Sau 4 năm triển khai, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ 67) đã góp phần tích cực vào việc khuyến khích ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu công suất lớn để khai thác hải sản xa bờ. Tuy nhiên, quá trình triển khai NĐ 67, đã phát sinh nhiều vướng mắc, cần được tháo gỡ.
15 TÀU HOẠT ĐỘNG THUA LỖ
Máy tời lưới bằng thủy lực gắn trên tàu 67 lưới rê của ngư dân Nguyễn Đình Ngọc ở phường 2, TP. Vũng Tàu. Ảnh: THÀNH HUY |
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, hiện nay, toàn tỉnh đã hoàn thành đóng mới 68 tàu theo NĐ 67 (gọi tắt là tàu 67), gồm 59 tàu khai thác và 9 tàu dịch vụ hậu cần thủy sản. Đa số các tàu đóng mới đều bảo đảm chất lượng, không có tình trạng gỉ sét, hư hỏng, bước đầu đạt được mục tiêu hiện đại hóa đội tàu khai thác hải sản của tỉnh. Về phía ngân hàng, bà Phan Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh BR-VT cho hay, tổng số vốn các ngân hàng giải ngân cho vay đóng mới, nâng cấp tàu 67 là hơn 1.017 tỷ đồng, đạt 98,41% số tiền cam kết cho vay (hơn 1.033 tỷ đồng).
Nhìn chung, phần lớn các tàu 67 đóng mới hoạt động hiệu quả, bảo đảm tiến độ trả nợ vay ngân hàng. Tuy nhiên, cũng có khoảng 15 tàu hoạt động thua lỗ, chưa trả gốc và lãi cho ngân hàng theo cam kết. Khó khăn trói buộc các tàu 67, theo một số chủ tàu là do vốn đầu tư cao, chi phí duy tu, sửa chữa lớn, chi phí đầu vào cho một chuyến ra khơi đánh bắt hải sản tăng, dẫn đến hoạt động khai thác kém hiệu quả. Thêm vào đó, Nghị định 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều NĐ 67 quy định giảm tỷ lệ hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu từ 90% xuống 50% làm tăng thêm chi phí hàng năm cho các chủ tàu.
Tàu vỏ thép BV 96979-TS của ngư dân huyện Long Điền đóng mới theo NĐ 67 đang neo đậu tại cảng Hưng Thái (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) chuẩn bị xuất bến khai thác hải sản xa bờ. Ảnh: NHỰT THANH |
Chưa kể, có những trường hợp tàu gặp sự cố, cần đến bảo hiểm thì việc xét duyệt chi trả quá chậm, ảnh hưởng đến hoạt động của tàu. Ông Nguyễn Thành Trung, chủ tàu BV 96688-TS (huyện Xuyên Mộc) cho biết, tàu của ông bị sự cố về máy từ tháng 3-2017, nhưng đến tháng 8-2018 mới được Công ty Bảo hiểm P. bồi thường.
Ngoài ra, các tàu 67 còn gặp khó khăn chung của nghề đánh bắt xa bờ: Khan hiếm lao động, ngư trường đánh bắt suy giảm về nguồn lợi hải sản. Bên cạnh đó, ngư trường BR-VT có quá nhiều tàu khai thác giã cào. Trong quá trình đánh bắt, rất nhiều tàu 67 đã bị các loại giã cào làm mất lưới, rách lưới.
KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP THÁO GỠ
Tàu võ thép của Công ty TNHH Gia Hân (TP.Vũng Tàu) đóng mới theo NĐ 67. Ảnh: THÀNH HUY |
Trước các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện NĐ 67 trên địa bàn tỉnh, ngày 13-9 vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn vay vốn đóng mới tàu cá vỏ sắt từ 16 năm lên 20 năm. Đồng thời, cho phép giữ nguyên tỷ lệ hỗ trợ bảo hiểm thân tàu lên đến 90% theo NĐ 67. Cũng liên quan đến vấn đề bảo hiểm, UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài chính cho phép chủ tàu 67 được tùy chọn mua bảo hiểm ở các DN bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính quản lý đang hoạt động trên địa bàn tỉnh (hiện chỉ có Công ty Bảo hiểm P. được bán bảo hiểm cho tàu 67), nhằm tăng tính cạnh tranh nâng cao chất lượng phục vụ cho các chủ tàu, giúp ngư dân mau chóng khắc phục hậu quả sau khi xảy ra sự cố, sửa chữa đưa tàu vào hoạt động sớm nhất.
UBND tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn phân loại nợ dành riêng cho các tổ chức, cá nhân vay vốn theo NĐ 67 đã được Nhà nước hỗ trợ lãi suất, không phân loại nợ như cho vay thông thường theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; hướng dẫn cụ thể về việc chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới nhưng không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản và xử lý đối với chủ tàu vay vốn trước khi chuyển đổi theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 17/2018/NĐ-CP; hướng dẫn xử lý đối với khoản vay ngư lưới cụ khi các tổ chức, cá nhân được xem xét chuyển đổi nghề cho tàu cá.
PHƯƠNG ANH
Sau 4 năm triển khai thực hiện NĐ 67, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các ngành và hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh, chính sách phát triển thủy sản đã đạt được một số kết quả tốt thúc đẩy đầu tư phát triển ngành nghề thủy sản, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân và người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, góp phần tạo thêm nguồn lực hiện đại hóa đội tàu của tỉnh, hướng đến mục tiêu phát triển nghề khai thác hải sản có trách nhiệm, gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Những khó khăn, vướng mắc phát sinh sẽ tiếp tục được tháo gỡ để việc thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo NĐ 67 trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn. (Đồng chí Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh) |