tệ tại các địa điểm này để không bị xử phạt.

Khách hàng giao dịch ngoại tệ tại Ngân hàng Đông Á, Chi nhánh BR-VT.  Ảnh: THU THẢO
Khách hàng giao dịch ngoại tệ tại Ngân hàng Đông Á, Chi nhánh BR-VT. Ảnh: THU THẢO

Tại BR-VT, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh BR-VT, trên địa bàn tỉnh có 15 đơn vị được ủy quyền đổi ngoại tệ và 17 đại lý chi trả ngoại tệ. Theo đó, tại các đơn vị được ủy quyền đổi ngoại tệ, người dân có thể giao dịch, đổi từ tiền USD sang tiền Việt Nam đồng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo, người dân chỉ nên đổi với số lượng ít, đủ để chi tiêu. Nếu đổi với số lượng tiền lớn, người dân nên đến các ngân hàng đã được cấp phép. Còn đối với các đại lý được chi trả ngoại tệ, chỉ được phép chi trả tiền bằng ngoại tệ cho khách hàng khi có sự ủy quyền của ngân hàng. Nếu khách hàng muốn lấy tiền Việt, phải làm các thủ tục ngay từ ban đầu đối với ngân hàng nơi ủy quyền. Người dân lấy ngoại tệ xong đổi lại tiền Việt ngay tại đại lý chi trả ngoại tệ đó cũng sai phạm.

Mục tiêu chống đô la hóa, ổn định tiền Việt Nam là một chủ trương lớn và hoàn toàn đúng đắn cần phải thực hiện. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Báo BR-VT, nhu cầu thu đổi ngoại tệ của người dân rất lớn. Trong khi đó, số lượng đại lý thu đổi ngoại tệ hiện còn khá ít. Do đó, để không xảy ra các trường hợp vi phạm giao dịch ngoại tệ, cần mở rộng các điểm thu đổi ngoại tệ, đồng thời các đại lý này cần hoạt động ngoài giờ.

NHÓM PV KINH TẾ

Các đại lý trên địa bàn tỉnh được chi trả ngoại tệ: DNTN Kim Phát Đại Nam (487A Trần Phú, phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu); DNTN Đan Kim Phát (297 đường 30-4, phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu); DNTN Kim Phát - Cát Lở (886 đường 30-4, phường 11, TP.Vũng Tàu); Công ty TNHH Nguyễn Hiền (57 Trần Hưng Đạo, phường 1, TP.Vũng Tàu); Công ty TNHH Kim Minh Đặng Phố (84 Lý Thường Kiệt, phường 1, TP.Vũng Tàu); Công ty TNHH Kim Minh Thành Thi (63 Trần Hưng Đạo, phường 1, TP.Vũng Tàu); DNTN TM vàng trang sức Kim Lợi (100 Huỳnh Tịnh Của, phường Phước Trung, TP.Bà Rịa); DNTN Tiệm vàng Kim Tâm (11 tổ 6, ấp Phước Lâm, xã Phước Hưng, huyện Long Điền); DNTN Hiền Nguyên (số 6, ô 5, tổ 39, khu phố Hải Hà 1, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền); DNTN Công Thành Bảo Ngọc (178 Mạc Thanh Đạm, khu phố Long Tâm, thị trấn Long Điền); DNTN vàng bạc đá quý Kim Vân (I 54, tổ 2 , ấp Tân Lập, xã Phước Tỉnh, Long Điền); DNTN vàng trang sức Kim Quang (chợ Bình Châu, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc); Công ty TNHH Kim Hương ( 4/1, thôn Thanh Sơn, thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc); DNTN Tiệm vàng Kim Lộc (ấp Thanh Bình 2, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc); DNTN tiệm vàng Kim Hương (chợ Lam Sơn, khu 6, Ấp Lam Sơn, phường Phước Hòa, TX.Phú Mỹ); DNTN tiệm vàng Dũng (chợ Lam Sơn, phường Phước Hòa, TX.Phú Mỹ); DNTN vàng bạc đá quý Năm Tiến Thái (Lô E13, Trung tâm Thương mại Kim Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức).

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 15 đơn vị được ủy quyền đổi ngoại tệ là các DN du lịch, siêu thị…

Theo Thông tư số 20/2011/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 29-8-2011, cá nhân là công dân Việt Nam được mua ngoại tệ bằng tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ, bao gồm: Tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền đi lại ở nước ngoài liên quan đến mục đích: Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài. Cá nhân là người nước ngoài có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng theo đúng các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối. Hạn mức mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ quy định tại Thông tư này với mức 100 USD/người/ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày. Hạn mức ngoại tệ trên cũng được áp dụng đối với trẻ em chung hộ chiếu với cha mẹ.

 

.
.
.